Ngày trở về, tôi cứ tưởng được chị dâu bế cháu ra đón nào ngờ mọi thứ đổ sụp ngay trước mắt.
Bố mẹ chỉ sinh được 2 anh em tôi. Khi anh tôi 18 tuổi thì bố mẹ đều qua đời do bị tai nạn giao thông trong 1 lần đi lễ chùa. Kể từ đó, anh trai ra ngoài làm công nhân để nuôi tôi ăn học. Nhiều lúc thấy anh vất vả đêm ngày kiếm tiền, tôi đã muốn nghỉ học đi làm nhưng anh nhất quyết bắt không được bỏ học.
Anh bảo với tôi:
“Anh đã không có điều kiện được đi học thì em phải cố học để cuộc sống có tương lai tốt hơn”.
Biết nhà chỉ có 1 cô em duy nhất nên chị quan tâm và yêu chiều tôi rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Bao năm được anh trai nuôi nấng, đến ngày tôi cũng vào đại học và bước vào năm cuối cùng thời sinh viên. Thời điểm này anh trai lấy vợ. Chị dâu tôi là người làng bên, cách nhà tôi khoảng 7km.
Chị dâu tôi hiền lành và trẻ trung. Biết nhà chỉ có 1 cô em duy nhất nên chị quan tâm và yêu chiều tôi rất nhiều. Ngày nào 2 chị em cũng điện thoại trò chuyện tíu tít. Chị nhắc tôi năm cuối phải học tập nghiêm túc, khi đi thực tập phải chuyên tâm để đạt kết quả tốt. Mọi chuyện ở nhà không phải lo, anh chị sẽ tự khắc lo liệu hết.
Sau đám cưới, vợ chồng chị và tôi đều mong chị mong chóng có bầu. Nhưng không hiểu tại sao anh chị vẫn không thể có con. Đi khám bác sĩ nói vợ chồng chị bị hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Cả hai sức khỏe đều bình thường, không có bất cứ vấn đề gì nên không phải điều trị. Chỉ cần bồi bổ và chú ý lối sống lành mạnh để đậu thai tự nhiên.
Hơn 3 năm sau cưới, chị dâu tôi một ngày cũng thấy người khang khác. Khi thử que phát hiện có bầu anh chị vui lắm. Nghe tin anh chị có tin vui tôi cũng mừng cho 2 người. Do sau ra trường tôi sang Đài Loan làm y tá nên cũng có thu nhập tốt. Tuy ở xa không về nhà được nhưng tôi thường xuyên gửi tiền về cho anh chị tiêu pha, bồi bổ sức khỏe. Vậy mà chị dâu nhất quyết không dùng số tiền này:
“Anh chị đi làm vẫn tự trang trải được và vẫn có tiền bồi bổ mang thai cũng như có tiền đi đẻ, chị sẽ giữ hộ em để mai này cưới chồng có sẵn 1 khoản”.
“Không, số tiền này em cho anh chị, anh chị cứ lấy ra dùng, không phải tiết kiệm cho em”.
Suốt những ngày tháng mang bầu, chị dâu tôi rất khỏe mạnh. Mỗi lần đi khám thai kỳ về chị khoe rối rít, cho tôi xem ảnh siêu âm. Nhất là những tháng cuối thai kỳ, dù có phần mệt mỏi do bị mất ngủ nhưng chị vẫn vui vẻ. Anh chị còn mua sắm hết đồ sơ sinh để khi có dấu hiệu chuyển dạ chuẩn bị đi đẻ chủ động.
Để chị dâu sinh nở an toàn, tôi khuyên anh chị nên lên viện tuyến trung ương, nơi có trang thiết bị hiện đại và bác sĩ tay nghề giỏi để sinh nở nhưng chị dâu gạt đi:
“Không cần thiết phải cầu kỳ vậy đâu em. Phải mẹ bầu nào có tiền sử thai kỳ phức tạp mới cần chọn bệnh viện như vậy. Còn chị thai kỳ khỏe mạnh, lại còn trẻ và được tiên lượng đẻ thường dễ dàng như này nên sinh con ở trạm y tế cũng được. Như vậy anh em đi chăm cũng gần, tiện lợi”.
Những ngày cận kề chị dâu đi đẻ, do tôi tăng ca liên tục, trái múi giờ nên không gọi được thường xuyên. Chị bảo cứ yên tâm làm việc, chị sinh xong mẹ tròn con vuông sẽ gọi thông báo cho.
Ngày chị vào trạm xá sinh con, do chị bị đờ tử cung không có khả năng co bóp, dẫn đến chảy máu liên tục, kèm theo chị rối loạn chảy máu xảy ra khi không đông máu được do bị sốt cao. Vì thế, anh trai tôi vội vàng chuyển viện, đưa chị từ trạm y tế xã lên viện trên thành phố cấp cứu. Do quãng đường quá xa xôi nên việc cấp cứu không được kịp thời. Lên đến viện, các bác sĩ chỉ mổ đưa được thai nhi ra ngoài còn chị dâu tôi sau nhiều nỗ lực của ê kíp vẫn không qua khỏi.
Chị dâu ra đi mãi mãi, để lại đứa con đỏ hỏn mới chào đời cho chồng. Sợ tôi vì tin này mà suy sụp, bỏ dở công việc ở bên Đài Loan chạy về nhà nên anh trai giấu không nói. Mỗi khi tôi gọi điện về cho chị, anh trai toàn nghe máy bảo chị đang bận, lúc cho cháu ăn, lúc tắm giặt, lúc về ngoại… Anh chỉ cho tôi nhìn mặt cháu bé. Thấy cháu ăn ngủ ngon lành trong vòng tay bố, tôi cũng chẳng nghĩ gì, còn nghĩ sau sinh mọi phụ nữ đều bận tối mặt mày vì con.
Vừa rồi sau 1 năm xa nhà, tôi được về phép 2 tuần nên quyết định về nhà thăm cháu mới sinh. Để anh chị bất ngờ nên tôi không nói cho biết.
Khi bước vào cổng nhà, tôi thấy nhà im ắng lạ thường. Tôi còn nghĩ chị dâu đang ở cữ sẽ ôm cháu chạy ra chào đón tôi về trong bất ngờ, nhưng chỉ thấy anh trai ôm cháu chạy ra sân đón mà không thấy chị dâu.
“Chị em đâu rồi anh?”
Anh trai tôi im lặng.
“Chị bị sao rồi mà anh lại như thế”.
Anh trai tôi chỉ vào bàn thờ trong nhà bảo:
“Chị dâu em mất rồi”.
Nghe anh trai nói mà tai tôi ù đi, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hóa ra chị mất vì bị băng huyết trong khi sinh mà anh không cho tôi biết. Bảo sao sau khi chị sinh tôi chưa bao giờ được trực tiếp nói chuyện với chị cả.
Lúc đưa tôi ra mộ chị ở nghĩa trang, anh trai bảo:
“Em đi lâu quá chị dâu không đợi được”.
Đúng là cửa sinh là cửa tử, chẳng biết thế nào nói trước. Thương chị dâu quá. (Ảnh minh họa)
Thương chị dâu mà giờ tôi chỉ biết ngồi bên mộ chị khóc. Đúng là cửa sinh là cửa tử, chẳng biết thế nào nói trước. Trước khi chuyển dạ, chị dâu tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, chỉ vì bị đờ tử cung, băng huyết sau sinh không cấp cứu kịp thời, chị tôi đã phải ra đi. Thương chị quá, cả đời hiền lành, yêu thương chồng và em chồng. Tôi và anh trai sẽ thay chị chăm sóc chu đáo cho đứa con bé bỏng này.
Băng huyết sau sinh - “Thủ phạm” gây tử vong hàng đầu ở sản phụ
Băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhiều sản phụ trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình có hơn 14 triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị hiện tượng băng huyết sau sinh thường/mổ vào mỗi năm. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 3% – 8%.
Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh
Có 3 giai đoạn chính của quá trình chuyển dạ gồm: cổ tử cung xóa mở, sổ thai và sổ nhau - cầm máu.
Tử cung sẽ co hồi lại sau khi sổ thai để giảm thể tích. Nhau thai không có tính đàn hồi nên khi tử cung thu nhỏ sẽ làm cho nhau tróc ra một phần khỏi vị trí bám. Từ nơi nhau bám máu sẽ chảy ra tạo thành khối máu tụ sau nhau và làm cho nhau tiếp tục bong ra. Nhau sẽ từ từ được tống ra ngoài thông qua các cơn co của tử cung.
Cơ thế thông thường là sau giai đoạn sổ nhau, tiến trình co thắt của tử cung sẽ bắt đầu, các sợi cơ đan chéo của tử cung co rút ngắn lại sẽ siết các mạch máu của cung tại vị trí nhau bám kết hợp với cơ chế đông máu bình thường của cơ thể để tạo thành các cục máu đông ở mạch máu giúp nhưng chảy máu.
Băng huyết sẽ xảy ra khi tử cung không co hồi được hoặc nhau không tróc và không sổ ra ngoài.
Nguyên nhân gây nên băng huyết sau sinh sẽ bao gồm:
Đờ tử cung
Tình trạng tử cung không có khả năng co bóp, dẫn đến chảy máu liên tục. Việc mô nhau thai còn sót lại và nhiễm trùng sẽ làm tăng nguy cơ gây đờ tử cung. Đờ tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất của băng huyết sau sinh.
Tổn thương đường sinh dục
Tổn thương ống sinh bao gồm tử cung, cổ tử cung, âm đạo và tầng sinh môn có thể xảy ra ngay cả khi quá trình sinh nở được theo dõi đúng cách.
Bất thường bánh nhau
Các trường hợp nhau bám thấp, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo đều có thể gây băng huyết sau sinh. Bên cạnh đó, bánh nhau có diện tích lớn khi bong ra cũng sẽ khiến máu chảy nhiều gây băng huyết sau sinh.
Huyết khối
Rối loạn chảy máu xảy ra khi không đông được máu. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm béo phì, sốt khi mang thai, chảy máu trước khi sinh và bệnh tim.