Một số loại cây không chỉ giúp không gian gia đình bạn thêm rực rỡ, tươi sáng, sẵn sàng nghênh xuân đón Tết mà còn có thể dùng làm bài thuốc hữu ích.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM - cơ sở 3 về những cây cảnh vừa mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho dịp đầu xuân năm mới, vừa có tác dụng tốt với sức khỏe.
Ngày xuân đến ai cũng muốn trang hoàng nhà cửa với cây cảnh, hoa tươi, để cho căn nhà thêm tươi mới, rạng rỡ, tràn đầy sức sống, mong đón năm mới với nhiều khí thế, vui tươi, hút tài lộc. Cây hoa cây cảnh có nhiều loại, bài viết dưới đây xin giới thiệu những loại hoa cảnh tốt cho sức khỏe. Bản thân sức khỏe chính là một loại tài lộc vô giá, có sức khoẻ rồi chúng ta sẽ dễ dàng có được thành công về sự nghiệp, tài chính, tình cảm...
Cây sung
Cây sung với quả chùm chùm để làm cảnh được nhiều người ưa thích. Cây sung được hiểu theo nghĩa là “sung túc”, do đó được cho là hợp phong thuỷ mùa Tết, trái thì được chưng trên mâm ngũ quả.
Tượng trưng cho sự sung túc, cây sung được nhiều người ưa trưng tại nhà dịp Tết. (Ảnh minh họa)
Cây sung có tên khoa học là Ficus glomerata Roxb, họ Moraccae (dâu tằm). Hầu như tất cả các bộ phận của cây sung đều được sử dụng, như lá, quả, nhựa và vỏ sung. Trong nhựa sung chứa các thành phần như bergenin, lupeol acetat và β-sitosterol.
Cây sung còn là một vị thuốc dùng trong dân gian. Lá sung non dùng để ăn, thường để gói nem. Quả sung cũng dùng để ăn. Nhựa sung được nhân dân coi là một vị thuốc rất quý để chữa bệnh nhức đầu và một số bệnh ngoài da (chốc, nhọt, sưng đau, tụ máu).
Một số bài thuốc hay từ cây sung:
Trị mụn nhọt, sưng đau: Lấy nhựa sung tươi, bôi trực tiếp vào mụn nhọt mới lên hoặc nơi chốc lở, sưng đau, ngày bôi 2 - 3 lần; hoặc dùng lá sung non, giã nát với nhựa sung rồi đắp vào mụn nhọt sưng, đỏ, nóng, đau, ngày vài lần.
Lá sung chữa mất sữa: Lá sung bánh tẻ, lá mít bánh tẻ, lá mơ tam thể, mỗi thứ 30g, sắc uống, ngày một thang, chia hai lần uống, trước bữa ăn.
Trị chốc lở đầu ở trẻ em: Quả sung chín, giã nát, đắp vào nơi bị bệnh, để khoảng 1,5 - 2 giờ bỏ ra. Dùng nước sắc bạc hà rửa sạch mụn lở. Tiếp theo dùng hạt nhãn đốt cháy, tán bột mịn, rắc đều vào nơi lở loét. Ngày làm một lần. Hoặc dùng vỏ tươi cây sung, sài đất tươi mỗi thứ 50 gam, lá trầu không 30 gam, bồ kết 20 gam sắc nước gội, ngày một lần.
Hoa dừa cạn
Dừa cạn có hoa nhiều màu sắc rực rỡ, lại rất dễ trồng. (Ảnh minh họa)
Hoa dừa cạn có tên khoa học là Cartharanthus roseus, còn được gọi với tên khác là hoa hải đằng, trường xuân. Đây là loài hoa rất được yêu thích bởi có nhiều màu sắc rực rỡ và phù hợp với nhiều kiểu trang trí khác nhau.
Hiện trên thị trường có 2 loại chính là hoa dừa cạn đứng và hoa dừa cạn rủ. Tùy vào mục đích trang trí mà lựa chọn loại nào. Hoa dừa cạn hiện nay chủ yếu là giống nhập có màu sắc đa dạng. Đây là loại hoa có sức sống bền bỉ, rất dễ trồng.
Dừa cạn cũng là một vị thuốc trong Y học cổ truyền. Bộ phận dùng để làm thuốc chủ yếu là lá và phần ngọn cây được phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở nhiệt độ 30-50ºC cho đến khô. Sau đó, người ta đem sắc nước uống, chế biến thành dạng trà hoặc dùng giã, đắp. Đôi khi, toàn cây hoặc rễ cũng được sử dụng để làm thuốc sắc hay cao lỏng.
Đây là dược liệu có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, hạ huyết áp và giải độc. Dược liệu này được dùng để thông tiểu tiện, chữa bệnh tiểu ít, kinh bế, huyết áp cao, có nơi dùng làm thuốc ra mồ hôi, chữa tiêu hoá kém và lỵ (cấp và mạn).
Hoa dành dành
Có màu trắng tinh khôi, hoa dành dành được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)
Hoa dành dành cũng là loại hoa được nhiều người ưa chuộng vì được cả hương lẫn sắc. Nó có tên khoa học là Gardenia angustifolia Merr thuộc họ Rubiaceae, còn được biết đến với cái tên mỹ miều là bạch thiên hương.
Hoa dành dành là loại hoa truyền thống có hình dáng duyên dáng như bông hoa hồng, màu trắng tinh khôi, hương thơm nồng nàn nên có tên là thiên hương. Hoa nở vào giữa mùa xuân đến mùa hè, cực kỳ sai hoa, có lá xanh tốt quanh năm, ít rụng lá.
Cây dành dành không chỉ có hoa đẹp trồng trang trí cho các cảnh quan mà còn có tác dụng trong Đông y. Tất cả các bộ phận của cây dành dành đều dùng làm thuốc, đặc biệt là sơn chi tử (quả dành dành). Quả được lấy làm màu vàng nhuộm trong thực phẩm. Khi quả chín, người ta ngắt bỏ cuống, ngâm quả trong nước sôi hoặc đồ qua, bóc bỏ vỏ lấy nhân, dùng làm thuốc thanh nhiệt lương huyết. Nếu sao qua tả hỏa mạnh, sao đen lại cầm máu. Lá dành dành vị đắng chát, tính hàn; có tác dụng tiêu thũng, tán ác sang, chữa nhọt độc, đầu đinh và vết thương.
Hoa dành dành vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh phế lương huyết, chữa phế nhiệt, ho có đờm đặc (mỗi lần dùng 3 hoa, thêm mật ong, hấp chín); chữa chảy máu cam.
Rễ dành dành vị đắng tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải độc. Chữa sốt cảm mạo, viêm gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, viêm thận phù thũng.
Trái dành dành (sơn chi tử) có vị đắng, tính hàn; vào các kinh tâm, phế, can và vị, có tác dụng tả hỏa trừ phiền, thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết, giải độc. Hoa dành dành giúp chữa chứng nhiệt, tâm phiền, sốt cao bứt rứt, thấp nhiệt vàng da, tiểu tiện ít đỏ, nhiệt lâm, huyết nhiệt, xuất huyết, ung thũng sang độc.
Hoa hồng bạch
Hoa hồng bạch không chỉ đẹp mà có thể làm vị thuốc chữa ho tốt.
Thú chơi hoa hồng gần đây rất rầm rộ. Một trong nhiều loại hoa hồng được yêu thích là hồng bạch bởi vẻ đẹp tinh khôi của nó. Hoa vừa đẹp vừa thơm, lại là vị thuốc trị ho rất hay trong Đông y.
Hoa hồng bạch có tên khoa học là Rosa sp, thuộc họ Hồng (Rosaceae). Cây này còn có nhiều tên gọi khác như: Hồng bạch cũ, Hồng bạch ta, Hồng bạch cổ, Hồng cổ, Hồng trắng, hay Hồng trắng cổ…
Có nhiều loại hoa hồng bạch, trong đó, có hai loại dễ bị nhầm lẫn và thường được nhắc đến là hồng bạch xếp (màu lá đậm, nhiều cánh hơn, cánh dày, mép cánh nhọn) và hồng bạch ho (màu lá nhạt, cánh mỏng hơn,mép cánh cụp cong tròn). Khi làm thuốc, người ta thường dùng hồng bạch ho và điều này có thể thấy từ tên gọi của nó.
Hoa hồng bạch (dân gian gọi là hồng bạch ho) là vị thuốc chuyên dùng cho trẻ em bởi tính dịu và vị ngọt nhẹ của nó. Sau khi thu hái các cánh hoa hồng bạch, người ta phơi trong chỗ râm mát, có gió lùa cho các cánh hoa khô tự nhiên. Theo y học cổ truyền, hoa hồng bạch có tính bình và có các tác dụng làm se niêm mạc, sát khuẩn, giảm ho, long đờm, nhuận tràng, giúp an thần dễ ngủ.
Cách dùng: Để trị ho và viêm họng, ho có đờm, lấy 5 đến 10 gam cánh hoa hồng bạch hãm lấy nước uống (nếu dùng tươi thì khoảng 20 gam), có thể hấp với đường phèn. Khi bị mụn nhọt sưng tấy, nóng đỏ gây khó chịu, hái một ít cánh hoa hồng bạch rồi rửa nhẹ, giã nát và đắp lên da). Nếu miệng và lưỡi bị lở loét, hái vài cánh hoa hồng bạch giã nhuyễn rồi trộn với một ít mật ong và thoa lên.
Xạ can
Xạ can không chỉ có hoa đẹp mà có thể dùng làm thuốc. (Ảnh minh họa)
Xạ can (hay còn gọi là dẻ quạt) là loại cây thân thảo, sống dai, cho hoa đẹp, màu vàng cam. Tên khoa học là Belamcanda chinensis Lem, thuộc họ Lay Ơn (Iridaceae).
Người ta dùng thân rễ (thường gọi là củ) của cây để làm thuốc. Rễ cong queo, có đốt ngắn màu vàng nhạt hoặc vàng nâu, ruột màu trắng, có mùi thơm, cứng. Xạ can vị đắng, tính lạnh, có công dụng chính là thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, tiêu đàm. Xạ can thường được dùng để điều trị viêm họng, hầu họng sưng đau, ho có đờm, hen, khó thở, viêm amidan. Ngoài ra, còn được dùng để chữa sốt, đại tiểu tiện không thông lợi, viêm tuyến vú tắc tia sữa; đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, đau dạ dày; điều trị các vết loét ngoài da...
Các cây cảnh ngày Tết trên không chỉ mang lại vẻ đẹp, mang lại nhiều niềm vui và may mắn, mà còn là những dược thảo tốt.