TS.BS Trương Hữu Khanh cho biết, hơn mấy chục năm làm công tác khám chữa bệnh cho trẻ ông chưa gặp bệnh nhi nào bị ho, sốt, sổ mũi… do uống sữa công thức.
Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Đừng đổ thừa cho sữa công thức
Con gái chị Nguyễn Thị Kim Loan (ở Bình Dương) hiện hơn 2 tuổi, đã đi học mầm non. Trước đây, con gái chị Loan ít bị bệnh vặt. Từ khi đi học, bé liên tục bị bệnh, vừa hết bệnh này bé lại bị bệnh khác. Điển hình là tháng 11, bé vừa khỏi ho, sổ mũi được vài ngày, đi học lại liền bị bệnh tay chân miệng.
“Con phải uống thuốc hơn 10 ngày mới khỏi. Vừa đi học được mấy ngày, mắt con lại có nhiều ghèn, đau miệng mỗi khi ăn thức ăn có nêm gia vị hơi cay hoặc mặn” chị Loan rầu rĩ chia sẻ.
Người mẹ trẻ cho biết, khi đi học, con chị ăn bữa sáng, bữa trưa và bữa xế ở trường. Ngoài ra, bé còn uống thêm 2 hộp sữa công thức loại pha sẵn (mỗi hộp 180ml), 1 cữ sữa tươi và 1 cữ sữa hạt do nhà trường tự làm, nấu cho học sinh uống. “Con ăn bữa chiều ở nhà và uống thêm 2-3 hộp sữa công thức pha sẵn nữa, mỗi hộp 180ml. Có phải con hay bị bệnh là do uống sữa công thức nhiều bị nóng hay không”, chị Loan nghi vấn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, sữa tốt cho sự phát triển chiều cao, thông minh và tăng cường sức để kháng cho trẻ. Ảnh minh họa.
Theo chị Loan, khi chưa đi học, con gái chị chỉ uống ngày 3-4 hộp sữa công thức pha sẵn. Từ khi đi học, do vận động nhiều, bé uống thêm cữ sữa đêm nữa. Hiện chị muốn giảm lượng sữa cho con nhưng không thể vì đó là nhu cầu của bé.
Chị đinh ninh con gái mình thường xuyên bị bệnh là do uống sữa công thức bị nóng nên mua thêm trái cây, nước ép từ trái cây cho con uống cho mát, tuy nhiên do bé đã uống nhiều sữa và ăn no nên không hợp tác. “Tôi có hỏi cô giáo của con ở lớp có bé nào thường xuyên bị bệnh như con không, cô báo lại chỉ có mình con tôi là hay bị bệnh. Tôi đang băn khoăn không biết có nên đổi sữa cho con hay không, vì thấy con thích uống loại sữa hiện tại, tăng cân đều”, chị Loan chia sẻ.
TS.BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng, việc chị Loan “đổ thừa” cho uống sữa công thức khiến cơ thể con bị nóng dẫn đến hay bị bệnh là hoàn toàn sai lầm. Vị chuyên gia cho biết, trong mấy chục năm làm công tác khám chữa bệnh cho các bệnh nhi ông chưa từng gặp ca nào uống sữa công thức bị nóng, hay dễ bị bệnh vặt. Có chăng, khi uống loại sữa này trẻ bị táo bón hay các bệnh về đường tiêu hóa do cha mẹ chọn sữa cho con không đúng với lứa tuổi, sữa bị quá hạn, pha sữa không đúng và vệ sinh bình sữa không đảm bảo
Theo bác sĩ Khanh, sữa đối với trẻ em rất quan trọng trong quá trình trưởng thành và phát triển chiều cao. Với trẻ dưới 2 tuổi, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ. Trường hợp mẹ không có sữa, không đủ sữa hoặc trẻ bị dị ứng với chất đạm trong sữa mẹ thì mới chọn đến sữa công thức.
Khi trẻ trên 2 tuổi, ngoài được cung cấp các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, đa dạng về chủng loại cũng nên uống 500ml sữa/ngày để trẻ phát triển chiều cao, trí thông minh. “Cha mẹ nên chọn loại sữa phù hợp với lứa tuổi, cân nặng, chiều cao của con mình. Cha mẹ cũng nên chọn những nơi bán sữa uy tín để đảm bảo an toàn cho con”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
TS.BS Trương Hữu Khanh.
Trẻ mẫu giáo đi học dễ thường xuyên bị bệnh
Về việc chị Loan cho rằng con bị nóng từ bên trong nên mới thường xuyên bị bệnh, theo bác sĩ Khanh có thể do bé uống nhiều kháng sinh. Bác sĩ Khanh khuyên, chị cần đưa con đi khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân, giúp cho sức khỏe trẻ được tốt hơn.
Bác sĩ Khanh cho rằng, phần lớn lý do con chị Loan thường xuyên bị bệnh là do đi học. Bởi hiện nay, chúng ta đang sống trong tình trạng dịch chồng dịch. Nhà trẻ, mẫu giáo là một môi trường lý tưởng để virus lây lan. Bởi, những nơi này thường có không gian nhỏ, kín, trẻ dùng chung đồ chơi, cùng ăn, cùng ngủ nên virus dễ lây lan từ trẻ này qua trẻ khác.
Những bệnh trẻ thường mắc khi đi học là sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, các bệnh về da, nôn trớ, sốt do viêm họng, sốt siêu vi… Nhiều trẻ bị nhiễm virus lặp lại nhiều lần, có trẻ vừa mới khỏi bệnh, đi học lại lại tiếp tục bị bệnh như con gái chị Loan.
Nhà trẻ là môi trường lý tưởng để virus lây lan, làm trẻ dễ bị bệnh và lây bệnh từ bạn. Ảnh minh họa.
Để giúp trẻ đỡ bị bệnh khi đi học, theo bác sĩ Khanh, cha mẹ cần làm tốt các việc sau:
+Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
+ Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, da dạng các loại thực phẩm cho trẻ, nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa để con có chất đề kháng tốt. Cho trẻ uống nhiều nước.
+ Vệ sinh thông mũi và vệ sinh miệng cho trẻ sạch sẽ. Thường xuyên tắm rửa, thay quần áo cho con. Dạy cho trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi trẻ đi học về cần rửa tay, thay quần áo ngay, đồng thời cắt móng tay cho con thường xuyên nhằm tránh virus tích tụ, dễ lây bệnh cho con.
+ Dạy cho trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi, chảy nước mũi và không khạc nhổ bừa bãi.
+ Tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh.
+ Khi con có dấu hiệu bị bệnh, nên cho trẻ nghỉ học, đưa đi khám chuyên khoa và theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng.
* Tên người mẹ đã thay đổi.
Tin liên quan
Một nữ y tá người Đài Loan có con trai học cấp 2 nhưng đã cao 1m80 chia sẻ bí quyết để giúp trẻ cao lớn, không chỉ nhờ uống sữa.
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Theo các bác sĩ, trẻ dậy thì là do hormone sinh dục chứ không phải do hormone tăng trưởng được người nuôi sử dụng cho vật nuôi.
Khi trẻ không may bị bỏng, thay vì đưa đến viện điều trị, nhiều gia đình lại chữa theo lời mách bảo khiến tình trạng nặng thêm, thậm chí dẫn...
Tin bài cùng chủ đề Sự phát triển thai nhi
Ở trong bụng mẹ, em bé của bạn sẽ lớn dần lên. Thật tuyệt vời, từ lúc nhỏ xíu như hạt bí ngô, rồi cuối cùng em bé lớn như một quả bí đỏ nhỏ trước khi cất tiếng khóc chào đời.