Đến chu kỳ kinh nguyệt chị em gặp phải tình trạng đau đớn, khó chịu thì phải ứng phó ra sao và khi nào được cho là bất thường? Ths.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) sẽ chia sẻ về vấn đề này.
Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Chào bác sĩ!
Tôi 28 tuổi, mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt tôi rất khổ sở vì cảm giác đau bụng, khó chịu vô cùng. Thậm chí, tôi có lần uống cả thuốc giảm đau nhưng không đỡ cơn khó chịu là bao. Bác sĩ có thể chỉ tôi cách giảm khó chịu trong "ngày đèn đỏ" được không?
Hơn nữa, lượng máu kinh của tôi ra thất thường, khi nhiều khi ít chứ không đều như mọi người. Vậy những dấu hiệu nào được coi là bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, cần đi khám thưa bác sĩ?
Xin cảm ơn bác sĩ!
Những vấn đề bạn gặp phải cũng là tình trạng chung của nhiều chị em mỗi khi đến "ngày đèn đỏ".
Đầu tiên là những cách giảm khó chịu trong ngày đèn đỏ, tôi đưa ra cho bạn 3 cách như sau:
- Thứ nhất, chị em nên có kế hoạch cho công việc, sinh hoạt phù hợp trong "ngày đèn đỏ". Bản thân chị em cũng biết trước trong những ngày này mình thường khó chịu nên thu xếp tránh việc nặng nhọc, áp lực, stress. Thực tế, có những tổ chức ưu tiên cho phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt được nghỉ cả ngày để nghỉ ngơi, giảm đau, khó chịu.
- Thứ hai, chị em có thể sinh hoạt tình dục trong những "ngày đèn đỏ". Việc này có thể giúp ra máu kinh nhanh hơn, sạch kinh nhanh hơn, đồng thời trong quá trình quan hệ tình dục sẽ tiết ra chất endorphin giúp phụ nữ đỡ đau hơn.
Việc quan hệ vào "ngày đèn đỏ" nếu chưa quen có thể gây cảm giác khó chịu cho cả nam và nữ, đồng thời, nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn nếu một trong hai người có mầm bệnh.
Do vậy, để an toàn và tạo tâm lý thoải mái, khi "yêu" trong ngày nhạy cảm này tốt nhất nên dùng bao cao su để vừa phòng ngừa lây nhiễm bệnh, vừa tạo cảm giác an toàn. Khi quan hệ cũng không nên thâm nhập quá sâu vì cổ tử cung lúc này rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Trong giai đoạn hành kinh, dù quan hệ vào thời điểm ngày đầu hay cuối của chu kỳ thì việc vệ sinh sạch sẽ sau đó cũng rất quan trọng. Trường hợp có bất cứ dấu hiệu, triệu chứng nào như ngứa rát, đau, mọc mụn hay lở da… nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị.
Quan hệ tình dục trong ngày đèn đỏ cũng là cách giúp giảm khó chịu. Ảnh minh họa.
- Thứ ba, nếu quá khó chịu hay đau bụng khi hành kinh, bạn có thể đi khám để được tư vấn cụ thể, chẳng hạn, bác sĩ có thể sẽ cho dùng thuốc tránh thai để giảm các cảm giác này.
Một số dấu hiệu chị em tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong ngày đèn đỏ là:
- Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe phụ nữ. Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt trong cuộc đời người phụ nữ rất thường gặp và phổ biến. Trong đó dấu hiệu đầu tiên mà các chị em băn khoăn là chậm kinh, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh đẻ. Vì vậy, nếu xuất hiện tình trạng này chị em nên dùng que thử thai để kiểm tra, còn khi rối loạn kinh nguyệt kéo dài thì cần đi khám.
- Lượng máu kinh tăng đột biến: Thông thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ sẽ ra khoảng 35-85ml máu và lượng máu mất đi sẽ nhanh chóng được bù đắp lại. Tuy nhiên, có trường hợp chị em ra máu kinh nhiều phải thay băng vệ sinh liên tục và kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Hiện tượng này khoa học gọi là cường kinh, chị em cần đi khám để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý, tránh tình trạng thiếu máu hay đối mặt với nguy cơ xuất huyết tử cung, ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Ra máu trước nửa tháng: Việc ra máu không đúng ngày cũng hay gặp. Có thể ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục. Những trường hợp này cần đi khám để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý như chửa ngoài tử cung hoặc ung thư tại tử cung.
- Đau bụng kinh dữ dội: Đau bụng kinh nhiều trong "ngày đèn đỏ" sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, thậm chí kiệt sức. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thành tử cung co thắt nhiều.
Nếu gặp triệu chứng đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn, tiêu chảy, toát mồ hôi, choáng váng, cần chú ý. Đây có thể là triệu chứng sớm của các bệnh như u xơ tử cung, viêm vùng chậu, lạc nội mạch tử cung... vì thế chị em cần đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Mọi thắc mắc của bạn độc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3 - 5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |
Tin liên quan
Khi đến ngày “đèn đỏ”, tùy theo cơ địa chị em có thể có dấu hiệu khác nhau, tuy nhiên, nếu thấy đau bụng dữ dội, đau lưng nhiều, kèm theo...
Các món ăn nhiều dầu mỡ và vị ngọt nhân tạo là nguyên nhân khiến nhiều người dễ tăng cân trong dịp Tết. Do đó, việc lựa chọn những thực phẩm...
Những cô gái chưa từng quan hệ có nên đi khám sức khỏe sinh sản trước khi lập gia đình và nếu có thì cần khám những gì? Thắc mắc này sẽ được...
Hiện không ít chị em chủ quan về vấn đề sức khỏe sinh sản, đến khi muốn có con mới đi khám và phát hiện những bất thường, thậm chí vuột mất...
Tin bài cùng chủ đề Kinh nguyệt
Đau bụng kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một nghiên cứu mới cho thấy có khả năng trầm cảm đóng vai trò gây ra chứng đau bụng kinh.