Dị ứng thức ăn - Nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Tổng quát

Dị ứng thức ăn vô cùng phổ biến. Trên thực tế, chúng ảnh hưởng đến khoảng 5% người lớn và 8% trẻ em trên toàn thế giới - và tỷ lệ này vẫn đang tăng lên.

Dị ứng thực phẩm là tình trạng một số loại thực phẩm nhất định kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường trong cơ thể.

Đối với một số người bị dị ứng thức ăn nặng, thậm chí chỉ tiếp xúc với một lượng rất nhỏ thực phẩm có vấn đề cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Phân loại

Dị ứng thực phẩm có thể được chia thành hai loại chính dựa vào hai loại kháng thể. Kháng thể là một loại protein trong máu, được hệ thống miễn dịch sử dụng để nhận biết và chống lại nhiễm trùng:

- Dị ứng thực phẩm kháng thể IgE: Kháng thể IgE được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch.

- Dị ứng thực phẩm kháng thể không IgE: Kháng thể IgE không được giải phóng, các phần khác của hệ thống miễn dịch được sử dụng để chống lại mối đe dọa.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính là do hệ thống miễn dịch xác định nhầm rằng một số protein trong thực phẩm có hại. Cơ thể của bạn sau đó sẽ đưa ra một loạt các biện pháp bảo vệ, bao gồm giải phóng các hóa chất như histamine, gây viêm.

Dị ứng thức ăn gây ra bởi hệ miễn dịch hoạt động "quá đà".

Những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất

Trên thực tế, các ca dị ứng thức ăn đa phần được gây ra bởi các loại thực phẩm sau:

- Sữa bò 

- Các loại hạt (hạt hạch Brazil, hạt hạnh, hạt điều, hạt macadamia, hạt hồ trăn, hạt thông, hạt óc chó, ...)

- Trứng

- Bơ lạc 

- Động vật có vỏ (tôm, mực, sò, ...)

- Bột mì

- Đậu nành

- Cá

Ngoài ra, các loại thực phẩm sau cũng thuộc top những thức ăn dễ gây dị ứng:

- Hạt lanh

- Hạt mè

- Đào

- Chuối

- Trái bơ

- Trái kiwi

- Chanh dây

- Rau cần tây

- Tỏi

- Hạt mù tạt

- Hạt cây hồi hương

- Hoa cúc

Dấu hiệu

Các triệu chứng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, chỉ vài phút tới vài giờ sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng. Một số triệu chứng thường gặp nhất khi dị ứng với thức ăn là:

- Sưng lưỡi, miệng hoặc mặt

- Khó thở

- Huyết áp thấp

- Nôn

- Tiêu chảy

- Phát ban ngứa

- Sốc phản vệ: Ở một số người, dị ứng thức ăn có thể kích hoạt phản ứng dị ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ. Điều này có thể gây ra các tình trạng đe dọa tính mạng, bao gồm:

+ Hạn chế và thắt chặt đường thở

+ Cổ họng bị sưng hoặc cảm giác nghẹn ở cổ họng khiến bệnh nhân khó thở

+ Sốc và huyết áp giảm nghiêm trọng

+ Mạch đập nhanh

+ Chóng mặt, hoặc mất ý thức

Khi bị sốc phản vệ, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu, nếu không bệnh nhân rất dễ bị hôn mê sâu hoặc thậm chí là tử vong. 

Khi nào đi khám bác sĩ?

Gặp bác sĩ ngay nếu bạn có triệu chứng dị ứng thực phẩm ngay sau khi ăn. 

Gọi cấp cứu gấp nếu bạn phát triển bất kỳ dấu hiệu nào của sốc phản vệ, chẳng hạn như:

- Hạn chế đường thở, gây khó thở

- Sốc và huyết áp giảm nghiêm trọng

- Mạch đập nhanh

- Chóng mặt 

Điều trị

Kiểm tra khả năng mắc dị ứng thức ăn

Đôi khi khó có thể phân biệt dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm. Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng thực phẩm, hãy tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa.

Dị ứng thức ăn có thể gây hôn mê, thậm chí là tử vong.

Một số phương pháp sau đây sẽ được thực hiện để đánh giá tình trạng sức khoẻ của bạn: 

- Đánh giá chế độ ăn uống: Đánh giá chi tiết về thực phẩm bạn đã ăn, bao gồm cả thời gian và triệu chứng.

- Thử nghiệm chích da: Một lượng nhỏ thức ăn được "chích" vào da bằng kim nhỏ. Da sau đó được theo dõi nếu gây ra các phản ứng.

- Thử nghiệm ăn trực tiếp: Thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng sẽ được bạn ăn khi có người giám sát y tế, lượng ăn tăng dần. 

- Xét nghiệm máu: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy máu và đo mức độ kháng thể IgE.

Điều trị dị ứng thức ăn

Theo Đông y

- Gừng có tác dụng làm dịu hệ tiêu hoá, đồng thời giảm tình trạng nổi mề đay ngứa trên da do dị ứng thức ăn. Chỉ cần thái lát 1 củ gừng, đun sôi với 250ml nước lọc, đợi nước gừng giảm nhiệt độ thì khuấy đều mật ong và uống trực tiếp.

- Lô hội chứa các chất lignin, anthraquinon, glycosid, ... có tác dụng giảm mẩn ngứa khi dị ứng. Lấy phần gel của lá lô hội, thấm vào bông y tế và thoa lên vùng da kích ứng. Để gel khô tự nhiên trong vòng 10-15 phút, rửa lại bằng nước ấm.

Theo Tây y

Thuốc kháng Histamine: Loại thuốc này kiểm soát mức độ histamine trong cơ thể. Chúng có tác dụng ức chế các tình trạng dị ứng ngoài da do thức ăn. Một số loại thuốc histamine thông dụng là:

-  Promethazin

- Siro Phenergan

- Fexofenadin

- Loratadin

- Acrivastin

- Chlopheniramin

- Clarytine

Thuốc epinephrine: Đây là một dạng thuốc tiêm, có khả năng giảm sưng, dịu đường thở, cải thiện tình trạng lưu thông máu.

Phòng ngừa

Phòng dị ứng thức ăn cho trẻ khi sơ sinh

Phòng tránh dị ứng thức ăn khi trẻ đang ở trong giai đoạn sơ sinh rất quan trọng. Bởi vì theo tiến trình dị ứng, nếu trẻ dị ứng thức ăn ngay từ khi còn nhỏ sẽ có khả năng cao mắc các bệnh dị ứng khác trongt tương lai như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, chàm. Do đó cần phòng ngừa dị ứng thức ăn cho trẻ từ lúc nhỏ bằng những cách sau:

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Đồ ăn của bà mẹ đang cho con bú nên loại bỏ những tác nhân gây dị ứng thức ăn.

- Không nên cho bé ăn dặm trước 6 tháng tuổi mà chỉ nên cho ăn dặm từ từ mỗi tuần một loại thức ăn mới. Tránh những thực phẩm gây dị ứng như lòng trắng trứng, hải sản, lạc cho đến khi trẻ sau 12 tháng tuổi.

- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm ít gây dị ứng như gạo và các loại củ, đồng thời hạn chế những thức ăn chế biến công nghiệp như thịt lợn xông khói, thịt muối, thực phẩm có chứa chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo.

- Khi có triệu chứng bất thường liên quan tới dị ứng thức ăn, cần cho trẻ ngừng ăn ngay thực phẩm đó và theo dõi tình trạng bệnh để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.

- Việc loại trừ một số thực phẩm ra khỏi khẩu phần ăn nên việc bổ sung vitamin và muối khoáng theo chỉ định của bác sĩ cũng cực kỳ quan trọng trong việc chữa trị bệnh.

Phòng dị ứng thức ăn với người đã bị dị ứng

Để phòng ngừa tình trạng dị ứng với thức ăn, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau đây:

- Tránh các thực phẩm gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.

- Xem kỹ thành phần trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Tránh mua những thực phẩm không nhãn mác.

- Khi đi ăn bên ngoài nên nói với phục vụ hay đầu bếp về những thực phẩm mà bạn dị ứng.

- Không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu, ẩm mốc,…

- Nên ăn uống tại nhà, hạn chế ăn uống bên ngoài. Nếu trong trường hợp đi xa, có thể mang theo thức ăn đã chế biến, cẩn trọng với những thức ăn không rõ nguồn gốc.

- Với trẻ nhỏ bị dị ứng thực phẩm, cha mẹ nên báo cho giáo viên, bảo mẫu, người chăm sóc trẻ nếu con bạn có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn nào đó.

- Tìm hiểu thông tin, kiến thức về dị ứng thực phẩm để có thể xử lý trong tình huống khẩn cấp.

Những thắc mắc

Phân biệt dị ứng thức ăn với không dung nạp thực phẩm

Nhiều người không thể dung nạp thực phẩm và thường nhầm lẫn tình trạng đó với dị ứng thực phẩm.

Tuy nhiên, không dung nạp thực phẩm không hề liên quan đến hệ thống miễn dịch. Điều này có nghĩa là mặc dù nó có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, nhưng không dung nạp thực phẩm sẽ không đe doạ đến tính mạng. 

Dị ứng thức ăn bao lâu thì hết?

Theo các nhà khoa học, trung bình bệnh nhân bị dị ứng thức ăn sẽ kéo dài trong khoảng 2-24 tiếng nếu nhẹ. Còn khi dị ứng nặng, các triệu chứng sẽ xuất hiện trong khoảng 2-3 ngày.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh dị ứng khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY