Nữ bác sĩ Sài Gòn U90 vẫn đi làm mỗi ngày, 50 năm mắc tiểu đường nhưng vẫn khỏe mạnh nhờ một quy tắc này

DIỆU THUẦN - Ngày 06/03/2023 19:09 PM (GMT+7)

Ở tuổi 89, TS.BS Phan Thị Hồ Hải vẫn có sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn và vẫn làm công việc cứu người ở bệnh viện. Bà đã tự xây dựng một nguyên tắc ăn uống, chăm sóc sức khỏe đơn giản nhưng vô cùng chất lượng.

Mỗi ngày đi làm là một niềm vui

TS.BS Phan Thị Hồ Hải, nguyên Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy và nguyên Chủ nhiệm bộ môn Gây mê - Hồi sức của Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM là cây đại thụ trong lĩnh vực gây mê và là thầy của hầu hết các bác sĩ gây mê khu vực phía Nam. Năm nay, bà đã 89 tuổi nhưng đều đặn 6h sáng mỗi ngày vẫn đi làm tại Bệnh viện Chợ Rẫy và một bệnh viện tư ở quận Bình Tân.

Nhìn nữ bác sĩ nhỏ nhắn có mái tóc bạc trắng cẩn thận kiểm tra hồ sơ người bệnh trước và sau khi họ làm phẫu thuật, rảnh tay là đi trò chuyện với bệnh nhân và thân nhân người bệnh, ai cũng tưởng bà chỉ mới 70 tuổi. Khi biết bà đã ở tuổi U90, ai nấy đều ngưỡng mộ. Có người còn nói: “Bác sĩ bằng tuổi bà nội, bà ngoại của tôi đó. Bà nội, bà ngoại của tôi lọm khọm rồi, không còn đi làm được như bác sĩ đâu”.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải đang kiểm tra hồ sơ của người bệnh. Ảnh: NVCC.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải đang kiểm tra hồ sơ của người bệnh. Ảnh: NVCC.

17h mỗi ngày, bác sĩ Hải được xe đưa từ bệnh viện về nhà ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM. Sau khi tắm rửa, ăn bữa chiều xong, bà nằm trên chiếc ghế dưới tầng trệt, có sẵn gối kê đầu và gối tựa lưng do các con cháu chuẩn bị để đọc sách hoặc xem các tin tức thời sự.

Tiếp chúng tôi vào một ngày đầu tháng 3, bác sĩ Hải nói: “Lớn tuổi rồi nên tôi được lãnh đạo bệnh viện bố trí công việc phù hợp. Ngày nào, 15h là tôi đã tan ca. Nhưng tôi ở lại bệnh viện để trò chuyện với đồng nghiệp, người bệnh, thân nhân người bệnh cho vui. Về nhà, tôi cũng chỉ xem tivi, đọc sách, đi ra rồi đi vào”.

Nói về việc đi làm khi tuổi đã cao, bác sĩ Hải cho biết, ban đầu bà không được các con đồng ý vì ai cũng muốn mẹ hưởng tuổi già an nhàn, sợ mẹ tới bệnh viện thì vất vả. Tuy nhiên, bà nói với các con: “Nếu mẹ không đi làm thì ở nhà mẹ làm gì? Các con đứa đi làm, đứa có niềm vui riêng, mẹ đọc sách, xem tivi mãi cũng chán. Mẹ không nói chuyện với tivi được. Bệnh viện họ đang cần người, trong khi đó sức khỏe của mẹ có thể làm việc tốt”. Nghe vậy, các con bác sĩ Hải không còn phản đối quyết định của bà nữa.

Bác sĩ Hải chia sẻ, bà luôn thấy vui khi đi làm vì ở đó bà được gặp đồng nghiệp, người bệnh và người thân của họ cũng như những người học trò mình từng dạy, giúp đỡ trong công việc. Niềm vui của bà như được nhân đôi khi có những thân nhân người bệnh từng đưa ông bà, cha mẹ đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám từ nhiều năm trước, giờ đến bệnh viện họ vẫn nhận ra bà khi vừa nhìn từ xa, rồi chạy đến xin bắt tay, ôm, nói lời cảm ơn.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải đang tư vấn cho một nữ bệnh nhân. Ảnh: NVCC.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải đang tư vấn cho một nữ bệnh nhân. Ảnh: NVCC.

Hơn 50 năm sống khỏe với bệnh tiểu đường

Nói về sức khỏe của mình, bác sĩ Hải cho biết, hiện ngoài thường xuyên nhức mỏi người vì tuổi già thì mọi chỉ số khi siêu âm, xét nghiệm của bà đều bình thường. Bà cho biết, có được điều đó là nhờ bà luôn thực hiện các nguyên tắc:

- Sống thoải mái, ăn uống đơn giản, không ăn quá no, không dùng chất kích thích, hạn chế tham gia các buổi tiệc tùng.

- Luôn yêu thích công việc mình làm.

- Luôn yêu thương, hòa đồng với người bệnh và chăm sóc người bệnh chu đáo.

- Không hiềm khích, sân si, bỏ qua hết những chuyện không vui để đón nhận những điều tốt đẹp, ý nghĩa và luôn hài lòng với những gì mình có.

- Duy trì cân nặng 44-50kg với chiều cao 1m50.

TS.BS Nguyễn Hoài Nam là học trò của bác sĩ Hải tặng hoa cho cô giáo. Ảnh: NVCC.

TS.BS Nguyễn Hoài Nam là học trò của bác sĩ Hải tặng hoa cho cô giáo. Ảnh: NVCC.

Bác sĩ Hải kể, năm 1970, bà phát hiện mình mắc tiểu đường do di truyền từ gia đình. Là một bác sĩ, bà biết bệnh tiểu đường sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể. Vì vậy, hơn 53 năm qua, ngoài tuân thủ chế độ ăn uống, uống thuốc, bà tự kiểm tra sức khỏe đều đặn mỗi tháng. Khi thấy kết quả xét nghiệm của mình có dấu hiệu lạ, bà nhờ bác sĩ tiểu đường tư vấn để biết nên thay đổi thuốc, cách ăn uống, vận động ra sao.

Có lần, vì uống thuốc tiểu đường dạng viên không hợp, bác sĩ Hải bị chán ăn, ăn không ngon miệng. Nhận ra cơ thể mình xuất hiện dấu hiệu lạ vì uống thuốc, bác sĩ Hải đã đi gặp đồng nghiệp chuyên về bệnh tiểu đường nhờ tìm hướng giải quyết. Sau khi đổi thuốc uống phù hợp, bác sĩ Hải thấy ăn uống ngon miệng hơn.

Theo bác sĩ Hải, rất nhiều người trẻ hiện nay vì chủ quan, không đi khám bệnh thường xuyên nên khi có các dấu hiệu bệnh đã rõ mới đi khám thì đã trở nặng hoặc ở giai đoạn muộn. Tại bệnh viện, là người kiểm tra hồ sơ cho người bệnh trước khi họ được đưa vào phòng mổ, bà nhận thấy, có rất nhiều người phải tạo lỗ rò AV (lỗ rò nối động mạch và tĩnh mạch trong cánh tay) để chạy thận nhân tạo dù tuổi còn rất trẻ. Nguyên nhân chỉ vì họ bị cao huyết áp nhưng không biết nên không theo dõi. Cho đến khi bệnh đã nặng mới đến bệnh viện thì được kết luận suy thận giai đoạn 4 và phải chạy thận nhân tạo.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải khuyến cáo, những người trẻ nên thường xuyên đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện các căn bệnh nguy hiểm ở giai đoạn sớm và được điều trị kịp thời. Ảnh: NVCC.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải khuyến cáo, những người trẻ nên thường xuyên đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện các căn bệnh nguy hiểm ở giai đoạn sớm và được điều trị kịp thời. Ảnh: NVCC.

Ăn món luộc, hấp, hạn chế ăn nhiều dầu mỡ

Một trong những điều giúp bác sĩ Hải có được sức khỏe như hiện nay là nhờ ăn uống. Bác sĩ Hải cho biết, bà ăn uống đơn giản, chú trọng đến món luộc, hấp, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ. “Mâm cơm nhà tôi lúc nào đĩa rau cũng to hơn đĩa thịt” bác sĩ Hải nói.

Món ăn yêu thích của bà là món luộc. Theo bác sĩ Hải, nhiều người luộc rau củ xong đổ nước đi là không đúng. Chính nước luộc rau củ mới chứa các chất dinh dưỡng của rau. Khi uống nước rau củ luộc thường xuyên sẽ giúp chúng ta thải độc tố ra ngoài, cải thiện sức khỏe rất tốt. Vì vậy, các loại rau như rau muống, rau cải, mồng tơi, bắp cải, su hào, cà rốt, bầu bí… bác sĩ Hải luộc rồi lấy nước làm canh ăn. Mỗi khi muốn đổi vị, bà mới xào nhưng cho ít dầu mỡ.

Bác sĩ Hải cũng đặt ra cho mình quy tắc ăn không quá no, ăn đúng giờ, không bỏ bữa và hạn chế tối đa đi ăn ở ngoài. “Mỗi bữa, tôi chỉ ăn một chén cơm nhỏ, thêm ít thịt cá, trứng và ăn nhiều rau. Các con bữa nào cũng nói mẹ nên ăn thêm, nhưng tôi nhất quyết từ chối, dù bữa đó nhà có nhiều sơn hào hải vị”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Làm việc trong ngành y, bác sĩ hiểu rằng ngủ đủ và ngủ ngon giấc rất quan trọng, nhất là những người lớn tuổi. Tuy nhiên, làm thế nào để ngủ ngon và ngủ sâu là một câu hỏi của nhiều người. Với bác sĩ Hải, khi trở về nhà sau một ngày làm việc, bà sẽ bỏ hết những căng thẳng, mệt mỏi, sự không hài lòng sang một bên để mình được thoải mái. 

TS.BS Phan Thị Hồ Hải được học trò tặng hoa nhân ngày 20/11. Ảnh: NVCC.

TS.BS Phan Thị Hồ Hải được học trò tặng hoa nhân ngày 20/11. Ảnh: NVCC.

Khoảng 20h mỗi ngày, khi ngoài đường ít người qua lại, bà sẽ ra đi bộ, thực hiện các động tác vận động chân tay, các cơ, đầu, cổ khoảng 20-30 phút. “Trước đây, tôi may mắn được cử đi học các bài tập vận động rồi về hướng dẫn cho nhân viên trong bệnh viện vào buổi sáng khi giải lao nên giờ tôi áp dụng lại với mình”, bác sĩ Hải tâm sự và cho biết, vận động trước giờ ngủ sẽ giúp mình ngủ ngon và sâu hơn.

Thức dậy lúc 4h sáng mỗi ngày, trước khi rời khỏi giường, bà dùng tay mát-xa đầu, mặt, bụng, chân tay tại chỗ một lúc cho máu lưu thông mới dậy đi làm vệ sinh cá nhân. 5h30 sáng, bà ngồi vào bàn ăn sáng với các món có nhiều nước như phở, bún, cháo… rồi chuẩn bị đi làm.

“Bản thân là thầy thuốc, nếu không chăm sóc sức khỏe cho mình tốt thì chủ quan sẽ thành khách quan”, bác sĩ Hải quan niệm. Nhờ vậy cùng với duy trì các nguyên tắc sống và ăn uống khoa học, bác sĩ Hải đã có một sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn và có thể làm việc khi ở tuổi đã cao. Mới đây, khi đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ Hải thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu tim, gan, phổi, dạ dày thận… đều cho kết quả bình thường.

Bác sĩ 63 tuổi khoe trẻ hơn 20 năm trước, có thể sống tới 100 tuổi nhờ công thức ai cũng dùng được
Đừng mải mê đi tìm suối nguồn tươi trẻ ở đâu xa! Một bác sĩ chuyên nghiên cứu về sống thọ khẳng định rằng, ông trẻ hơn tới 20 tuổi so với tuổi thực của mình, và chia sẻ bí quyết để đạt được điều này. 

Sống thọ

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Thật thú vị khi nghe kể về một người đã sống một cuộc đời khỏe mạnh, tốt đẹp xuyên suốt cả thế kỷ. Còn thú vị hơn nữa khi đó lại là về một...

Tin bài cùng chủ đề Sống thọ