Rất nhiều chị em bầu không dám đến bệnh viện hay phòng khám vì sợ mắc bệnh truyền nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều phụ nữ đang mang thai sống trong lo lắng, có những chị em còn không dám đến bệnh viện hay phòng khám vì sợ mắc bệnh truyền nhiễm.
Bà bầu đứng ngồi không yên vì dịch bệnh
Chúng tôi gặp chị Bùi Thu Hương trú ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội tại khoa sản Bệnh viện E. Chị Hương cho biết chị mang thai được 32 tuần. Đến gần ngày sinh nhưng chị vẫn lo ngáy ngáy vì sợ mình mắc sởi, sốt xuất huyết hay tay chân miệng khi mùa dịch đang sát sườn. Hơn một tháng nay, ngày nào đến viện chị Hương cũng nhờ em gái đi cùng để hỗ trợ lấy số và đặt sổ. Khi nào bác sĩ gọi đến tên mình chị mới lò dò ở ngoài vào. Nhiều lần, chị đặt hẹn khám bác sĩ vào 9h tối, khi đó đã hết bệnh nhân.
Lý do khiến chị Hương kỹ tính vì chị đã hai lần bị sảy thai, lần này chị cẩn thận tuyệt đối. Nhớ lại lần đầu có thai, chị Hương phải bỏ con vì nhiễm rubella. Ngay sau đó, chị chủ quan vì nghĩ rằng mình đã bị rubella nên không tiêm phòng. Khi đến dịch sởi, chị và chồng mất ăn, mất ngủ. Dịch sởi tạm ổn, chị lại lo mình bị tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em nhưng có thể lây cả sang người lớn. Điều này khiến chị Vũ Bích Ngọc ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội đang có bầu 16 tuần không dám bước ra khỏi nhà. Chị Ngọc kể từ đầu tháng tư đến nay, tầm nhìn xa của chị không quá khu chung cư chị đang sống. Chị lo lắng nhất là mắc bệnh sởi. Gần đây, có nhiều thông tin về dịch tay chân miệng, chị Ngọc băn khoăn không biết phụ nữ có thai có nguy cơ mắc tay chân miệng hay không.
Câu hỏi phụ nữ mang thai có sợ mắc bệnh tay chân miệng hay không được rất nhiều bà bầu hỏi. Chị Ngọc kể ngày nào đi khám thai chị cũng được bác sĩ dặn dò cẩn thận không mắc bệnh truyền nhiễm.
Bà bầu có thể truyền dịch tay chân miệng cho em bé. (ảnh minh họa)
Theo Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng về lý thuyết, phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị bệnh tay chân miệng và đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa lây truyền.
Nhiễm vi rút đường ruột và bệnh tay chân miệng rất hay gặp ở phụ nữ mang thai vì họ thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh. Chúng có thể gây bệnh nhẹ hoặc không gây bệnh ở phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ truyền bệnh cho em bé
Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm vi rút đường ruột, trong đó có vi rút gây bệnh tay chân miệng ở bà mẹ, có liên quan đến hậu quả bất lợi đặc biệt của thai kỳ (như phá thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh). Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho em bé nếu họ bị nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh đẻ hoặc có các triệu chứng tại thời điểm sinh.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút đường ruột có bệnh nhẹ, hiếm khi có tiến triển thành nhiễm trùng nặng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan, tim và tử vong do nhiễm trùng.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.
Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
- Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;
- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh;
- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn;
- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;
- Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho;
- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách;
- Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.