Bác sĩ Sài Gòn từng bị chê vì ăn 5 bát cơm/bữa, tuổi U50 có dáng chuẩn hơn thanh niên nhờ bí quyết này

DIỆU THUẦN - Ngày 22/06/2024 14:00 PM (GMT+7)

Nhận thấy việc ăn nhiều cơm không tốt cho sức khỏe và trái ngược với thói quen ăn của vợ, TS.BS Bùi Chí Thương quyết định thay đổi, tập dần ăn ít tinh bột lại. 

Hai vợ chồng có "vấn đề” vì khác thói quen ăn

Theo Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, tinh bột là một trong những nhóm chất cần thiết hằng ngày cho cơ thể, trí não hoạt động và cân bằng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta chỉ nên ăn tinh bột vừa đủ, nếu ăn nhiều có thể làm tăng lượng đường trong máu, dẫn tới tiểu đường và ảnh hưởng đến hệ tim mạch. 

TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng Khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), có thói quen ăn nhiều cơm từ nhỏ. “Nhà tôi quê Bạc Liêu, vốn nghèo, chủ yếu trồng lúa nên ăn cơm là chính. Trước đây, mỗi ngày, tôi ăn 4-5 bát (chén) cơm là bình thường”, bác sĩ Thương chia sẻ. 

TS.BS Bùi Chí Thương có dáng người chuẩn, được nhiều người khen trẻ hơn so với tuổi. Ảnh: BSCC.

TS.BS Bùi Chí Thương có dáng người chuẩn, được nhiều người khen trẻ hơn so với tuổi. Ảnh: BSCC.

Cũng vì ăn nhiều cơm mà những năm còn học THPT, bác sĩ Thương nhiều lần bị bạn bè chế giễu nên xấu hổ, tự ti. “Năm đó, tôi có đến nhà người thầy ở, phụ thầy dạy con học. Tôi ở được 3 ngày thì bị đuổi, cũng vì ăn nhiều cơm. Không hiểu vì sao, chuyện tôi ăn nhiều cơm cả trường ai cũng biết”, bác sĩ Thương nhớ lại. 

Khi lên TP.HCM học đại học và làm việc, bác sĩ Thương vẫn giữ thói quen ăn nhiều cơm. Vợ bác sĩ Thương thích ăn các món có nhiều nước như phở, hủ tiếu, bún bò, bánh canh… Vì điều này, nhiều bữa cơm của hai vợ chồng có “vấn đề” và ít khi cả hai ngồi ăn cùng nhau. Khi đọc các nghiên cứu, bác sĩ Thương nhận thấy, ăn nhiều tinh bột không tốt cho sức khỏe, nhất là những người đang làm công việc như anh nên quyết định thay đổi thói quen ăn uống để phù hợp với vợ.

“Tôi tập ăn dần các món ăn vợ thích. Ban đầu khó ăn lắm, tôi thường bị đầy bụng. Nhưng mỗi lần ăn một chút, tập từ từ tôi cũng quen. Bây giờ, tôi có thể thoải mái ăn được các món ăn vợ thích và các món khác”, bác sĩ Thương chia sẻ.

Bác sĩ Sài Gòn từng bị chê vì ăn 5 bát cơm/bữa, tuổi U50 có dáng chuẩn hơn thanh niên nhờ bí quyết này - 2

Một trong những bữa ăn của TS.BS Bùi Chí Thương. Ảnh: BSCC.

Một trong những bữa ăn của TS.BS Bùi Chí Thương. Ảnh: BSCC.

Cắt giảm được tinh bột nhờ "bí kíp" bới cơm

Bác sĩ Thương cũng ăn ít cơm lại. “Tôi thích ăn cá, rau củ quả luộc. Trước đây, mỗi bữa tôi sẽ ăn 4-5 bát cơm, thêm đĩa cá kho/luộc/hấp/nấu canh và đĩa rau luộc, chén canh là đủ. Ngoài ra, tôi không ăn gì thêm”, bác sĩ Thương chia sẻ. Sau đó, bác sĩ Thương giảm xuống ăn còn 2 bát cơm/bữa và ăn thêm thịt, cá, hải sản, rau củ, trái cây. Anh cũng sẽ chuyển sang ăn phở, lẩu, các món ăn khác nếu hôm nào vợ con muốn đi ăn ngoài.

“Hiện tôi vẫn ăn 2 bát cơm/bữa, nhưng đã giảm được số lượng cơm trong bát bằng cách tự bới cơm cho mình và dùng muỗng nhỏ để bới. Bới cơm xong, tôi đặt bát cơm sang một bên, nói chuyện với vợ con một lúc rồi mới ăn”, bác sĩ Thương vui vẻ chia sẻ. 

Bác sĩ Thương cho biết, đã cắt giảm tinh bột thành công nhờ bí kíp bới cơm của mình. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Thương cho biết, đã cắt giảm tinh bột thành công nhờ "bí kíp" bới cơm của mình. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Thương, bộ não con người vô cùng phức tạp nhưng có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi những hình ảnh tạo ảo giác quang học. Anh đã vận dụng điều này để thay đổi thói quen ăn nhiều cơm của mình. Vì vậy, khi bới cơm xong, chúng ta ăn ngay, nếu trong bữa ăn có nhiều món ngon, hợp với khẩu vị thì sẽ phải ăn nhiều cơm. Việc anh bới cơm xong, để sang một bên, trò chuyện với mọi người để bộ não quên đi cảm giác thèm ăn và muốn ăn nhiều. Nhờ vậy, anh đã cắt giảm thành công tinh bột. Anh sẽ ăn nhiều cá, tôm, hải sản, thịt và rau củ quả... để bổ sung đủ chất cho cơ thể.

Ngoài ăn uống, bác sĩ Thương cũng tạo cho mình một đời sống tinh thần thoải mái, lạc quan, luôn nói lời khen ngợi khác để giúp họ vui hơn và cũng khiến bản thân có thêm nhiều mối quan hệ tích cực.

Về vận động, mỗi tối, anh cùng vợ dành khoảng 30 phút - 1 giờ cùng nhau đi bộ, trò chuyện để cơ thể vừa vận động vừa giúp hai vợ chồng hiểu nhau, gắn kết tình cảm hơn. Nhờ những điều trên, bác sĩ Thương có dáng người cân đối, cân nặng ổn định và luôn được mọi người khen trẻ hơn nhiều so với tuổi. 

Sau câu nói 5 từ của mẹ vợ tương lai, chàng sinh viên ngành y quyết chọn làm bác sĩ sản phụ khoa
Sau khi đi thực tập tại một bệnh viện nhi, được khám cho nhiều em nhỏ, TS.BS Bùi Chí Thương muốn làm bác sĩ nhi. Nhưng khi nghe mẹ người yêu phân...

Gia đình thứ nhất

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách chăm sức khỏe của bác sĩ