Theo thói quen, các gia đình khi chế biến thịt lợn đa phần là hấp-luộc, nướng hoặc rang để sử dụng, thế nhưng cách làm này chưa tận dụng hết được các hết giá trị dinh dưỡng của thịt lợn.
Thịt lợn là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật phổ biến nhất trên mâm cơm người Việt, đa số khi chế biến mọi người thường quen với các món luộc, rang hoặc nướng. Tuy nhiên, những món ăn này không phát huy được giá trị dinh dưỡng của thịt lợn, thậm chí còn làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Điển hình như món thịt nướng được nhiều người yêu thích, khi chế biến ở nhiệt độ cao sẽ khiến thịt lợn biến chất, sinh ra chất gây ung thư. Đặc biệt, với những người thường xuyên sử dụng thịt nướng thì nguy cơ sẽ cao hơn rất nhiều. Với thịt luộc, dù an toàn hơn thịt nướng, tuy nhiên nếu chỉ chế biến theo cách này thì sẽ gây nên sự nhàm chán khi ăn và không phát huy được hết giá trị của thịt lợn.
Thịt nướng dễ làm biến chất, làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. (Ảnh minh họa)
Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, thịt lợn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và lipid. Mỗi một bộ phận của thịt lợn lại có tác dụng khác nhau và trong đông y đó chính là các vị thuốc bồi bổ cho cơ thể rất tốt.
Ông Sáng lấy ví dụ thịt nạc của lợn trong đông y gọi là trư nhục có vị ngọt, mặn, tính bình; có tác dụng tư âm nhuận táo, dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn, sốt cao, mất nước, ho khan, táo bón, đái tháo đường, suy kiệt thiểu dưỡng.
Hay như bì lợn còn được gọi trư phu được chế biến nướng phồng, sau đó nhúng nước cho mềm và chế biến thành các món ăn, phổ biến nhất là canh bóng. Bóng bì lợn vị ngọt, tính lương; vào thận, phế, có tác dụng nhuận phế, trạch phu (bổ phế dưỡng da), bổ âm. Dùng cho các trường hợp khô rát, bong da, đau sưng họng.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, thay vì nấu thịt lợn một cách đơn thuần, mọi người hãy bớt chút thời gian, chế biến và kết hợp một số thực phẩm, vị thuốc có sẵn để làm những món ăn bổ dưỡng cho cơ thể.
Một số món ăn từ thịt lợn được lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn có thể thực hiện hàng ngày, rất tốt cho sức khỏe như sau:
- Thịt lợn nấu cùng kỷ tử: Chuẩn bị thịt nạc thăn 200g, kỷ tử 15g, đương quy 20g, đại táo 10 quả, cho vào nấu thành canh, nêm nếm gia vị vừa ăn (khi ăn vớt bỏ bã đương quy). Món ăn này giúp bổ âm, bổ huyết, tốt cho trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt, cơ thể suy nhược, huyết hư thiếu máu, người bị bệnh lâu ngày mỏi mệt, gầy yếu.
Có rất nhiều cách chế biến thịt lợn thành món ăn, vị thuốc cực tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
- Canh chân giò: Chân giò 2 cái, mộc thông 21g. Đem mộc thông nấu lấy nước, bỏ bã, nấu với chân giò, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho sản phụ sau đẻ bị tắc sữa, ít sữa.
- Cao bì lợn: Bì lợn 60g, cạo sạch, hơ trên bếp than cho chín phồng, đem nấu thành cao lỏng, cho thêm bột gạo rang và mật nấu sắc thành cao. Ăn khi đói, mỗi lần 1 thìa, ngày 3-4 lần. Món ăn này giúp đẹp da, tốt cho người đau họng, cảm giác nóng sốt, táo bón, kiết lỵ.
- Cháo thịt heo: Thịt nạc 200g, cà rốt 1 củ, khoai tây 1 củ, 100g gạo ngon. Thịt nạc heo xay nhỏ, cà rốt, khoai tây thái hạt lựu. Cho thịt heo, khoai tây, cà rốt vào xào thơm, nên thêm nước, cho gạo vào, nấu thành cháo nhuyễn. Món chào này bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, có thể dùng cho trẻ em, sản phụ sau sinh, người mới ốm dậy… để phục hồi sức khỏe.
Lương y Bùi Đắc Sáng lưu ý, với những người mỡ máu cao, nên ăn thịt nạc ở mức độ vừa phải, không nên ăn thịt kèm mỡ, hạn chế ăn mỡ lợn và bì lợn vì nó có thể làm tăng cholesterol, gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe.