Để tiết kiệm thời gian, không ít người có thói quen ăn nhanh, nuốt vội, điều này theo các chuyên gia là không nên vì có thể gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.
Ăn nhanh, nuốt vội là “có tội” với hệ tiêu hóa
Bữa ăn hàng ngày vô cùng quan trọng đối với cơ thể, nó không chỉ là nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu mà còn là thời gian để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, có không ít những thói quen khi ăn uống đang làm hại sức khỏe mà nhiều người không hề hay biết. Trong đó thường gặp nhất là thói quen ăn nhanh, nuốt vội, tranh thủ ăn khi đang làm việc hoặc vừa xem điện thoại, máy tính vừa ăn cơm…
PGS.TS.BS. Hoàng Công Đắc, chuyên gia tiêu hóa, phòng khám theo yêu cầu (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, rất nhiều người dù không bận công việc nhưng trong bữa cơm cũng ăn rất nhanh. “Ăn nhanh với họ đã thành thói quen, thậm chí có người ăn bữa cơm gia đình mà chỉ 10 phút đã xong. Điều này nên tránh vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa”, PGS Đắc nhấn mạnh.
Theo PGS Đắc, việc ăn nhanh khiến thức ăn không được nhai kỹ, dạ dày làm việc vất vả hơn, việc này nếu thành thói quen kéo dài sẽ khiến cho lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, dẫn đến đau dạ dày.
Ăn nhanh, nuốt vội gây áp lực đến hệ tiêu hóa, nhất là dạ dày.
TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho biết một bữa ăn từ khi ăn đến lúc kết thúc trước 20 phút được coi là nhanh. Bởi thời gian 20 phút từ khi bắt đầu ăn thì não bộ mới gửi ra tín hiệu no tới dạ dày, nếu ăn quá nhanh mà não chưa gửi tín hiệu đến dạ dày sẽ khiến cơ thể nạp thức ăn liên tục vào gây ra tình trạng dư thừa năng lượng. Điều này làm gia tăng nguy cơ béo phì, nhất là những người đã ăn nhanh lại chọn những món nhiều dầu mỡ, chiên rán, đồ đóng hộp vì những thực phẩm này giá trị dinh dưỡng ít, chứa nhiều dầu mỡ, muối đường…
Ngoài ra, TS Sơn cũng cảnh báo ăn nhanh, nuốt vội còn làm tăng áp lực với hệ tiêu hóa vì hoạt động nhai khi ăn có vai trò vô cùng quan trọng. Khi nhai kỹ, các thức ăn được nghiền nhỏ trộn với các enzym tiêu hoá để nuốt dễ dàng hơn, từ đó không làm tổn thương ống tiêu hoá.
Đặc biệt, đối với các loại rau củ, hoạt động nhai còn giúp phá vỡ màng bọc cellulose để những phần dinh dưỡng ở bên trong có thể được tiêu hoá và hấp thu.
Bỏ ngay thói quen vừa làm việc, vừa xem điện thoại khi ăn
Ngoài vấn đề ăn nhanh, nuốt vội, một thói quen không tốt nhiều người mắc phải là tranh thủ vừa ăn vừa xem phim, vừa làm việc. TS Trương Hồng Sơn cho biết thói quen gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ này dễ dẫn đến phản ứng đau tức bụng sau khi ăn, nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây bệnh đau dạ dày.
Vừa ăn vừa làm việc sẽ không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể.
Với người lớn, khi vừa ăn vừa làm việc dễ dẫn đến hệ lụy thừa cân hoặc thiếu dinh dưỡng do không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể.
Còn với trẻ nhỏ khi vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại sẽ khiến trẻ ăn trong vô thức, không tập trung khi ăn, không cảm nhận được món ăn ngon có hay không, thời gian bữa ăn kéo dài. Việc mất tập trung trong khi ăn làm giảm tiết axit ở dạ dày nên thức ăn khó tiêu hóa và cơ thể cũng khó hấp thụ dinh dưỡng hơn.
Từ những phân tích trên, TS Trương Hồng Sơn cho rằng hãy từ bỏ thói quen ăn nhanh, nuốt vội và tránh vừa ăn vừa làm việc, xem điện thoại, TV.
"Mọi người hãy tạo thói quen ăn chậm, nhai kỹ, để tận hưởng hương vị của món ăn và cũng tốt cho hệ thống tiêu hóa", TS.BS Sơn chia sẻ.