Trong quá trình mang thai mẹ bầu cần chú ý kiểm soát cân nặng để không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ.
Dưới đây là một số những bệnh lý mà mẹ bầu thường gặp phải và cách khắc phục để có thể đẩy lùi những bệnh đó.
Bệnh tiểu đường thai kỳ
Khi người mẹ ăn quá nhiều trong thai kỳ, đặc biệt là chế độ ăn nhiều đường và tinh bột thì nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ là rất cao. Điều này rất nguy hiểm không chỉ với người mẹ mà cả với thai nhi, vì khi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì đứa trẻ có thể bị hạ đường huyết ngay sau khi sinh.
Nếu chẳng may đã bị tiểu đường thai kỳ, hãy thay đổi chế độ ăn ngay lập tức để cơ thể bạn dần trở về trang thái cân bằng. Chế độ ăn dành cho những thai phụ bị tiêu đường gồm có nhiều rau xanh, các loại thịt chứa nhiều protein, các loại hạt và hoa quả ít đường. Bạn đặc biệt chú ý cần phải tránh xa các loại thực phẩm chứa nhiều đường như kem, bánh kẹo, mía, nước dừa, và chế độ ăn nhiều tinh bột.
Ảnh minh họa.
Bệnh cao huyết áp thai kỳ
Nếu trong thai kỳ của mình, huyết áp của bạn đo được luôn ở trên mức 140/90mmHg, hoặc huyết áp tâm thu tăng lên 30mmHg, huyết áp tâm trương trên mức 15mmHg thì bạn được đánh giá là mắc bệnh cao huyết áp thai kỳ.
Tuy nhiên, việc cao huyết áp trong thai kỳ thường nhẹ và không gây ra nhiều trở ngại về sức khỏe. Điều bạn cần đặc biệt quan tâm là nếu bạn đã bị cao huyết áp trước khi mang thai hoặc ngay từ trước tuần 20 của thai kỳ thì bạn sẽ được đánh giá là bị bệnh cao huyết áp kinh niên. Bệnh này có thể khiến em bé hạn chế phát triển trong tử cung, gây ra nguy cơ tiền sản giật hoặc thai chết lưu.
Những người thừa cân thường dễ bị cao huyết áp hơn so với những người có cân nặng bình thường.
Nếu bị chuẩn đoán là cao huyết áp, bạn cần tuân thủ theo đúng liệu trình và phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Nguy cơ tiền sản giật
Bệnh tiền sản giật được coi là một tình trạng rối loạn phức tạp, có thể dự đoán được thông qua việc xét nghiệm protein trong nước tiểu và tình trạng huyết áp của thai phụ.
Bệnh tiền sản giật có thể gây ra tình trạng tăng mạch máu gây cao huyết áp và tắc nghẽn máu tới các bộ phận khác của cơ thể.
Đây được đánh giá là một những bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ. Nếu gặp tình trạng nặng bạn có thể gặp vấn đề về giọng nói, ngoài ra thai nhi cũng bị chậm phát triển, cạn ối hoặc đứt nhau thai.
Tuy bệnh lý tiền sản giật có thể gặp cả ở những thai phụ có cân nặng bình thường nhưng khoa học chỉ ra rằng những người thừa cân thì sẽ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn.
Vì vậy, nếu phát hiện thấy chân tay sưng phù, đau đầu hoặc đau bụng, nhạy cảm với ánh sáng thì bạn cần đến gặp bác sĩ sản khoa ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việc bổ sung dinh dưỡng để cung cấp cho thai nhi trong quá trình mang bầu là cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần cân bằng chế độ ăn uống và thiết lập cho mình một thực đơn ăn uống lành mạnh để tránh bị tăng cân và mắc các bệnh trong thai kỳ.