Nhiều bé gái mới bước vào tuổi dậy bị chậm kinh hoặc có chu kỳ kinh bất thường sẽ rất lo lắng, có em còn sợ mình mang thai dù chưa quan hệ tình dục bao giờ. Bác sĩ Nguyễn Đinh Hồng Phúc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ giải đáp thắc mắc này.
Chào bác sĩ!
Cháu năm nay 14 tuổi, vừa có kinh nguyệt lần đầu vào ngày 1/1. Lần này, “ngày đèn đỏ” của cháu kéo dài 5 ngày, kèm đau bụng, khó chịu phần bụng dưới. Do có một chút kinh nghiệm về “ngày đèn đỏ” đầu tiên khi đọc thông tin và cách xử lý, cháu vượt qua nhẹ nhàng.
Nếu tính đúng chu kỳ, kỳ kinh thứ 2 của cháu sẽ rơi vào ngày 1/2 hoặc nhiều hơn hay ít hơn vài ngày. Tuy nhiên, đến ngày nay cháu vẫn chưa thấy có các dấu hiệu của “ngày đèn đỏ”. Điều này làm cháu lo lắng, sợ mình mang thai hay đang mắc một căn bệnh nguy hiểm ở "vùng kín". Hiện cháu không dám nói với mẹ hoặc đi khám vì lo sợ.
Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu chưa quan hệ tình dục lần nào, nhưng hai bầu ngực có tiết ra chất nhầy, bụng dưới khó chịu kèm trễ kinh thì có phải là đã mang thai không. Đã quá ngày đáng lẽ có kinh gần một tháng rồi mà cháu chưa có "đèn đỏ, giờ cháu không biết phải làm sao ạ?
Chào cháu,
Hầu hết các bé gái sẽ có kinh lần đầu trong độ tuổi từ 10 đến 15. Một số trẻ có thể có kinh muộn hơn hoặc sớm hơn tùy thuộc vào chế độ ăn uống và sự phát triển của mỗi bé. Về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày sẽ được tính từ ngày bắt đầu có kinh của kỳ kinh này đến ngày có kinh lại của kỳ kinh ngay sau đó.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt trung bình sẽ là 28 ngày. Tuy nhiên, độ dài chu kỳ có thể thay đổi và khác nhau giữa mỗi bạn gái. Đối với trẻ mới dậy thì, hiện tượng kinh nguyệt không đều trong 3 năm đầu tiên là rất phổ biến.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do buồng trứng không phóng thích trứng, khiến kinh nguyệt của phái nữ đến muộn hơn hoặc sớm hơn và có thể ra nhiều máu hơn bình thường.
Đối với các bé gái mới bước vào tuổi dậy thì như cháu, sau lần hành kinh đầu tiên, buồng trứng vẫn chưa phát triển đầy đủ, cơ thể đang mất cân bằng hormone nên không giải phóng trứng đều đặn. Điều này khiến chu kỳ kinh nguyệt của bé bị rối loạn và lượng máu kinh không ổn định. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, không cần quá lo lắng. Khi trẻ lớn hơn và buồng trứng phát triển hoàn thiện thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ tự đi vào quỹ đạo và đều đặn hơn.
Tôi khẳng định rằng, việc mang thai sẽ xảy ra khi người nam trưởng thành và người nữ trưởng thành có quan hệ tình dục với nhau, hoặc bằng phương pháp nhân tạo nào đó giúp tinh trùng đến gặp và thụ tinh với trứng. Ở trường hợp của cháu, do chưa có quan hệ tình dục thì việc mang thai là không thể xảy ra.Việc các bé gái mới dậy thì có chu kỳ kinh nguyệt không đều là bình thường. Nhưng các bé có các dấu hiệu sau cần được đi khám ngay, để tránh các biến chứng khôn lường xảy ra:
- Trẻ đã có kinh lần đầu nhưng sau đó ngừng kinh trong thời gian dài.
- Trẻ hành kinh kéo dài hơn 7 ngày, kèm theo chảy máu nặng, thay băng vệ sinh liên tục.
- Trẻ có kinh thường xuyên, đồng nghĩa với việc chu kỳ của trẻ thường ngắn hơn 21 ngày.
- Chu kỳ kinh nguyệt của trẻ quá dài, thường hơn 45 ngày.
- Trẻ bị chuột rút, đau bụng dữ dội mỗi khi hành kinh.
- Trẻ bị chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh.
- Trẻ đã có kinh 3 năm trở lên nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn không đều.