Nhìn thấy con trai vừa làm việc vừa chăm sóc mình đến mức không có thời gian ngủ, bà Minh cảm thấy có lỗi vì bản thân trở thành gánh nặng của con.
Con trai phải đổi lịch làm việc để chăm mẹ
Theo các bác sĩ, trầm cảm và suy thận mạn có mối liên hệ với nhau. Trong đó, người bệnh suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo lâu dài phát sinh mặc cảm, suy nghĩ tiêu cực, hệ quả dẫn đến trầm cảm. Mặt khác, trầm cảm gây ra tác động tiêu cực đến tâm trạng, động lực sống, tinh thần chiến đầu chống lại bệnh tật, khiến người bệnh có xu hướng bỏ điều trị hoặc không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, làm bệnh diễn tiến xấu hơn. Bà Hoàng Thị Minh (68 tuổi, ở TP.HCM) là một trong những người bệnh như vậy.
Mỗi tuần, bà Minh phải vào bệnh viện chạy thận 3 lần. Ảnh: BVCC.
Trước đây, vợ chồng bà Minh chỉ sinh được 1 người con trai là anh Tuấn Anh, hiện 40 tuổi, đang làm tại TP.HCM. 3 năm trước, bà được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo để tiếp tục cuộc sống. Để có thời gian đưa mẹ đến bệnh viện chạy thận 3 lần/tuần, anh Tuấn Anh phải xin đổi lịch làm việc ban ngày sang buổi tối. Vì vậy, những ngày bà Minh vào bệnh viện chạy thận, anh sẽ kết thúc ca làm việc ở công ty lúc 6 giờ sáng, sau đó nhanh chóng về nhà đưa mẹ đến bệnh viện cho kịp thời gian chạy thận vào 1 giờ sau. Khi mẹ vào phòng chạy thận, anh tranh tranh ngủ ngồi bên ngoài chờ đón mẹ về.
Nhiều lần nhìn thấy con trai ngủ gà ngủ gật ngoài hành lang bệnh viện vì vừa vất vả làm việc lo cho gia đình vừa phải chăm sóc cho mẹ, bà Minh trở nên ít nói, ít cười, sắc mặt trầm buồn, ủ rũ, mệt mỏi, chán nản, ăn uống kém, cân nặng dần sụt giảm. “Nhiều hôm chạy thận về là mẹ tôi lủi thủi trong phòng, không bước chân ra ngoài. Mẹ ăn uống cũng ít, càng lúc càng gầy đi. Có nhiều lần, mẹ nói vu vơ muốn ngừng điều trị để giải thoát cho tôi”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Trực tiếp điều trị cho bà Minh, BS.CKI Mạch Thị Chúc Linh, Đơn vị Thận nhân tạo, khoa Nội thận – Lọc máu cũng nhận ra dấu hiệu trầm cảm của bà. Bác sĩ Linh đã trao đổi với các bác sĩ nội thần kinh, các chuyên gia tâm lý trong bệnh viện và anh Tuấn Anh phối hợp cùng mình giúp bà Minh có thể thoát trầm cảm, lạc quan hơn để điều trị bệnh.
Từ chối nói chuyện với bác sĩ
Bác sĩ Linh cho biết, thời gian đầu, mỗi khi chị chủ động bắt chuyện, bà Minh có khi chỉ gật đầu hoặc lắc đầu, có khi từ chối nói chuyện. Tuy nhiên, không vì vậy mà nữ bác sĩ khó chịu với bà. Thay vào đó, chị sẽ nhẹ nhàng hơn, hay tranh thủ lúc rảnh việc là đến trò chuyện với bà, cố gắng khơi gợi để bà chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình.
Bà Minh bị trầm cảm vì quá thương con trai. Ảnh minh họa.
Về phần mình, anh Tuấn Anh cố gắng sắp xếp thời gian ăn cơm chung cùng mẹ. Những lúc đi làm, tranh thủ thời gian rảnh anh sẽ nhắn tin, gọi về nói chuyện với mẹ. Những lần hai mẹ con có dịp ở bên nhau, anh nói: “Cả đời mẹ cơ cực vì con rồi, nên giờ mẹ hãy để con chăm sóc mẹ. Con chỉ ước mong mẹ sống thật lâu và sống thật vui, hạnh phúc. Mọi khó khăn con có thể chịu được”.
Dần dần, bà Minh cũng thay đổi. Từ những câu trả lời nhát gừng, bà dần mở lòng, chủ động bắt chuyện với bác sĩ, điều dưỡng khi đến theo dõi sức khỏe cho mình. Bà không còn suy nghĩ muốn bỏ điều trị, bớt cảm thấy bản thân gây phiền toái cho con cái. Bà cũng chịu khó đi dạo, trò chuyện với bạn bè, hàng xóm, các đồng nghiệp. Cuối tuần, bà ra công viên tham gia các câu lạc bộ khiêu vũ dành cho người lớn tuổi.
Bác sĩ Linh cho biết, có lần bà Minh thổ lộ: “Tôi thấy con trai vất vả vì mình nên buồn, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Khi nghĩ kỹ, tôi thấy mình thật ích kỷ với con”. Hiện sức khỏe bà cũng đã ổn định, anh Tuấn Anh cũng rất vui khi bản thân có thể chăm sóc mẹ.
Người lớn tuổi mắc bệnh thường cảm thấy mình là gánh nặng của con cái
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là một rối loạn tâm thần liên quan đến tâm trạng chán nản hoặc mất hứng thú với các hoạt động trong thời gian dài. Liên quan đến việc bệnh nhân chạy thận mắc trầm cảm như bà Minh, bác sĩ Linh cho biết, khi mắc suy thận giai đoạn cuối, hầu hết người bệnh có cảm giác hụt hẫng, sợ điều trị cả đời không khỏi, tốn kém chi phí, ăn uống kiêng khem, phiền người nhà chăm sóc nên chán nản, muốn từ bỏ điều trị…
"Đặc điểm chung của người chạy thận mắc bệnh trầm cảm là có khí sắc trầm buồn, ít nói hoặc sợ giao tiếp với người xung quanh, có xu hướng tự cô lập bản thân, tự ti, mặc cảm và có các suy nghĩ tiêu cực. Điều này càng dễ xảy ra ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi thường phụ thuộc con cái đưa đón đi chạy thận nhưng con cái họ cũng có công việc, cuộc sống, áp lực riêng nên ít có điều kiện lắng nghe, chia sẻ, tâm sự với cha mẹ", bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Linh khuyên người thân của người bệnh suy thận mạn ngoài quan tâm đến sức khỏe thể chất, cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Cần đưa người bệnh đến bệnh viện khám sớm khi xuất hiện các dấu hiệu rối loạn lo lâu như hoảng loạn, sợ hãi, khó ngủ, mất ngủ triền miên, dễ nổi nóng, chán ăn… để có biện pháp hỗ trợ tâm lý phù hợp. Tránh để lâu, rối loạn lo lâu diễn tiến sang trầm cảm, việc điều trị, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường khó khăn hơn.
Ngoài ra, người thân cần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, tâm sự, động viên tinh thần, theo dõi điều trị tại nhà… để giúp người bệnh bớt cảm giác tủi thân, tránh cô lập bản thân và nuôi dưỡng tinh thần sống lạc quan, tăng hiệu quả điều trị trầm cảm.
Về phía người bệnh, bác sĩ Linh khuyến khích chia sẻ những vấn đề sức khỏe, suy nghĩ cá nhân với người thân, bác sĩ, điều dưỡng; tham gia các hoạt động xã hội; tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị… để cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần.