Một chàng trai trẻ đã chia sẻ về cuộc sống của mình suy sụp ra sao sau khi bộ xét nghiệm ADN mua về tiết lộ mẹ anh từng ngoại tình và người anh đang gọi bố hóa ra lại là chú ruột.
Chia sẻ trên diễn đàn Reddit, anh chàng 19 tuổi này chia sẻ, mình mới biết kết quả vài ngày trước và đã xem phần xác định mối quan hệ huyết thống của những thành viên trong gia đình dựa vào kết quả ADN. Đứng đầu danh sách, bố anh (tên M) chỉ có 29,2% ADN trùng khớp với anh và được dự đoán là “anh em trai cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha” - khả năng không thể xảy ra.
“Điều này quá vô lý bởi chúng tôi có quan hệ huyết thống và trông rất giống nhau, vì thế rõ ràng ông chắc chắn là cha tôi, nhưng kết quả lại không phải”, thanh niên này bày tỏ.
Sau đó, anh phát hiện thêm mình có trùng 24,6% ADN với chị họ - và được dự đoán người này là chị em cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ với mình.
"Tôi không thể nghĩ ra mối quan hệ di truyền nào có thể giải thích những gì tôi đang nhìn thấy và tôi nghi ngờ về độ chính xác của các tỷ lệ phần trăm này.
Nhưng tỷ lệ phần trăm ADN trùng khớp là cực kỳ chính xác và hiếm khi sai. Lời giải thích có lý duy nhất là bác tôi - tức bố của chị họ và anh trai của bố M, chính là bố ruột của tôi. Thực tế này như một viên gạch đập thẳng vào mặt tôi. Tôi hoang mang, hụt hẫng và đã ngồi trong phòng cả tiếng đồng hồ chỉ vì sốc, rồi sau đó cảm thấy tức giận. Tôi cần một câu trả lời".
Không cần suy nghĩ kỹ, chàng trai 19 tuổi đã cho mẹ mình xem kết quả ADN này và hỏi bà tại sao lại như vậy. “Tôi đã hỏi có phải mẹ ngoại tình với bác David không”, chàng trai kể. “Tôi chưa bao giờ thấy mặt ai tái nhợt nhanh như vậy. Bà trông như chết lặng rồi lầm bầm “Con hỏi cái quái gì vậy? Tất nhiên là không rồi”. Tôi phân tích lại cho mẹ hiểu tỷ lệ ADN trùng khớp thế kia thể hiện những điều gì. Bà ngã quỵ xuống đất khóc lóc, cầu xin tôi đừng nói với bố", anh kể tiếp.
Gia đình tan nát sau khi biết kết quả ADN. (Ảnh minh họa)
Anh chàng sau đó đã gọi điện cho người chị họ - thật ra chính là chị gái cùng cha khác mẹ với mình - để kể cho chị nghe mọi chuyện.
Anh nói: "Nghe xong, chị ấy hét lên. Một lúc sau, bố M (thực ra là chú) về nhà và xông vào phòng tôi hỏi “Có chuyện gì vậy?”. Tôi cũng kể với ông mọi chuyện. Ông chết lặng một lúc rồi rời đi, tôi khóa cửa lại. Trong vài giờ sau đó, tôi nghe thấy cả gia đình lanh tành bành ngoài cửa. Bố mẹ tôi cãi nhau kịch liệt. Ông bà nội chạy tới xem chuyện gì đang xảy ra. Vợ chồng bác David xuất hiện ngay sau đó và tôi tôi nghe thấy tiếng bố và bác David “choảng” nhau.
Tôi cảm thấy thật kinh khủng. Tôi biết đó không phải là lỗi của mình nhưng tôi vẫn cảm thấy tất cả mọi chuyện là do tôi, là do bộ xét nghiệm ADN kia. Nếu tôi tiêu tiền sinh nhật của mình vào việc gì khác, thì điều này đã không xảy ra, nhưng một phần sâu thẳm bên trong, tôi lại thấy vui khi biết sự thật".
Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng, nhiều thành viên trong diễn đàn đã nghĩ ra những cách giúp chàng trai cố gắng cứu vãn mối quan hệ giữa những người thân yêu của mình, trong khi đó, một số khác cố gắng động viên, an ủi anh.
"Hãy gọi cho bố M, nói rõ rằng bạn vẫn coi ông ấy là bố của mình - điều đó thực sự có thể giúp ông ấy vượt qua cú sốc này”, một người viết.
Một người khác nói thêm: "Người có lỗi là mẹ bạn và “ông bác”. Họ đã ngoại tình và lừa dối. Bạn không cần phải cảm thấy day dứt khi vạch trần tội lỗi của họ. Bố là người đã nuôi nấng bạn, không phải người có gene khớp với bạn nhiều hơn”.
Xét nghiệm ADN thể hiện quan hệ huyết thống thế nào?
Xét nghiệm ADN là một phương thức y học nhằm kiểm tra, xác định quan hệ huyết thống giữa những người khác nhau. Phương pháp này được thực hiện dựa trên việc phân tích gien di truyền. Với sự phát triển của hoa học, cho tới nay, xét nghiệm ADN là cách xác minh mối quan hệ huyết thống chính xác nhất.
Để chứng minh một người đàn ông có phải là cha ruột của một đứa trẻ không, người ta so sánh thông tin ADN cá nhân của trẻ với ADN cá nhân “người cha”. Sự tham gia của người mẹ làm tăng độ chính xác của kết quả nhưng không bắt buộc. Nếu các mẫu ADN của mẹ, con và bố nghi vấn khớp với nhau trong từng gene thì độ chính xác khẳng định có quan hệ huyết thống từ 99,999% đến 99,9999%, khi đó kết luận người đàn ông chính là cha ruột của đứa trẻ. Ngược lại, 2 hai mẫu ADN của người con và bố nghi vấn không khớp với nhau từ 2 gene trở lên thì kết luận 100% người đàn ông này không phải là cha của đứa trẻ.
Nhiều người sốc khi kết quả AND khác xa điều họ mong đợi. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trường hợp hai người đàn ông là anh em sinh đôi cùng trứng (có bộ gen giống nhau hoàn toàn) thì không thể dùng cách xét nghiệm ADN để xác định ai là cha ruột của đứa trẻ.
Vì sao phân tích ADN có thể xác định mối quan hệ chú/bác - cháu?
ADN là vật liệu chứa di truyền, chứa đựng “bản thiết kế” và hướng dẫn cho tất cả chức năng và sự phát triển của các sinh vật sống. ADN của chúng ta được sắp xếp vào 22 cặp nhiễm sắc thể (NST) thường và 1 cặp NST giới tính (nam XY, nữ XX). Trình tự ADN hầu như ít thay đổi trong suốt cuộc đời mỗi người.
Khi sinh ra con cái, một phần ADN của bố mẹ đã được truyền lại cho con. Vì thế, con cái sẽ có nhiều điểm chung với nhau và với bố mẹ, số điểm đặc điểm chung đặc trưng trên ADN giảm dần khi mối quan hệ huyết thống xa dần (ông bà - cháu, cô dì chú bác - cháu, anh em họ…).
Trong số các loại xét nghiệm ADN, phân tích nhiễm sắc thể Y có thể xác định mối quan hệ giữa ông nội - cháu trai; Chú, bác - cháu trai… Nhiễm sắc thể Y là nhiễm sắc thể giới tính đặc trưng cho giới tính nam ở người. Theo quy luật di truyền tất cả nam giới theo dòng nội như ông nội, bác, cha, chú, con trai, cháu trai… đều có cùng một hệ gen trên nhiễm sắc thể Y. Do đó, bằng việc phân tích ADN trên nhiễm sắc thể này của những người nam theo dòng nội, các chuyên gia có thể khẳng định mối quan hệ: chú, bác trai - cháu trai.