Không ăn cam khi ăn hải sản, uống thuốc? Lý giải của bác sĩ khiến nhiều người giật mình

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/04/2021 14:30 PM (GMT+7)

Việc nói rằng ăn cam sau khi ăn hải sản sẽ sản sinh ra asen gây ngộ độc là thông tin chưa được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, mọi người cũng không nên quá lạm dụng, ăn quá nhiều cam.

Cam là loại quả giúp tăng cường sức khỏe, bổ sung nhiều loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày một số người cho biết nếu ăn cam không đúng cách sẽ để lại hệ lụy với sức khỏe.

Theo đó, có quan niệm cho rằng không nên ăn cam sau khi ăn hải sản vì khi kết hợp hai loại này sẽ sinh ra asen gây ngộ độc. Hay như việc, nhiều người đi thăm người ốm thường mang theo cam để biếu, không ít người cho rằng việc làm này là không nên vì cam sẽ làm mất đi tác dụng của thuốc, đặc biệt là kháng sinh.

Không có bằng chứng về việc ăn hải sản xong ăn cam gây ngộ độc

Chia sẻ về vấn đề này, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội đông y quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào cả tây y cũng như đông y cho rằng ăn hải sản sau đó ăn cam gây ngộ độc. Thực tế, việc tráng miệng sau ăn bữa chính là thói quen đã có từ lâu. Trong bữa ăn gia đình, thậm chí buổi tiệc có ăn tôm, cua (hải sản), mọi người sau đó ăn cam, bưởi cũng không có vấn đề gì.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, thực tế một số loại thực phẩm khi kết hợp với nhau sẽ gây nên một số ức chế, không đem lại hiệu quả dinh dưỡng như mong muốn. Điển hình như ăn hồng sau đó uống nước chè sẽ gây nên hiện tượng kết tủa, khó hấp thu hơn bình thường.

“Tuy nhiên thực tế kết hợp thực phẩm để gây ra ngộ độc dường như không xảy ra và quan niệm không ăn cam sau khi đã sử dụng hải sản vì nguy cơ tạo ra asen gây ngộ độc hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều đó”, BS Anh Đào chia sẻ.

Không ăn cam khi ăn hải sản, uống thuốc? Lý giải của bác sĩ khiến nhiều người giật mình - 1

Không ăn cam khi ăn hải sản, uống thuốc? Lý giải của bác sĩ khiến nhiều người giật mình - 2

Việc ăn hải sản xong ăn cam tráng miệng được sử dụng từ lâu. (Ảnh minh họa)

Người dân hiểu sai nhưng lại đổ do thực phẩm

Việc nhiều người khuyên không nên biếu cam cho người ốm, điều trị bệnh phải dùng thuốc tây, đặc biệt là kháng sinh vì ăn cam sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào cho biết đây là thông tin chưa được mọi người hiểu đúng.

Không ăn cam khi ăn hải sản, uống thuốc? Lý giải của bác sĩ khiến nhiều người giật mình - 3

Nếu uống thuốc sau ăn 2 tiếng thì người bệnh hoàn toàn có thể ăn cam hay bất kể loại quả tráng miệng nào khác.

Theo BS Anh Đào, người bệnh khi vào viện điều trị nội trú luôn có tâm lý lo lắng và có những stress nhất định và ảnh hưởng đến dạ dày. Khi ảnh hưởng đến dạ dày, họ thường được khuyến cáo không dùng các thực phẩm chua, cay, nóng….

Với những bệnh nhân vào viện phải dùng thuốc liên quan đến bệnh lý dạ dày cũng tương tự, các bác sĩ sẽ có chỉ định rõ ràng về việc dùng thuốc. “Đa số người dân đều có thói quen dùng thuốc ngay sau khi ăn, nguyên nhân xuất phát từ việc các bác sĩ, người bán thuốc dặn dò bệnh nhân không đến nơi, đến chốn.

Theo đó, nếu chỉ dặn bệnh nhân uống thuốc sau ăn, thì ngay sau khi ăn cơm xong mọi người sẽ uống thuốc ngay. Tuy nhiên, đa số các thuốc phải uống sau ăn khoảng 2 tiếng, trừ một số loại có chỉ định riêng. Ví dụ như canxi phải uống sau ăn 30 phút, có loại thuốc tiểu đường ăn được 2 miếng cơm là phải uống ngay.

Vì thế, các bệnh nhân điều trị nội trú chúng tôi luôn nhắc nhở rất kỹ rằng cần ăn sáng lúc 7 giờ, để 9 giờ uống thuốc. Nếu người bệnh tuân thủ uống thuốc sau ăn 2 tiếng theo lời dặn của bác sĩ, việc ăn loại hoa quả gì tráng miệng, trong đó có cam cũng không có vấn đề gì”, bác sĩ Anh Đào phân tích.

Không có thực phẩm nào kỵ nhau đến mức ngộ độc cấp cứu

Bác sĩ Đoàn Thị An Đào cho biết thông tin thực phẩm kỵ nhau gây ngộ độc đa số là kinh nghiệm, truyền tai nhau, còn thực tế cần phải dựa vào các bằng chứng khoa học để chứng minh.

“Một vấn đề nhiều người cũng truyền tai nhau đó là việc mổ thì không được ăn thịt gà (da gà), tuy nhiên về phương diện dinh dưỡng chúng tôi không khuyên bệnh nhân vậy. Chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân phải ăn đủ các nhóm chất để làm sao đảm bảo được dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra mỗi cá nhân khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa, bệnh lý, chúng tôi sẽ xây dựng thực đơn dinh dưỡng sao cho hợp lý nhất”, bác sĩ Đào cho hay.

Không ăn cam khi ăn hải sản, uống thuốc? Lý giải của bác sĩ khiến nhiều người giật mình - 4

Chưa từng ghi nhận trường hợp nào ăn thực phẩm được cho là kỵ nhau ăn vào gây ngộ độc nhập viện. Ảnh: Internet.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết, thực tế không có thực phẩm nào kỵ nhau đến mức ngộ độc phải cấp cứu, nên người dân cần phải cân nhắc, chọn lọc trước các thông tin lan truyền không chính thống.

Theo vị chuyên gia này, để đảm bảo an toàn người dân tốt nhất nên chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc uy tín để sử dụng, bởi không ít trường hợp ngộ độc do nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng nhưng lại đổ cho kết hợp thực phẩm này với thực phẩm kia kỵ nhau.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, dù cam rất tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường sức đề kháng, bổ sung nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể…Tuy nhiên, việc sử dụng cũng phải điều độ, không nên lạm dụng ăn quá nhiều, đặc biệt với những người có bệnh lý dạ dày, không nên ăn cam khi đang đói hoặc người đang bị tiêu chảy cũng không nên ăn loại quả này.

Bác sĩ chỉ sai lầm khi ngâm rau nước muối khiến rau mất chất, gây hệ lụy cho sức khỏe
Việc rửa rau đúng cách, ngâm nước muối trước khi nấu là tốt, tuy nhiên nhiều người lại đang làm không đúng cách, làm giảm chất lượng của thực phẩm.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm