Trong những kỳ nghỉ dài ngày, việc sử dụng thực phẩm, nhất là các đồ ăn ở vùng biển cần lưu ý vì nguy cơ dị ứng, phản vệ sau khi ăn rất có thể xảy ra.
Nơi công tác: Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Những dịp nghỉ lễ dài ngày, nhất là vào dịp mùa hè nắng nóng, nhiều gia đình, cơ quan sẽ chọn đến các vùng biển để du lịch. Khi đi biển, ngoài tắm biển, ngắm cảnh thì việc cùng nhau thưởng thức những món hải sản tươi ngon cũng vô cùng hấp dẫn và thú vị. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, việc ăn đồ biển cũng cần lưu ý vì dùng không đúng cách có thể gây hại tới sức khỏe.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, ăn uống gây dị ứng hay sốc phản vệ có thể gặp với bất kể loại thực phẩm nào chứ không chỉ riêng đồ biển, hải sản. Có rất nhiều người phải nhập viện do dị ứng sữa, trứng hay thậm chí là đậu phộng. Tuy nhiên, với các loài thủy hải sản, nhất là loại có vỏ thì nguy cơ xảy ra dị ứng nhiều hơn.
Các loại thủy hải sản nguy cơ dị ứng cao hơn các thực phẩm khác. (Ảnh minh họa)
“Tất cả các loại hải sản nói chung đều có thể gây dị ứng. Nhưng các loài như tôm, cua, ngao sò, mực dễ gây dị ứng hơn cả. Có hai loại dị ứng, một là dị ứng với các loài giáp xác như tôm, cua... hai là dị ứng với các loài nhuyễn thể như ngao, sò, hến... Những người bị dị ứng hải sản nên tránh xa khu vực chế biến hải sản vì nhiều người chỉ cần hít phải hơi thức ăn này cũng có thể bị dị ứng, thậm chí, dùng chung bát đĩa đựng hải sản của người khác cũng có thể gây dị ứng”, bác sĩ Sơn cho hay.
Bác sĩ Sơn chỉ dẫn, các biểu hiện của dị ứng thực phẩm thường xảy ra trong vòng vài phút cho đến vài giờ sau khi ăn phải loại thực phẩm gây dị ứng bao gồm: nổi mề đay ở da, hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng trở nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy, dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn.
Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở, nhiều khi rất dữ dội. Trong một số trường hợp phản ứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra nặng và nghiêm trọng hơn, gây nên tình trạng sốc phản vệ làm đe dọa đến tính mạng như: co thắt và thắt chặt đường hô hấp, họng bị sưng lên làm khó thở; bị sốc với sự sụt giảm nhanh của huyết áp, tim đập nhanh, mạch nhanh; bị chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức... nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Khi sốc phản vệ xảy ra, thuốc đầu tiên được sử dụng là adrenalin dạng khí dung, tiêm dưới da, truyền tĩnh mạch, tùy tình trạng. Hiện nay, có dạng epinephrine tiêm tự động một liều duy nhất, có thể cứu sống tính mạng người bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Do vậy, mọi người có thể mang theo bên người một liều epinephrine khi đi du lịch, phòng trường hợp cần sử dụng đến.
Dị ứng thực phẩm rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. (Ảnh minh họa)
Trường hợp không có thuốc hoặc chờ nhân viên y tế cấp cứu cần thực hiện các thao tác sau:
- Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu.
- Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh.
- Nếu người bệnh bị nôn hay chảy máu từ miệng, hãy lật người bệnh nằm nghiêng để phòng sặc.
- Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê.
- Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt.
- Kiểm tra xem nguyên nhân gây sốc phản vệ là do đâu.
Theo bác sĩ Sơn, khi đi du lịch xa, nhất là đến miền biển, việc ăn uống ở ngoài là khó tránh khỏi vì thế nguy cơ dị ứng thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra. Để phòng tránh, tốt nhất là tránh xa thực phẩm đã từng bị dị ứng. Trước khi ăn, gọi món, cần hỏi rõ về các thành phần có trong món ăn và nếu có loại thực phẩm gây dị ứng, nên yêu cầu suất ăn của bạn không chứa loại thực phẩm này. Nếu sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, cần đọc kỹ nhãn thực phẩm bởi nhà sản xuất thường sẽ thay đổi tên gọi hoặc thay đổi công thức.
Tin liên quan
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp liệu có nên hoãn du lịch hoặc cho trẻ mầm non nghỉ học? TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền...
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam là nữ, 35 tuổi, nhập cảnh về Việt Nam sau đó đi qua hai bệnh viện là Từ Dũ và Da liễu TP.HCM...
Rất nhiều trường hợp sau khi đi du lịch về đã có triệu chứng sốt cao, xét nghiệm phát hiện bị sốt xuất huyết. Đây là căn bệnh do muỗi...
Tin bài cùng chủ đề Dị ứng thức ăn
Sau khi dùng sữa công thức và thực phẩm ăn dặm, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng táo bón, nổi nhiều mẩn ngứa nhất là vùng mặt và miệng, khi đi khám mẹ vô cùng bất ngờ khi biết nguyên nhân.