Nấm mỡ là loại nấm ngon và được yêu thích trên toàn thế giới. Nấm mỡ có mùa rất ngắn, mỗi kg có giá 180.000 tới hơn 200.000 đồng nhưng vẫn được nhiều người lùng mua vì độ thơm ngon và giá trị dinh dưỡng đặc biệt.
Có 2.000 loại nấm ăn được, nhưng nấm mỡ là loại nấm được ăn phổ biến nhất trên toàn thế giới, theo một báo cáo tháng 11 năm 2014 trên Tạp chí Nutrition Today. Nhiều người có thể chọn nấm kim châm vì thích hương vị umami của nó, nhưng nấm mỡ cũng ngon không kém và thậm chí còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn.
Nấm là một trong những loại thực phẩm duy nhất có vitamin D tự nhiên - một loại vitamin giúp giữ cho xương và hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh. Nấm cũng giàu chất chống oxy hóa, các hợp chất chống viêm và chống ung thư, giúp bạn tránh các bệnh mãn tính và luôn khỏe mạnh.
Nấm mỡ giàu dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Thành phần dinh dưỡng của nấm mỡ
Nấm mỡ rất giàu dinh dưỡng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một bát nấm mỡ nguyên chiếc chứa:
- 21 calo
- 3g chất đạm (protein)
- 0,3g chất béo
- 3,1g carbohydrate
- 1g chất xơ
- 2,9 mg canxi
- 0,5 mg sắt
- 8,6 mg magie
- 82,6 mg phốt pho
- 305 mg kali
- 8,9 mg selen
- 16,3 mg folate
- 6,7 IU vitamin D
Mặc dù nấm mỡ có rất nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là hàm lượng vitamin D. Không có nhiều thực phẩm chứa lượng vitamin D tự nhiên đáng kể, nhưng theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Chất dinh dưỡng vào tháng 10/2018, nấm có thể tạo ra lượng vitamin D phù hợp về mặt dinh dưỡng khi chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Báo cáo lưu ý rằng vitamin D từ nấm, là vitamin D2, có hiệu quả như vitamin D2 trong các thực phẩm bổ sung giúp nâng cao và duy trì mức vitamin D trong máu. Theo Văn phòng bổ sung chế độ ăn uống của Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), vitamin D giúp bạn hấp thụ canxi, củng cố xương chắc khỏe, đồng thời có thể giảm viêm và tăng cường chức năng miễn dịch.
Nấm mỡ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, có vị thơm ngọt, ăn giòn sần sật đặc trưng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nấm không được trồng dưới ánh sáng có tia cực tím thì không tạo ra vitamin D, vì vậy chúng không phải là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng này. Bạn nên tham khảo bao bì thực phẩm để đảm bảo mình chọn đúng loại nấm.
Lợi ích sức khỏe nấm mỡ
Theo Đông y, nấm mỡ có công dụng bổ tỳ, nhuận phế, hóa đàm, tiêu thực. Đây là thực phẩm thích hợp cho những người chán ăn, mệt mỏi do tỳ vị hư yếu, sản phụ thiếu sữa, người viêm phế quản mạn, viêm gan mạn và mắc hội chứng suy giảm bạch cầu.
Sách Bản thảo cương mục ghi, nấm mỡ có tác dụng ích tràng vị, hóa đàm, lý khí. Sách Y học nhập môn thì cho rằng nấm mỡ có khả năng làm cho tinh thần sảng khoái, kích thích tiêu hóa, cầm tiêu chảy và cầm nôn.
Dược lý học hiện đại khẳng định, nấm mỡ rất giàu đạm, nguyên tố vi lượng và nhiều loại axit amin quý. Nó có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn e.coli. Các nhà khoa học Nhật Bản đã chiết xuất từ nấm mỡ chất PS - K, có công dụng kháng ung thư, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể. Khảo nghiệm trên lâm sàng đối với ung thư vú và ung thư da thấy hiệu quả khá tốt.
Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học cũng nhận thấy việc dùng nấm mỡ làm thức ăn hằng ngày hoặc sắc nước uống có thể trị viêm gan mạn tính và chứng giảm thiểu bạch cầu. Ngoài ra, nấm mỡ còn có giúp giảm đường huyết, hạ nồng độ cholesterol trong huyết thanh và cải thiện chức năng tuyến tụy.
Không chỉ các vitamin và khoáng chất trong nấm mỡ mới mang lại lợi ích. Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa nấm mỡ và lợi ích sức khỏe đến từ các hợp chất khác trong nấm.
Nấm mỡ có mùa vụ khá ngắn - đây cũng là một lý do khiến loại nấm này đắt đỏ. (Ảnh minh họa)
Báo cáo năm 2014 trên Tạp chí Nutrition Today lưu ý rằng nấm mỡ chứa một loại carbohydrate gọi là polysacarit đã được chứng minh là có tác dụng chống khối u hoặc chống ung thư. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng các polysacarit không trực tiếp chống lại các khối u mà thay vào đó, chúng tăng cường hệ thống miễn dịch để cơ thể bạn có thể tự chống lại một cách tự nhiên.
Các tác giả của một nghiên cứu khác đã được công bố trên Tạp chí Thực phẩm Thực vật cho Dinh dưỡng Con người tháng 9/2016 đã đánh giá việc sử dụng nấm mỡ trắng có thể ảnh hưởng tích cực đến những người mắc hội chứng chuyển hóa - tình trạng có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2.
Các nhà nghiên cứu này lưu ý rằng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển này và nấm mỡ trắng có thể góp phần trong đó. Theo báo cáo, nấm mỡ chứa một số hợp chất chống viêm và chống oxy hóa có thể giúp cải thiện sức khỏe ở người lớn dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
3 món dễ làm, ăn ngon và bổ dưỡng từ nấm mỡ
Nấm mỡ xào chay
- Nguyên liệu: Nấm mỡ 100g, hành tây 100g, gia vị, dầu hào, muối, hạt nêm, nước mắm, tỏi băm...
- Cách làm: Nấm mỡ và hành tây rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn rồi phi thơm tỏi, đổ nấm mỡ vào xào qua trước, thêm hành tây rồi xào chín. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Nấm mỡ xào chay hay xào cùng các loại rau, thịt khác đều rất hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Nấm mỡ chiên trứng
- Nguyên liệu: Trứng gà 4 quả, nấm mỡ 200g, dầu ăn, tiêu, muối, mắm...
- Cách làm: Đập trứng vào bát và đánh đều cùng chút mắm, hạt tiêu. Nấm mỡ rửa sạch, thái lát mỏng.
Đun chảo nóng cùng dầu ăn và cho nấm vào xào chín sơ, tiếp đó đổ trứng vào và tráng nhỏ lửa. Đợi trứng chín đều thì lật mặt bên kia rồi múc ra đĩa và ăn nóng.
Nấm mỡ xào thịt bò
- Nguyên liệu: Thịt bò, nấm mỡ, bông cải xanh, ¼ quả ớt chuông, nửa củ hành tây, hành tím, tỏi, gia vị, dầu ăn...
- Cách làm: Rửa sạch thịt bò và ướp cùng gia vị, hạt tiêu, hành tỏi trong 10 phút. Nấm, bông cải trắng, hành tây, ớt chuông rửa sạch rồi cắt miếng vừa ăn.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm hành tỏi và cho thịt bò vào đảo đều 1 phút rồi cho ra đĩa. Thêm chút dầu ăn vào chảo, đổ nấm mỡ, bông cải xanh vào xào chín sơ rồi thêm hành tây cùng gia vị đảo đều. Khi rau củ gần chín, cho thịt bò đã xào vào đảo tiếp cho chín tới rồi đổ ra đĩa, ăn cùng cơm nóng.