Theo bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương), 3 tháng đầu là giai đoạn quyết định cho thai nhi có phát triển tốt được về sau này hay không, do đó các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Vũ Quang (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) |
Mang thai 3 tháng đầu nên kiêng gì là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu, đặc biệt là những người mang thai lần đầu. Khi vừa phát hiện que thử thai hiện lên hai vạch, mẹ sẽ nhận được vô số lời khuyên từ người thân, bạn bè về việc kiêng cái này cái kia. Vậy nhưng kiêng khem như thế nào cho đúng, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé? Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương sẽ giải đáp vấn đề này.
Mang thai 3 tháng đầu kiêng ăn gì?
Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu cần thường xuyên cung cấp các dưỡng chất thiết yếu để thai nhi phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào mẹ bầu cũng có thể sử dụng trong giai đoạn “nhạy cảm” này.
Theo quan niệm của các mẹ bầu ngày xưa và cả ngày nay đều cho rằng trong 3 tháng đầu cần kiêng ăn rau ngót, rau ngải cứu, dứa,...
Giải đáp về vấn đề này, bác sĩ Trần Vũ Quang cho biết: “3 tháng đầu là giai đoạn quyết định cho thai nhi có phát triển tốt được về sau này hay không. Do đó, nên cung cấp đầy đủ các nguồn dinh dưỡng khác nhau từ đạm, lipit và khoáng chất, vitamin; tránh đồ cay nóng, những đồ kích thích như hải sản, và những đồ gây dị ứng cao thì nên hạn chế hoàn toàn.
Mẹ bầu lưu ý chỉ ăn những loại thực phẩm đảm bảo an toàn, đã được nấu chín. (Ảnh minh họa)
Quan trọng nữa là tránh để gây ra tình trạng dị tật, dọa sảy thì chỉ ăn uống những thực phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với rau ngót, rau ngải cứu thì thực tế cũng chưa thấy một nghiên cứu nào chỉ ra bên trong có những thành phần nào nguy hiểm cả.
Tuy nhiên, đối với những thực phẩm nào dễ gây ra tình trạng kích ứng như ngải cứu cũng là loại rau có mùi dễ gây kích ứng mạnh thì 3 tháng đầu là cực kì nhạy cảm, có những thành phần không hề tốt cho thai nhi nên không nên ăn.”
Bác sĩ cũng khuyên các bà bầu tuyệt đối không ăn các loại thịt, cá tái, sống, các thực phẩm quá hạn sử dụng, chưa qua tiệt trùng bởi chúng có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
Mang thai 3 tháng đầu có cần kiêng "chuyện ấy" không?
Hầu hết các mẹ bầu đều chia sẻ rằng họ “cấm vận” chồng tuyệt đối trong 3 tháng đầu mang thai. Tuy nhiên, bác sĩ Quang cho rằng: “Chỉ những người có tiền sử sảy thai, dọa đẻ non hoặc đang trong tình trạng dọa sảy, đau bụng thì cần kiêng tuyệt đối. Còn nếu hoàn toàn bình thường thì trong quan hệ vợ chồng cần cẩn thận, nhẹ nhàng, thì cũng không ảnh hưởng gì đến vấn đề của thai.”
Ba tháng đầu là thời điểm thai nhi bắt đầu hình thành. Vì vậy, việc “yêu” của các thai phụ cần có một số lưu ý để luôn an toàn cho bé mà vợ chồng vẫn thăng hoa. Hai vợ chồng nên quan hệ nhẹ nhàng, tránh thô bạo; cũng như không nên quan hệ quá lâu.
Theo khuyến cáo của bác sĩ thì chỉ có một số trường hợp đặc biệt chị em nên kiêng quan hệ trong ba tháng đầu thai kì như: Có tiền sử sảy thai hoặc có nguy cơ sảy thai, âm đạo chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc nổi mẩn, đau bụng hoặc bị chuột rút, cổ tử cung không vững chắc, mang song thai hoặc đa thai, có nhau thai thấp (nhau tiền đạo).
Nếu thai kỳ không có nguy cơ gì thì mẹ không nhất thiết cần kiêng chuyện "chăn gối". (Ảnh minh họa)
Những hành động nên kiêng trong 3 tháng đầu
Bên cạnh việc ăn uống hay chuyện "chăn gối", bác sĩ Quang cũng cho biết mẹ bầu 3 tháng đầu nên hạn chế các hành động dưới đây:
- Leo trèo, bê vác vật nặng để tránh làm ảnh hưởng tới thai nhi.
- Cúi gập người lên xuống để tránh tình trạng bị hoa mắt, chóng mặt do hiện tượng máu tụ lên não.
- Ngồi bắt chéo chân để tránh tình trạng máu khó lưu thông xuống chân, gây tê chân. Bên cạnh đó, bắt chéo chân thường xuyên và quá lâu khi mang thai còn có thể làm giãn tĩnh mạch.
- Đứng quá lâu một tư thế hay đứng lên, ngồi xuống đột ngột.
- Tiếp xúc với các hóa chất độc hại như: Thuốc xịt muỗi, thuốc đuổi côn trùng, hóa chất làm đẹp, hóa chất tẩy rửa,…
“Để chuẩn bị cho một thai kì tốt cần khám tiền sản trước đó cho cả vợ lẫn chồng để sàng lọc những dị tật về nhiễm sắc thể hoặc sàng lọc những bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con hoặc những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Đặc biệt, là tiêm vắc xin đầy đủ trước khi quyết định mang thai. Và có một chế định dinh dưỡng cũng như tập luyện hợp lý để chuẩn bị cho lần thai kì được tốt nhất", bác sĩ Quang chia sẻ.