Với những người bị viêm loét dạ dày chế độ ăn uống là rất quan trọng, vậy họ cần phải ăn như thế nào cho hợp lý? Thắc mắc này sẽ được TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia giải đáp.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Chào bác sĩ!
Mới đây tôi đi khám thì được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, dịp tết vừa rồi ăn uống nhiều nên các cơn đau lại xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Hiện nhịp sinh hoạt đã trở lại bình thường, chế độ và bữa ăn hàng ngày cũng đã đi vào qui củ hơn.
Tuy nhiên, với những người bị viêm loét dạ dày như tôi, ngoài việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, hàng ngày ăn uống cần chú ý đến những điều gì? Nên lựa chọn đồ ăn, chế độ sinh hoạt như thế nào để cho hợp lý?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, do vi khuẩn HP (H.Plylori). Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn này sẽ tồn tại và sinh sôi mạnh mẽ tại niêm mạc dạ dày. Thông thường, vi khuẩn HP không gây ra vấn đề gì, nhưng khi nó hoạt động, hóa chất mà chúng tiết ra có thể gây kích ứng, viêm lớp bên trong của dạ dày và gây ra loét. Nó có khả năng gây ung thư hóa trên nền viêm loét dạ dày mạn tính.
Thứ hai, do những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Theo đó, khi đối mặt với rất nhiều căng thẳng, áp lực công việc sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị ảnh hưởng và suy giảm chức năng. Nếu như phải thường xuyên trải qua căng thẳng, stress, bệnh dạ dày càng nhanh chóng phát triển.
Thứ ba, do những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người có những thói quen như ăn không đúng bữa, thường ăn quá no và vận động nhiều ngay sau khi ăn… Như vậy, dạ dày phải hoạt động liên tục và rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc có tác dụng giảm đau hoặc kháng viêm bừa bãi cũng đe dọa tới hoạt động của dạ dày.
Đối với người bị viêm loét dạ dày thì nguyên tắc ăn uống đầu tiên là phải chọn thực phẩm mềm, dễ tiêu và thấm hút được dịch vị a xít dạ dày như sữa, cháo, bánh mỳ…
Ngoài ra, khi ăn cũng cần phải chú ý đến nhiệt độ của thực phẩm, không ăn thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh vì điều đó sẽ làm tăng sự co bóp của dạ dày, tăng tiết dịch của dạ dày và làm tình trạng trầm trọng hơn.
Chế độ ăn với người bị viêm loét dạ dày cần phải hết sức lưu ý để giảm những cơn đau. Ảnh minh họa.
Khi chế biến các món ăn như rau, thịt, cá…thì nên chế biến kỹ hơn hoặc nấu các món nhừ hơn bình thường. Việc làm này cũng sẽ khiến dạ dày hoạt động dễ dàng hơn và giảm được cơn đau khi co bóp. Với những người bị viêm loét dạ dày thì có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ăn quá nhiều, quá no vào một bữa.
Các thực phẩm cay nóng, các đồ uống chứa chất kích thích cũng không nên sử dụng, hạn chế hoặc không dùng các đồ ăn nhanh, ăn thẳng, chọn thực phẩm chứa ít chất xơ cứng để giảm áp lực với dạ dày.
Trong cuộc sống hàng ngày cần giảm căng thẳng, áp lực để dạ dày hạn chế tiết dịch vị, ngoài ra nên hoạt động thể lực hàng ngày thường xuyên, khi có cơn đau chỉ tập những động tác nhẹ, phù hợp với cơ thể. Nếu không có cơn đau thì tập luyện thể theo như người bình thường, theo khuyến cáo mỗi ngày dành ra ít nhất 30 phút để hoạt động thể thao.
Tin liên quan
Hết lăn tăn trước nhiều lựa chọn, loạt sao Việt “bật mí” tiêu chí chọn dầu ăn phải có công thức kết hợp 3 thành phần cao cấp dầu gạo lứt,...
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Bí đỏ có rất nhiều công dụng với sức khỏe, có thể để được lâu, nhưng cần phải sử dụng và bảo quản đúng cách mới phát huy được hết công dụng của loại quả này.