Nữ giám đốc ở Sài Gòn cưới nửa năm phải ly hôn vội vì chồng quá sạch, ai lấy người thế này chớ vội mừng

Ngày 16/04/2023 14:12 PM (GMT+7)

Ăn sáng xong, nhìn đồng hồ sắp tới giờ đi làm, Thục vội lấy giẻ lau qua mặt bàn thì thấy một ngón tay miết xuống. Ngẩng lên, Thục bắt gặp gương mặt nhăn nhó và ngón tay chồng giơ lên: “Vẫn bẩn nguyên đây này”. 

Cuộc sống ngộp thở vì chồng nhìn đâu cũng thấy bẩn

Như tức nước vỡ bờ, Thục lẳng luôn chiếc giẻ lau lên bàn, gằn giọng: “Anh thích sạch thì đi mà tự làm”, rồi quay lưng với túi xách bước đi. Hai ngày sau, cô đưa đơn ly dị.

Thục cho biết, chuyện “miết tay kiểm tra bàn sạch” chỉ là giọt nước tràn ly. Thục xinh đẹp, tài giỏi, là giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại. Cô mới kết hôn nửa năm, nhưng thay vì nếm mật ngọt hôn nhân, cô cảm thấy như đi đày vì chồng sạch sẽ quá mức. “Nghe tụi bạn kể xấu chồng chúng nó “bẩn như hủi”, có lúc tôi ước chồng mình như thế có lẽ cuộc sống đã dễ thở hơn”, Thục, 30 tuổi kể. 

Thục ở Sài Gòn, quen chồng qua mạng, yêu xa gần một năm và chỉ gặp gỡ trực tiếp vài lần trước khi cưới nên sự sạch sẽ của anh vốn được cô coi là ưu điểm khi mỗi lần hẹn hò lại thấy anh chỉn chu, ngăn nắp trong mọi việc. Lấy nhau về, cô mới dần “ngấm đòn”. Anh không thích ra hàng ăn vì sợ bẩn, bần cùng phải đi vì xã giao thì yêu cầu nhà hàng phải trụng nước sôi bát đũa của mình trước khi dùng, và chỉ ăn vài miếng lấy lệ. 

Chồng Thục nhìn đâu cũng thấy chưa được sạch như ý muốn. (Ảnh minh họa)

Chồng Thục nhìn đâu cũng thấy chưa được sạch như ý muốn. (Ảnh minh họa)

Ở nhà, mọi ngóc ngách đều phải sạch bong kin kít, đồ nào chỗ nấy, không được phép để sai vị trí. Dù vợ chồng ở ngoài về nhà hay có khách tới chơi đều phải lập tức làm theo một quy trình bất di bất dịch: Cởi giày cất lên kệ, treo áo khoác ngoài và túi ở giá sau cánh cửa, rửa tay bằng xà phòng tại toilet gần cửa… “Khách tới là được nhắc ngay những việc này, có người tưởng đùa, đi giày qua vạch quy định là anh chạy tới chỉnh lại, lấy giẻ ẩm lau ngay khiến người ta phát ngại. Trẻ con không được chào đón vì khó kiểm soát và dễ dây bẩn ra nhà”, Thục kể. 

Đặc biệt, trong phòng ngủ, phòng tắm thì gối chăn, quần áo, khăn tắm luôn phải sạch và để đúng chỗ. Vợ không được phép nằm chỗ và dùng gối của chồng hay dùng khăn tắm chung với chồng. 

“Những hôm đi làm còn đỡ, ngày nghỉ mới thật sự kinh hoàng. Anh ở nhà là liên tục rửa tay tới cả trăm lần. Riêng nấu được bát mỳ phải rửa 7 lần: Trước khi nấu, sau khi bóc gói mì hay đập quả trứng, thái cọng hành, tắt bếp, đổ mì ra, bưng tới bàn… Người ta chủ nhật thì đi làm nail, lên phố cafe, mình thì hết nấu đến dọn dẹp từ nhà tới bếp, giặt thay chăn ga gối, nghe càm ràm chỗ này còn bẩn, chỗ kia xếp không đúng…. Riết rồi tôi không thể chịu nổi. Nghĩ sau này có con sống sao đây, thôi chia tay sớm cho nhẹ”, Thục chia sẻ về quyết định ly hôn của mình.

Có người vợ chăm làm, đi đến đâu là ham dọn tới đó, anh Tùng (Ba Đình, Hà Nội) cũng thấy như “sống nơi thiếu khí” dù anh được nhiều người bảo “số hưởng” vì ở nhà không phải mó tay vào việc gì, vợ giành làm hết thảy. 

Anh Tùng kể vợ anh đam mê dọn dẹp hơn hết thảy mọi thứ. (Ảnh minh họa)

Anh Tùng kể vợ anh đam mê dọn dẹp hơn hết thảy mọi thứ. (Ảnh minh họa)

“Tưởng sướng mà khổ không biết kể sao cho hết. Cô ấy cứ hở ra là dọn, mà ai làm gì cũng không ưng mắt. Tối đến vợ rửa bát với lau bếp thì hết cả tiếng. Cái góc tầng một chỉ dùng để xe cũng phải lau cho sạch bóng không biết để làm gì. Dép giày ngày nào cũng phải chùi cho sạch tới cả phần đế, trong khi ngày mai lại đi. Đến giờ mọi người lên giường thì ra xếp dọn hết đồ đạc lại theo đúng vị trí. Có hôm đi đám ở tỉnh tới khuya mới về, mệt rũ ra, tôi bảo  nghỉ đi, vợ trèo lên giường một lúc lại mò dậy lục đục dọn dẹp, bảo không sạch không ngủ được”, anh Tùng than vãn. 

Nhiều người hẳn từng nghe chuyện về diễn viên xinh đẹp Trung Quốc Lý Băng Băng nổi tiếng vì sạch sẽ quá mức. Ai tới nhà cô, nếu có tóc dài thì tới cửa là phải buộc tóc gọn gàng để tránh rụng tóc ra nền nhà. Khách nào vào nhà Băng Băng mà muốn để máy tính lên bàn thì trước hết phải kiếm miếng lót rồi mới được đặt lên. Thậm chí, Lý Băng Băng không muốn khách ngồi vào bộ sofa của mình vì sợ… làm bẩn. 

Kỹ tính hay mắc bệnh ám ảnh sợ bẩn?

Thực tế, không chỉ là có tính cách sạch sẽ quá, nhiều trường hợp của các nhân vật trên là biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh - cưỡng bức, trong đó, người bệnh có ám ảnh sợ bẩn và hành vi cưỡng bức ở đây là rửa tay (hay dọn dẹp) bắt buộc.

Theo PGS. TS Bùi Quang Huy, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103, ám ảnh là ý nghĩ gây đau khổ cho bệnh nhân, cố định (rất bền vững), chi phối hành vi (buộc phải rửa tay). Bệnh nhân biết ý nghĩ của mình là quá mức, nhưng không sao gạt đi được. Đáp lại ám ảnh đó là hành vi cưỡng bức - không làm không được - giúp giảm nhẹ nỗi ám ảnh nhưng lại gây ra các rắc rối khác cho người bệnh.

Những người ám ảnh sợ bẩn một ngày có thể rửa tay hàng trăm lần. (Ảnh minh họa)

Những người ám ảnh sợ bẩn một ngày có thể rửa tay hàng trăm lần. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Huy cho biết, có rất nhiều loại ám ảnh, nhưng được chia làm 3 loại, đó là Ám ảnh sợ bẩn, sợ lây bệnh; Ám ảnh kiểm tra (sợ chưa khóa cửa, sợ có người trốn dưới gầm giường) và các loại ám ảnh khác. Trong đó, ám ảnh sợ bẩn là khó điều trị nhất. Bệnh nhân luôn sợ bẩn, sợ bị lây bệnh. Khi chạm vào một vật gì đó (chẳng hạn bắt tay người khác), họ phải đi rửa tay ngay sau đó, nếu không sẽ cảm thấy rất khó chịu, bồn chồn, lo lắng. Nhưng rửa tay xong, họ vẫn không tin là đã sạch nên lại rửa tiếp. Vì thế, họ mất rất nhiều thời gian để rửa tay hằng ngày.

Thực tế, tỷ lệ người mắc chứng này không ít. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Mỹ (NIMH) căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 2% dân số.

Mắc chứng ám ảnh sợ bẩn có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc và các mối quan hệ của người bệnh.  

“Đáng tiếc là người ta hay giấu bệnh. Từ lúc phát bệnh đến khi đến gặp bác sĩ tâm thần để tư vấn, điều trị trung bình là 10 năm. Khi đó, bệnh đã quá mạn tính, khó chữa”, bác sĩ Huy chia sẻ. 

Theo bác sĩ, ngoài liệu pháp tâm lý, hành vi, nhiều trường hợp mắc ám ảnh sợ bẩn cần dùng thuốc chống trầm cảm liều cao và kéo dài hàng chục năm. Nếu được điều trị sớm có đến 83% số bệnh nhân tiến triển tốt, trong đó một nửa là hồi phục gần như hoàn toàn. 

Một số nguyên nhân gây ám ảnh cưỡng chế (OCD):

- Hệ thống serotonin: Trong bệnh OCD có sự giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não, đồng thời có sự tăng nhạy cảm đối với serotonin tại các thụ cảm thể của bệnh nhân.

- Gen di truyền: Người ta nhận thấy trong bệnh OCD yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng. Những người họ hàng mức độ một của bệnh nhân (bố mẹ, anh, chị, em, con) cũng có nguy cơ bị bệnh rất cao (khoảng 4 lần) so với những người bình thường. 

- Nhiễm liên cầu khuẩn: Trong một số trường hợp, nhiễm trùng liên cầu khuẩn có thể kích hoạt OCD hoặc làm cho rối loạn này trầm trọng hơn.

Người mắc chứng ám ảnh sợ bẩn có thể có một số triệu chứng và hành vi như: Luôn ám ảnh sợ bẩn hoặc sợ lây bệnh, từ đó liên tục thực hiện các hành vi như rửa tay nhiều lần (thường từ 100 lần trở lên một ngày); Bận tâm quá mức đến trật tự, đối xứng hoặc chính xác. Họ luôn tuân thủ các quy tắc trật tự cứng nhắc, chẳng hạn như đặt quần áo theo thứ tự giống nhau mỗi ngày.

Nếu bạn thấy chính mình hay người thân luôn có những ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức liên tục, nghiêm trọng và gây ảnh hưởng xấu cho cuộc sống hằng ngày thì nên tìm đến chuyên gia về tâm lý tâm thần để được chẩn đoán và hỗ trợ, đừng chỉ nghĩ đó là một tính cách và âm thầm chịu đựng.

Lỡ làm một việc bất cẩn sau khi quan hệ, người vợ trẻ bị ám ảnh dập tắt cảm hứng khi yêu
Ám ảnh về chuyện từng phải thực hiện kế hoạch sinh con khiến người phụ nữ không có cảm hứng khi quan hệ thì cần xử lý như thế nào? Thạc sĩ, bác sĩ...

Quan hệ tình dục

Theo Hải Phong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe tâm thần