TS.BS Bùi Chí Thương là chuyên gia về sản phụ khoa của Bệnh viện Đại Học Y Dược và Bệnh viện Từ Dũ, là bác sĩ giỏi, có nhiều năm công tác.
Giữa nhưng những tranh cãi về chuyện nên hay không nên cổ vũ thai sản thuận tự nhiên, TS-BS Bùi Chí Thương – chuyên gia về sản phụ khoa, người đã có thâm niên 20 năm trải nghiệm y khoa, đỡ đẻ và phẫu thuật cho rất nhiều sản phụ sinh khó được “mẹ tròn con vuông” cũng đã lên tiếng về quan điểm của mình trên facebook cá nhân một cách dí dỏm hài hước, nhận được sự ủng hộ lớn của cư dân mạng.
Bác sĩ Bùi Chí Thương viết:
“Từ lúc khai thiên lập địa, con người xuất hiện thì họ cũng sinh đẻ theo tự nhiên, nghĩa là họ đẻ ở nhà, may mắn đẻ dễ dàng, em bé khỏe mạnh, mẹ an toàn. Còn những trường hợp sinh khó thì mẹ và con đều tử vong, thì lúc đó được cho là số mệnh vậy thôi. Mà nói thật, lúc đó khoa học chưa phát triển, nhận thức chỉ tới đó nên việc sinh đẻ thuận theo tự nhiên là hoàn toàn phù hợp
Trong 1-2 thế kỷ gần đây, khoa học kỹ thuật phát triển nên người ta nhìn lại: nếu theo tự nhiên thì cũng được, nhưng tỷ lệ tử vong mẹ-con theo kiểu hên xui này cao quá, không thể chấp nhận, nên mới tuyên truyền mọi người nên đến cơ sở y tế để khám thai và sinh nở.
Bác sĩ Bùi Chí Thương trong một ca mổ lấy thai cho sản phụ với bức ảnh từng gây bão mạng: Em bé sơ sinh ra đời giơ cao hai tay "chào thế giới".
Vậy sinh đẻ tại nhà thuận theo tự nhiên có ưu và nhược điểm gì?
ƯU ĐIỂM:
1. Có lẽ "ưu điểm" duy nhất là gió mát trăng thanh, hương đồng gió nội thân thiện môi trường.
2. Đỡ chi phí do cắt rốn bằng cây tre, cây nứa, miễng đít chén, dao phay.
NHƯỢC ĐIỂM:
1. Tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản như: viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng tầng sinh môn.
2. Tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn và uốn ván rốn do vi khuẩn uốn ván núp lùm trong dao hay vật dụng gỉ sét sẵn sàng gây chiến.
3. Tăng nguy cơ băng huyết sau sinh do đờ tử cung hay sót nhau.
4. Tăng nguy cơ rách tầng sinh môn phức tạp, vì lúc đó rặn em bé không đúng có thể rách nát cửa mình, rách qua hậu môn giống như hố bom, may phục hồi khó khăn, có thể để lại di chứng són phân hay rò âm đạo trực tràng sau này.
5. Tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường hay lây nhiễm bệnh cho người xung quanh nếu lỡ bánh nhau có mang mầm bệnh trong bào thai mà không được xử lý rác y tế phù hợp.
6. Tăng nguy cơ tử vong nếu gặp ca "xương xẩu" như - ngôi ngược: lúc đó kẹt đầu em bé gây ngạt - ngôi ngang: rặn hoài không ra gây vỡ tử cung hay sa dây rốn - nhau tiền đạo: chảy máu nhiều gây tử vong ngay mà không kịp ngáp.
... và còn vô số nguy cơ nữa.
Phong trào sống thuận theo tự nhiên: như đẻ ở nhà, không thèm tiêm vaccine, không thèm "đói ăn rau, đau uống thuốc" có khắp thế giới, kể cả Mỹ, Úc chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng nói thật, sống theo tự nhiên thì cũng được nếu ai muốn mình và con mình sống sót theo kiểu hên xui, bệnh tật rình rập, tuổi thọ ngắn lại, thì cứ áp dụng.
Riêng tôi với thâm niên 20 năm trải nghiệm y khoa, chứng kiến biết bao bệnh tật hiểm nghèo, mảnh đời oan trái, những cuộc sinh ly tử biệt, thì đừng có mơ mà kêu tôi làm theo kiểu đó.