Một bước sai này dễ hại sức khỏe, thậm chí gây đột quỵ khi tắm tối

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 23/08/2022 19:00 PM (GMT+7)

Nhiều người có thói quen tắm trước khi đi ngủ và nghĩ việc này giúp cơ thể sạch sẽ, giấc ngủ được sâu và tốt hơn. Tuy nhiên, không ít người lại sợ tắm tối dễ hại sức khỏe. Liệu tắm vào lúc nào và thực hiện ra sao mới đúng?

Biết cách tắm mới có giấc ngủ ngon

Tắm là hoạt động thường xuyên của con người. Ngoài vấn đề về vệ sinh, tắm còn giúp tinh thần sảng khoái và cũng có ý kiến cho rằng, việc tắm trước khi đi ngủ giúp giấc ngủ được sâu hơn.

BSCK II Nguyễn Đình Tuấn - Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Medlatec) cho rằng, tắm trước khi đi ngủ cần thực hiện đúng mới giúp cải thiện giấc ngủ, nếu không có thể để lại hệ lụy cho sức khỏe. 

BS Tuấn cho biết, rất nhiều người trẻ chủ quan, sau đó bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì tắm muộn.

BS Tuấn cho biết, rất nhiều người trẻ chủ quan, sau đó bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì tắm muộn. 

Theo hướng dẫn của bác sĩ Tuấn, tắm trước khi đi ngủ được coi là một cách hiệu quả để dễ ngủ và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Khi thực hiện cần chú ý một số điều sau:

- Nên tắm bằng nước ấm, kể cả vào mùa hè.

- Cần tắm trước khi đi ngủ ít nhất 1,5 tiếng. Không tắm xong đi ngủ ngay.

- Không tắm quá lâu vào buổi tối.

- Tắm xong cần lau khô người, sấy khô tóc ngay.

“Nếu thực hiện được những điều trên, tắm buổi tối trước khi đi ngủ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung và giấc ngủ nói riêng”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Tắm trước khi đi ngủ rất tốt nhưng phải tắm nước ấm và không tắm quá muộn. Ảnh minh họa.

Tắm trước khi đi ngủ rất tốt nhưng phải tắm nước ấm và không tắm quá muộn. Ảnh minh họa. 

Tắm sai cách trước khi đi ngủ rất nguy hiểm

Dù giới khoa học khuyến cáo là vậy nhưng trong thực tế, rất nhiều người đang làm ngược lại, gây nên những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe sau khi tắm, nhất là trong mùa hè. Cụ thể, một số sai lầm khi tắm vào buổi tối ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe như sau:

- Tắm nước lạnh:

Đây là thói quen rất thường gặp, nhất là trong mùa hè sau khi đi thể dục hoặc vận động mạnh người ra mồ hôi. Việc tắm nước lạnh khi thân nhiệt đang cao dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây co mạch, nhất là ở vùng đầu. Đây có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng nhức đầu, choáng, ngoài ra còn tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp vì nhiễm lạnh.

- Tắm quá lâu và sát giờ đi ngủ:

Dù là tắm nước ấm cũng không nên tắm quá lâu và ngay sát giờ đi ngủ. Bác sĩ Tuấn cho rằng, tắm buổi tối chỉ nên kéo dài khoảng 5-7 phút và tắm trước giờ đi ngủ khoảng 1,5 giờ. Nếu tắm quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trên da, đặc biệt là tắm nước ấm lâu sẽ loại bỏ dầu tự nhiên vốn giúp giữ ẩm cho da, dẫn đến khô da.

Ngoài ra, tắm quá sát giờ đi ngủ có thể khiến tinh thần bạn sảng khoái, tỉnh táo sẽ khó vào giấc ngủ. Việc tắm trước 1,5 giờ trước khi đi ngủ là nhằm giúp thân nhiệt hạ xuống đến mức độ nhất định, khi đó cơ thể sẽ chuyển "thông điệp" buồn ngủ lên não và thúc giục cơ thể hãy ngủ nhanh.

- Không lau khô người, sấy khô tóc trước khi đi ngủ:

Sấy tóc, lau khô người ngay sau khi tắm buổi tối là việc bắt buộc để tránh bị nhiễm lạnh vào đầu hoặc cảm lạnh.  Nên lau khô người bằng khăn mềm, sạch, sấy khô tóc bằng máy sấy. Đặc biệt, tuyệt đối không ngồi trước quạt cho gió thốc thẳng vào đầu để làm khô tóc sau khi tắm. Bởi khi mới tắm xong, các lỗ chân lông đang nở ra hết cỡ, việc dùng hơi gió phả vào đầu có thể dẫn tới nguy cơ co mạch đột ngột hoặc gây nhiễm lạnh, không tốt cho cơ thể.

Tắm nước lạnh, để tóc ướt hoặc phả thẳng quạt vào đầu sau khi tắm là một sai lầm. (Ảnh minh họa)

Tắm nước lạnh, để tóc ướt hoặc phả thẳng quạt vào đầu sau khi tắm là một sai lầm. (Ảnh minh họa)

- Vào phòng điều hòa lạnh ngay sau khi tắm:

Bác sĩ Tuấn cảnh báo, đây là thói quen thường gặp ở mùa hè, bởi nhiều người không thích bị đổ mồ hôi sau khi tắm hay sợ thời tiết nóng nên lập tức vào phòng máy lạnh. Tuy nhiên, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột (ở phòng tắm kín hơi, nhiệt độ cao - vào phòng lạnh) có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp dễ xảy ra tình trạng đột quỵ.

Ngoài tắm có thể dùng nhiều phương pháp khác để có giấc ngủ ngon

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm - Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, nếu muốn tắm trước khi ngủ thì cần phải tắm nước ấm, tuyệt đối không tắm nước lạnh.

“Việc tắm này chỉ nên thực hiện ở những người có vận động, thể dục vào buổi tối, cơ thể ra nhiều mồ hôi. Bởi mồ hôi cơ thể ra nếu không vệ sinh sẽ rất khó chịu, dấp dính và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nên tắm nước ấm, trước 21h. Lưu ý, khi tắm nên làm ướt và tắm cơ thể trước, gội đầu sau (nếu cần thiết), tốt nhất không nên gội đầu vào tối muộn. Việc tắm muộn, gội đầu kể cả bằng nước ấm sẽ khiến cho thần kinh tỉnh táo, khi đó sẽ phản tác dụng, việc đi vào giấc ngủ sẽ lâu và khó hơn”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

BS Tâm cho biết, ngâm chân bằng nước muối ấm cũng là giúp ngủ ngon hơn. (Ảnh minh họa)

BS Tâm cho biết, ngâm chân bằng nước muối ấm cũng là giúp ngủ ngon hơn. (Ảnh minh họa)

Để có giấc ngủ ngon và sâu, theo bác sĩ Tâm, trước khi đi ngủ có thể dùng nước muối ngâm chân - đây là phương pháp dưỡng sinh rất tốt. Ngoài ra, có thể xoa bóp, làm ấm những vùng dễ bị cảm tà, hàn tà, phong tà như lòng bàn tay chân.

Tự mát xa cơ thể nhẹ nhàng trước khi đi ngủ, nhất là vùng chân và vùng mặt cổ cũng rất tốt cho sức khỏe và giấc ngủ. Thậm chí, vợ chồng có thể tự mát xa cho nhau vừa giúp gắn kết tình cảm, khiến tinh thần, tư tưởng sảng khoái, thoải mái và dễ ngủ hơn.

Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh 
Không chỉ tắm đêm, việc ra lạnh đột ngột, không quản lý huyết áp là yếu tố tác động dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở cả người cao tuổi và người trẻ.

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe