Xưa ai nhìn cũng ghét vì hôi, nay thành đặc sản giá cao, nhưng ăn nhầm dễ nhập viện

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 17/09/2021 19:47 PM (GMT+7)

Bọ xít được nhiều nơi sử dụng làm món ăn, tuy nhiên đây cũng là loại côn trùng có nguy cơ gây ngộ độc nếu không biết cách chọn và dùng.

Không tùy tiện thấy bọ xít là ăn

Bọ xít là loại côn trùng không còn xa lạ với nhiều người. Trước đây bọ xít bị bắt, diệt và vứt bỏ vì gây giảm năng xuất cho các loại cây ăn quả, nhất là nhãn, vãi. 

Tuy nhiên, khi nhiều nơi sử dụng bọ xít làm món ăn, nhất là ở các quán nhậu thì bọ xít lại được lùng bắt, thu gom để bán cho thương lái với giá khá đắt đỏ, khoảng gần 300.000/1kg khi chưa sơ chế.

GS.TS Bùi Công Hiển - Chuyên gia đầu ngành về côn trùng học, nguyên giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, dù được nhiều người sử dụng làm món ăn nhưng không phải loại bọ xít nào cũng có thể dùng làm thực phẩm được.

Người dân thường ăn bọ xít hôi, chứ không phải loại bọ xít nào cũng có thể ăn được.

Người dân thường ăn bọ xít hôi, chứ không phải loại bọ xít nào cũng có thể ăn được.

“Bọ xít hôi hay được sử dụng làm món ăn nhất, thời điểm "rộ" nhất để thu bắt là mùa nhãn, vải ra hoa, đậu quả. Tại các nhà hàng bán bọ xít quanh năm thường là loại để đông lạnh xong mang ra dùng dần”, GS Hiển cho hay.

Theo GS Hiển, ngoài loại bọ xít hôi quen thuộc, một số loại bọ xít khác không biết nguồn gốc, có màu sắc lạ người dân tuyệt đối không dùng làm thức ăn. Bởi có thể có độc tố gây ngộ độc khi sử dụng.

“Kể cả với loại bọ xít hôi khi sử dụng cũng cần phải sơ chế kỹ lưỡng. Ngoài loại bỏ mùi hôi, việc sơ chế còn làm cho bọ xít thải ra một loại chất gây bỏng rát da khi dịch trong cơ thể chúng tiết ra”, GS Hiển khuyến cáo.

Vị chuyên gia này cho rằng, bọ xít chỉ cần ngâm với nước vôi trong khoảng nửa giờ, để chúng tiết ra các chất trong cơ thể. Điểm đáng lưu ý, bọ xít trước khi sơ chế phải chọn những con còn tươi sống, không dùng những con đã chết. 

Cần ngâm bọ xít và rửa sạch để khô trước khi chế biến.

Cần ngâm bọ xít và rửa sạch để khô trước khi chế biến.

Mặt khác, sau khi ngâm xong cần phải rửa thật kỹ vì bọ xít cũng các loại côn trùng dễ nhiễm nấm hoặc vi khuẩn gây hại cho cơ thể khi ăn. “Khi gặp nguy hiểm, bọ xít sẽ tiết ra mùi hôi đặc trưng để tự vệ. Mùi hôi này gây hại cho cơ thể con người. Vì thế, người dân tuyệt đối không ăn sống bọ xít, kể cả khi chế biến cũng nên bỏ đầu hoặc bộ phận tiết mùi hôi”, GS Hiển cho hay.

Về giá trị dinh dưỡng, do bọ xít không phải thực phẩm quá phổ biến nên bảng thành phần dinh dưỡng hiện chưa có nghiên cứu chính thức. Một số nghiên cứu nhỏ lẻ cho thấy trong bọ xít có một số protein, sắt, kali và phosphor. 

Với bọ xít, cách chế biến thông dụng nhất sau khi đã được làm sạch là rang hoặc chiên giòn. Điều đặc biệt của loại côn trùng này là khi nấu không cần cho thêm bất cứ loại gia vị nào, vì bản thân bọ xít đã có đủ vị đắng, cay, nồng, mặn… “Thông thường khi chế biến bọ xít người dân chỉ cần rắc thêm chút lá chanh vào rồi thưởng thức”, GS Hiển nói.

Bọ xít vốn có đủ vị nên khi nấu không cần nêm nếm gia vị khác.

Bọ xít vốn có đủ vị nên khi nấu không cần nêm nếm gia vị khác.

Bọ xít không làm tăng bản lĩnh đàn ông

Hiện nay, có một số thông tin cho rằng, bọ xít có chứa chất như viagra giúp tăng cường bản lĩnh đàn ông, nên được nhiều nam giới sử dụng. Về vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, đây là tin đồn thất thiệt không có bằng chứng khoa học, hay nghiên cứu nào chứng minh.

Lương y Trung cũng cho biết, người dân tốt nhất không tự ý chế biến, ăn bọ xít vì đã có nhiều vụ ngộ độc xảy ra, nhất là với những loại bọ xít lạ. Với các loại bọ xít có thể ăn được như bọ xít hôi cần lưu ý cách sơ chế, chế biến và chỉ nên ăn thưởng thức, không nên ăn nhiều. 

Tuyệt đối không ăn những loại bọ xít có màu sắc lạ hoặc không biết tên, nguồn gốc.

Tuyệt đối không ăn những loại bọ xít có màu sắc lạ hoặc không biết tên, nguồn gốc.

Thực tế, đã có những vụ ngộ độc do ăn bọ xít xảy ra, mới đây nhất là vào giữa tháng 8, một gia đình ở Hòa Bình đã bắt bọ xít lạ ở ruộng lúa về chế biến làm món ăn. Sau khi ăn cả gia đình 7 người bị ngộ độc phải nhập viện, xét nghiệm máu cho thấy, trong máu bệnh nhân nặng nhất bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ, liệt cơ và suy đa tạng. 

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - GĐ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bọ xít có nhiều loài, trong đó có loài chứa chất độc, vì thế tốt nhất người dân không nên sử dụng làm thức ăn, nhất là loại bọ xít lạ. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus….

Món dân dã xưa thành đặc sản vài trăm nghìn/kg, khéo chọn mới được loại ngon, bổ
Cốm là đồ ăn gắn liền với mùa thu, mang hương vị rất riêng, không những thế nó còn giàu dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Sống khỏe

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương