Với quan điểm cổ hủ, rất nhiều người cho rằng những mẹ đẻ mổ là những người “không biết đẻ”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đẻ mổ lại đem đến cho người mẹ rất nhiều nỗi khổ mà chỉ những ai đã trải qua mới có thể thấu hiểu.
Thông thường, đẻ mổ thường được coi là biện pháp cuối cùng, khi mẹ không thể sinh con bằng phương pháp tự nhiên. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đẻ mổ, chẳng hạn như thai quá to, mẹ quá yếu không đủ sức đẻ thường…Thế nhưng, dù là nguyên nhân gì đi nữa, thì việc thực hiện đẻ mổ cũng đem đến rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của mẹ.
Những cơn đau kéo dài
Đẻ mổ dù khiến quá trình sinh diễn ra nhanh chóng hơn, thì lại khiến thời gian hồi phục kéo dài hơn.
Những ngày đầu tiên sau khi mổ, các cơn đau từ vết mổ sẽ xuất hiện rất rõ ràng. Sự khó chịu ở vùng bụng vẫn còn có thể kéo dài đến ít nhất là hết tuần đầu tiên và thậm chí là vài tháng sau khi mổ với khoảng 1 trong số 10 mẹ.
Mất máu nhiều
Việc sinh mổ khiến người mẹ mất rất nhiều máu, không chỉ trong quá trình sinh con mà còn cả trong chu kì kinh nguyệt. Việc mất máu nhiều bất thường trong chu kì kinh nguyệt sau khi sinh mổ có thể khiến cơ thể người mẹ suy nhược trầm trọng. Vì thế, khi mất máu quá nhiều, người mẹ cần được truyền máu ngay lập tức để đảm bảo sức khỏe.
Nguy cơ nhiễm trùng cao
Trung bình, cứ 12 người phụ nữ thì có 1 người bị nhiễm trùng vết mổ sau khi sinh. Vì thế, trước khi bắt đầu mổ sinh, mẹ thường phải sử dụng một liều kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Có 3 loại nhiễm trùng phổ biến mẹ cần chú ý đó là:
Nhiễm trùng ở vết mổ: Các dấu hiệu nhận biết đó là tấy đỏ, rỉ mủ, chảy nước ở vết mổ hay vết thương bị há miệng. Đặc biệt, các mẹ bị bệnh tiểu đường, béo phì hoặc thừa cân sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn bình thường.
Nhiễm trùng màng trong dạ con: hay còn gọi là viêm nội mạc tử cung. Những triệu chứng của tình trạng này là chảy máu nhiều, chảy máu bất thường trong hoặc ngoài chu kì kinh, tiết dịch có mùi hoặc sốt sau khi sinh.
Nhiễm trùng đường tiểu sau khi đặt ống thông tiểu: Ống thông tiểu thường được đặt vào cơ thể mẹ trong suốt quá trình mổ và trong vòng 12 tiếng sau khi mổ để hỗ trợ người mẹ đưa nước thải ra ngoài. Nhiễm trùng đường tiểu cũng là một biến chứng thường gặp của việc sinh mổ. Dấu hiệu của tình trạng này là cơn đau dưới vùng bụng hoặc háng, sốt cao kèm cảm giác ớn lạnh và choáng váng.
Nguy cơ đến từ những cục máu đông
Các cuộc phẫu thuật đều gia tăng nguy cơ hình thành máu đông trong cơ thể. Máu đông có thể rất nguy hiểm, tùy thuộc vào nơi chúng trú ngụ. Nếu máu đông xuất hiện ở trong phổi sẽ gây nghẽn mạch phổi, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Các dấu hiệu mẹ cần chú ý đó là những cơn ho, hoặc hụt hơi, cơn đau hoặc sưng ở bắp chân. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu như mẹ nhận thấy một trong những dấu hiệu trên sau khi sinh mổ.
Để phòng ngừa tình trạng này ở các mẹ sau sinh, đặc biệt là các mẹ sinh mổ, các nhân viên y tế sẽ sử dụng các biện pháp như kê đơn thuốc chống đông máu, hoặc yêu cầu mẹ sử dụng tất áp lực để tăng tuần hoàn máu ở chân. Các mẹ thường sẽ được khuyến khích vận động đơn giản bằng việc đi lại sau khi sinh mổ để tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ hình thành máu đông.
Những cơn đau đầu khủng khiếp
Hầu hết các ca sinh đều được thực hiện với gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống để làm giảm cơn đau của mẹ. Hai biện pháp gây tê này an toàn hơn nhiều so với các biện pháp gây tê thông thường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quá trình gây tê này không có bất kì hệ lụy nào khác.
Các hậu quả của việc gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống các mẹ có thể gặp phải như những cơn đau đầu khủng khiếp, với tỉ lệ gặp phải là 0,2 – 1%. Đặc biệt, nếu mẹ đã sử dụng từ hai hình thức gây tê khi sinh trở lên sẽ có nguy cơ gặp phải cao hơn so với những người chỉ dùng một hình thức gây tê.
Nhìn chung, mặc dù đây là phương pháp có thể đảm bảo an toàn hơn cho con khi sinh, cũng như đảm bảo sự an toàn tính mạng cho cả mẹ lẫn con trong một số trường hợp đặc biệt, thì sinh mổ cũng sẽ đem lại cho mẹ rất nhiều “nỗi khổ” cũng như các nguy cơ lớn đối với sức khỏe của mẹ.