Sau những biến cố trong kinh doanh, nếu không cân đối được công việc và sức khỏe, không có sự động viên kịp thời, ngay cả những doanh nhân từng "thét ra lửa" cũng rất dễ rối loạn tâm thần.
BSCK II Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo thống kê sơ bộ, kể từ sau dịch COVID-19, số người đến khám và điều trị vì các rối loạn trầm cảm và hành vi tự sát có xu hướng gia tăng. Đáng nói, xu hướng này thường xảy ra ở những người gặp biến cố, thất bại trong cuộc sống như bị phá sản do kinh doanh thua lỗ, nợ nần khi chứng khoán lao dốc, thua cá độ bóng đá…
Theo bác sĩ Dũng, tình trạng có vấn đề tâm thần, có ý định tự sát trong giới doanh nhân, đầu tư không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có từ lâu, tuy nhiên mọi người không quan tâm và chú ý đến nhiều như hiện nay. Thực tế, bác sĩ Dũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp vào viện điều trị vì bị thua lỗ, phá sản ở trong tình trạng tâm thần khá nặng.
Ví dụ như trường hợp gần đây của một nữ bệnh nhân tên Phượng, 43 tuổi, trước khi nhập viện tâm thần từng là một doanh nhân có tiếng trong giới kinh doanh thương mai, dịch vụ đa ngành ở Hà Nội. Muốn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, người phụ nữ này dồn toàn bộ vốn liếng, vay ngân hàng, tín dụng đen để mua đất ở Sóc Sơn, Ba Vì và một số căn hộ cao cấp đang xây dựng.
Bác sĩ Dung cho biết, tình trạng doanh nhân nhập viện tâm thần do phá sản, thua lỗ không hiếm gặp hiện nay. Ảnh: Lê Phương.
Thế nhưng, sau đó thị trường bất động sản đảo chiều, số tiền đầu tư không thu hồi được, cộng với số lãi tăng từng ngày khiến chị Phượng xuất hiện những bất thường về mặt tâm lý, cuộc sống đảo lộn. Con gái bệnh nhân cho biết, mẹ mình thường xuyên bị hoảng loạn, mất ngủ, hỏi không trả lời, chống đối khi người khác khuyên. Trước những biểu hiện như vậy, người nhà đã đưa chị Phượng vào viện thăm khám.
Bác sĩ Dũng cho biết, nữ bệnh nhân này sau đó được chẩn đoán rối loạn tâm thần thể cấp, được điều trị bằng thuốc an thần đặc biệt và bắt đầu ngủ được giấc dài nhưng vẫn còn có những biểu hiện như khoe mình tài giỏi trong quản lý và kiếm tiền. Sau khi điều trị một thời gian, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Một trường hợp khác là nam giám đốc công ty xây dựng ở Hải Phòng, cũng phải nhập viện tâm thần vì làm ăn thua lỗ, phá sản. Bác sĩ Dũng cho biết, sau một năm làm ăn lao đao, tình trạng tài chính bết bát khiến người đứng đầu công ty này phải bán tài sản vẫn không đủ tiền trả ngân hàng, bảo hiểm và lương công nhân.
Sau khi tuyên bố phá sản, nam giám đốc có biểu hiện cáu gắt, quát mắng người nhà, hay đập phá đồ đạc, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn và được người thân đưa vào viện. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần nặng và phải dùng thuốc an thần liều cao. Dù tình trạng đỡ hơn nhưng mỗi khi gặp người khác, nam bệnh nhân vẫn ảo tưởng sức mạnh và cho rằng "cuối năm mình sẽ lên mặt trăng du lịch".
Khi có các biểu hiện tâm thần thì cần đi khám sớm để được can thiệp kịp thời. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Dũng cho biết, có 3 nguyên nhân gây bệnh tâm thần là tự sinh, phát sinh sau khi có một bệnh nào đó (như tim mạch, ung thư…) và sang chấn tâm lý. Trường hợp như những doanh nhân nói trên bị tâm thần thuộc nguyên nhân thứ ba, sau khi chịu một sang chấn tâm lý lớn do làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp phá sản.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần là rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, lo âu, tính cách thay đổi… Bất cứ ai khi gặp những biểu hiện bất thường này nên đến các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để được điều trị bằng nhiều biện pháp như dùng thuốc, tâm lý, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Để phòng chứng rối loạn tâm thần, bác sĩ Dũng khuyến cáo, các doanh nhân cần sắp xếp hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi, tránh để áp lực kinh doanh, nợ đọng đè nặng.