Không chỉ uống rượu bia, hút thuốc lá mà chế độ ăn hàng ngày không khoa học, hợp lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chức năng của gan.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Chức vụ: Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam
Gan thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như đào thải độc tố, lưu trữ và chuyển hóa các chất... Vì vậy, khi gan bị tổn thương hay gặp vấn đề thì sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Nói về những thói quen gây ảnh hưởng tới gan, nhiều người vẫn thường cảnh báo về tình trạng uống rượu bia và hút thuốc lá. Theo các chuyên gia, điều này là đúng nhưng chưa đủ, bởi nhiều người, kể cả phụ nữ, gan cũng gặp vấn đề khi không hề hút thuốc, uống rượu bia.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chính thói quen ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân khiến gan quá tải, từ đó dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ và ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa, loại bỏ độc tố…
Dưới đây là một số thói quen liên quan đến chế độ của người Việt khiến gan bị ảnh hưởng:
Thứ nhất, ăn quá nhiều chất béo, đạm
Theo PGS Lâm, việc ăn quá nhiều chất béo bão hòa như bơ, mỡ động vật hay chất béo chuyển hóa như dầu chiên lại nhiều lần... sẽ gây ảnh hưởng lớn đến gan.
Thực tế, hiện việc sử dụng trực tiếp mỡ động vật (mỡ lọ) trong chế biến món ăn không còn phổ biến như xưa, tuy nhiên việc ăn các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt bò (ba chỉ, phần thịt có cả mỡ và nạc), ăn bún phở nước béo... sẽ khiến lượng mỡ đưa vào cơ thể khá nhiều.
Việc dùng dầu mỡ chiên lại nhiều lần sẽ tạo chất béo chuyển hóa không tốt cho gan. Ảnh minh họa.
Còn liên quan tới chất béo chuyển hóa chính là việc dùng dầu chiên đi, chiên lại nhiều lần do thói quen tiết kiệm của nhiều gia đình Việt, hoặc các món ăn đường phố được chiên rán trong những chảo dầu, mỡ đã ngả màu cánh gián hoặc đen kịt.
“Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, dầu mỡ chiên đến lần thứ 2-3 đã hình thành các chất béo chuyển hóa, chất này gây ra tình trạng rối loạn lipid máu và gây gáng nặng cho gan”, PGS Lâm chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế (BV Nội tiết Trung ương) cũng cảnh báo, một chế độ ăn quá giàu đạm gây hại không chỉ cho gan, mà cả thận. Theo đó, việc ăn nhiều chất đạm sẽ khiến gan thận làm việc nhiều, không chuyển hóa được hết và tích tụ lại, lâu dần gây nguy hiểm.
“Để nhận biết một người có ăn nhiều chất đạm hay không, ngoài quan sát qua khẩu phần ăn hàng ngày (nên ăn 12-17% chất đạm/tổng nhu cầu năng lượng/ngày và không nên quá 20% nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ), mọi người còn có thể nhận biết qua việc xì hơi có mùi rất khó chịu, đó là khi hệ thống tiêu hóa, chuyển hóa đã quá tải. Do vậy, nên ăn cân đối các chất, không thể lấy chất đạm để bù cho cơm, rau”, bác sĩ Hưng cảnh báo.
Thứ hai, người Việt lười ăn rau
PGS Nguyễn Thị Lâm cho rằng trong thói quen ăn uống của nhiều người Việt đang tồn tại một nghịch lý, đó là ăn quá nhiều chất béo, chất đạm nhưng lại ăn rất ít rau không đủ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đặc biệt với lớp trẻ hiện nay, cuộc sống bận rộn, bữa trưa nhiều người thường sử dụng các thức ăn nhanh. Các khẩu phần ăn này thường đơn điệu, giàu đạm, chất béo, thiếu rau xanh và quả chín.
Trong khẩu phần ăn, rau xanh, quả chín là thực phẩm cung cấp vitamin, chất xơ rất quan trọng cho cơ thể. Chế độ ăn có chất xơ sẽ giúp “quét” bớt mỡ trong đường tiêu hóa ra ngoài cơ thể. Ngược lại, chế độ ăn thiếu chất xơ sẽ gây tái hấp thu cholesterol vào máu và kéo theo đó là tình trạng gan nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến chức năng gan. Theo khuyến nghị, một người trưởng thành cần ăn 400-500 gam rau xanh, quả chín mỗi ngày.
Thứ ba, ưa thích nội tạng động vật
PGS Lâm cho biết, nội tạng động vật chứa lượng cholesterol rất cao - đây là điều dường như ai cũng biết nhưng nhiều người vẫn thích ăn. Đây là điểm trái ngược hoàn toàn so với những quốc gia phát triển trên thế giới, khi họ loại bỏ mỡ thừa, nội tạng ngay từ khâu giết mổ, còn nước ta đây lại là món khoái khẩu trên bàn ăn.
Món có nguồn gốc từ nội tạng động vật nhiều người ưa thích lại gây hàng loạt hệ lụy cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia này cho biết, việc ăn nội tạng động vật thường xuyên, kèm với chế độ sinh hoạt không hợp lý sẽ khiến cho mỡ máu cao, từ đó gan không chuyển hóa kịp và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Đáng nói là, rất nhiều người bị mỡ máu cao nhưng không hề thừa cân, béo phì nên chủ quan ăn càng nhiều, đến khi phát hiện thì tình trạng đã quá nặng, phải dùng thuốc điều trị.
“Tôi đã trực tiếp thăm khám cho một trường hợp là cô gái còn rất trẻ, không rượu bia, hút thuốc, rất gầy và là dân văn phòng. Khi xét nghiệm mỡ máu cao gấp 9 lần bình thường, kèm tình trạng gan nhiễm mỡ. Sau khi hỏi chuyện mới biết, cô gái này “thần tượng” các món nội tạng, cháo lòng, thậm chí ngày nào cũng có thể ăn được và đây chính là nguyên nhân gây nên tình mỡ máu cao. May mắn, do tuổi còn trẻ nên sau khi được tư vấn chế độ ăn, tập luyện, kèm dùng thuốc, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện”, PGS Lâm chia sẻ.
Đồ ăn nhanh không tốt cho gan nhưng nhiều người ăn thường xuyên. (Ảnh minh họa)
Thứ tư, thường xuyên nạp “kẻ thù” của gan - đồ ngọt
Qua quan sát cho thấy, tại Việt Nam hầu như ở mọi lứa tuổi đều có nhiều người thích đồ ngọt, trẻ nhỏ ăn bánh kẹo nước ngọt không chán, thanh niên thì đồ ăn nhanh phải kèm theo nước ngọt, có thể uống trà sữa thay nước, người cao tuổi dùng trà cũng cho thêm đường...
Chính thói quen này gây nhiều hệ lụy với sức khỏe nói chung và gan là bộ phận phải chịu hậu quả đầu tiên. Khi lượng dự trữ đường quá nhiều, gan dễ bị quá tải và ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa.
PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết, những thói quen trên nếu duy trì thường xuyên sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, biểu hiện bằng các triệu chứng như bụng ấm ách, khó chịu, khiến gan to ra và khi lượng mỡ tích trong gan nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Khi đó, các triệu chứng chính sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.
Chuyên gia khuyến cáo, gan nhiễm mỡ thường gặp ở người hay uống bia rượu, hút thuốc lá, ăn uống không cân đối, lối sống ít vận động, người thừa cân béo phì, người rối loạn mỡ máu, bệnh nhân đái tháo đường.
Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ, cần có chế độ ăn lành mạnh ăn, hạn chế thịt mỡ, tăng cường thịt nạc, ăn nhiều rau xanh và quả chín, tăng cường đậu phụ (giúp giảm mỡ máu).
Tin liên quan
Việc ăn uống nhiều, không điều độ và khoa học trong dịp tết sẽ gây áp lực với nhiều cơ quan trong cơ thể, điển hình nhất là gan.
Trong mùa đông, việc chăm sóc và rèn luyện sức khỏe cần phải hết sức chú ý, nếu không sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí nguy hại...
Khi chồng đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, vợ đã chấp nhận hiến lá gan của mình, với hy vọng kéo dài sự sống cho chồng.
Sán có mặt ở rất nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại rau sống, thịt sống, gỏi cá… cảnh báo mọi người nên chú ý, tránh cơ thể bị mắc bệnh.
Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm
Có rất nhiều thực phẩm quen thuộc nên sử dụng khi thời tiết giao mùa, tuy nhiên trong thực tế mọi người thường không hoặc rất ít dùng khiến sức đề kháng phần nào bị giảm sút.