Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới hành vi tự sát và được chia ra theo giới tính, lứa tuổi, ví dụ như áp lực học tập, yếu tố gia đình hoặc liên quan đến tài chính, kinh tế.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Nguy cơ tự sát có thể gặp ở bất kỳ ai
TS.BS Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tự sát là hành vi cấp cứu chủ yếu trong tâm thần học và theo thống kê của WHO, có khoảng 800.000 người trên toàn thế giới chết vì tự sát mỗi năm, đứng thứ 14 trong 250 nguyên nhân gây tử vong. Đáng nói, nguy cơ tự sát gia tăng ở những người mà trong gia đình đã có người tự sát.
Dù con số thống kê về tự sát rất đáng báo động nhưng ông Dũng cho rằng vấn đề tâm thần nói chung và hành vi tự sát nói riêng hiện chưa được quan tâm đúng mức. Một nghiên cứu tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, sau mỗi đợt nghỉ hè, tỷ lệ rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học sinh tăng lên nhiều hơn, ngoài áp lực học tập thì các vấn đề trong gia đình cũng là yếu tố nguy cơ dẫn tới hành vi tự sát.
Bác sĩ Dũng lấy ví dụ về trường hợp một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội tự tử vì biến cố gia đình. Hoàn cảnh của em khiến nhiều người xót xa: Sau khi mẹ nữ sinh qua đời, bố em lấy vợ mới, cô bé luôn thấy buồn chán, không muốn về nhà, rồi bị rối loạn tâm lý và phải đến viện điều trị.
Bác sĩ Dũng cho biết, hành vi tự sát có thể gặp ở bất kể ai, lứa tuổi nào.
Tại bệnh viện, việc điều trị được kết hợp bằng nhiều phương pháp và bệnh nhân đáp ứng khá tốt nhưng em vẫn không muốn về nhà. Được sự động viên của các bác sĩ, cô bé cuối cùng đã đồng ý về và tiếp tục học tập. "Đáng ra sáng hôm sau cháu được ra viện thì ngày hôm trước không hiểu vì lý do gì cháu đã nhảy lầu tự tử", bác sĩ Dũng chia sẻ.
Không chỉ ở trẻ nhỏ, người trưởng thành cũng có những hành vi tự sát liên quan đến bệnh tật, tài chính, kinh tế hoặc thậm chí là “mùa bóng đá” thua cá độ cũng dẫn tới việc tự sát. “Những người trưởng thành thường có suy nghĩ chết là hết, đó là lý do họ tìm đến tự sát nhiều hơn để giải thoát cho chính mình”, bác sĩ Dũng cho hay.
Áp lực gia đình, học tập và kinh tế dễ dẫn đến hành vi tự sát
Chia sẻ về yếu tố nguy cơ dẫn tới hành vi tự sát, Ths.BS Vũ Sơn Tùng - Phó Trưởng Phòng Điều trị Rối loạn cảm xúc (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, một nghiên cứu với hơn 14.000 người cho thấy nguy cơ tự sát cao ở những trẻ trẻ bị lạm dụng tình dục; trẻ bị ngược đãi thể chất; người bị bạo hành tâm lý; trẻ bị bỏ bê thời thơ ấu.
Bác sĩ Tùng cho rằng, những thay đổi khí sắc hoặc thay đổi hành vi thì cần chú ý. Ảnh: Lê Phương.
Ngoài ra, tự sát xảy ra thường xuyên hơn ở những người chưa kết hôn so với những người đã kết hôn. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện nguy cơ tự sát tăng gấp 2 lần ở những người độc thân, gấp 3 lần ở những người đã ly hôn hoặc gấp 2 lần ở những người góa bụa…
Một số yếu tố khác như bị rối loạn tâm thần, đang mắc bệnh lý, ảnh hưởng của truyền thông, người nổi tiếng… cũng làm gia tăng nguy cơ tự sát. “Trước đây khi một người bị HIV họ hoang mang, không thiết sống và nghĩ đến việc tự sát. Hoặc những người nổi tiếng phát hành các sản phẩm như MV rồi đăng tải trên mạng có nội dung tự sát cũng sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ, làm cho họ dễ bắt chước hành vi này”, bác sĩ Tùng chia sẻ.
Thay đổi thói quen, hay ôm điện thoại cần đặc biệt chú ý
Về dấu hiệu nhận biết người có hành vi tự sát, bác sĩ Tùng cho rằng những người này thường sẽ bị stress kéo dài đè nén tâm lý của của họ và họ không tìm được lối thoát. Ngoài ra, dấu hiệu nhận biết còn tùy vào lứa tuổi sẽ có biểu hiện khác nhau. Điển hình như trẻ ở tuổi vị thành niên có những biểu hiện như thay đổi nhịp sinh học, ăn ít hơn, dễ cáu gắt, hay ôm điện thoại, ít tương tác và giao tiếp với người trong gia đình và ngoài xã hội… thì nên đưa đi khám.
Các chuyên gia cho biết, việc "ôm" điện thoại lâu sẽ sinh ra "nghiện" điện thoại di động đến mức không từ bỏ được. Nếu dùng các biện pháp can thiệp những người này sẽ tìm mọi cách để được sử dụng, thậm chí bỏ học, trốn học. Khi sử dụng quá nhiều mạng internet, mạng xã hội, game sẽ khiến họ kém ăn, gầy sút, không ngủ được. Đặc biệt, họ rất hay căng thẳng, hằn học, bức xúc, kèm theo đó là tâm trạng lo âu, buồn chán, bi quan, thậm chí nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực có thể tự tử.
Thường xuyên ôm điện thoại cũng là dấu hiệu cần chú ý để đưa đi khám tâm thần. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, khi thấy người thân có sắc mặt, tâm lý buồn chán, trong lời nói thường xuyên nhắc đến cái chết thì cần lưu ý, đưa đi khám sớm để có thể can thiệp kịp thời và được kết quả tốt nhất.
Để phòng ngừa hành vi tự sát, bác sĩ Tùng tư vấn mọi người nên ngăn chặn khả năng tiếp cận các phương tiện “tiếp tay” cho việc tự sát như thuốc độc, thuốc có khả năng gây độc như paracetamol, lắp đặt các rào chắn, giảm khả năng tiếp cận súng cầm tay. Ngoài ra, cần nâng cao sức khỏe cộng đồng, hạn chế cho trẻ tiếp cận với mạng xã hội, các nội dung tiêu cực dẫn tới hành vi tự sát của trẻ.
Bổ sung thêm về giải pháp phòng tránh tự sát, TS.BS Nguyễn Văn Dũng cho rằng, các thành viên gia đình cần luôn quan tâm và chú ý tới nhau, khi phát hiện người thân có ý định tự sát, có dấu hiệu bất thường như bồn chồn, mất ngủ… thì cần theo dõi chặt chẽ và đưa đi khám sớm nhất có thể.