Bác sĩ Trần Văn Phúc: "Sinh con tại nhà không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sống"

Ngày 15/03/2018 00:53 AM (GMT+7)

Tháng 2 năm 2014, Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu với cỡ mẫu đủ lớn, lên tới 10.453.778 trường hợp bà mẹ sinh con tại Mỹ, phát hiện ra rằng trẻ sinh tại nhà có tỉ lệ tử vong gấp 4 lần sinh ở bệnh viện.

Trong suốt lịch sử loài người, phụ nữ luôn sinh con tại nơi họ ở, với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thích.

Sự chuyển hướng sinh con ở bệnh viện chỉ mới bắt đầu từ thế kỉ 18.

Cho đến những năm 1950, thì việc sinh con ở nhà giảm đi nhanh chóng, mặc dù hệ thống y tế và pháp luật ở các nước Âu – Mỹ vẫn chấp nhận, nhưng kèm theo đó là những tiêu chuẩn và khuyến cáo rất khắt khe.

Nước Anh năm 1959 có 34% phụ nữ đẻ con tại nhà, nhưng đến năm 2010 đã rút xuống còn 2,7%. Cùng thời điểm, Scotland chiếm tỉ lệ 2% và Bắc Ailen là 0,4%.

New York là thủ đô tiêu dùng số một của thế giới. Người dân sống ở đây có thể mua bất cứ thứ gì và người bán hàng có thể chuyển đến tận cửa bất cứ lúc nào. Họ có thể cắt tóc trong phòng khách, uống sâm banh với trứng cá muối, thưởng thức mát xa Shiatsu của Nhật Bản ở trên giường, hoặc mời một thầy bói người Việt Nam đến xem tiền vận và hậu vận.

Bác sĩ Trần Văn Phúc: amp;#34;Sinh con tại nhà không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sốngamp;#34; - 1

Cuộc khủng hoảng bà đỡ đã khiến tỉ lệ sinh con tại nhà ở New York giảm đáng kể. (Ảnh minh họa)

Nhưng có một thứ mà New York không có sẵn để giao hàng cho những cư dân sống trong đô thị lớn nhất thế giới này. Đó là một bà mụ để phụ nữ được sinh con tại nhà.

Lí do để thành phố nổi tiếng là tiện nghi với 8 triệu dân, nhưng lại không có nổi một bà mụ đỡ đẻ di động là bởi bệnh viện sản phụ khoa St Vincent là nơi duy nhất được cấp giấy phép hành nghề cho loại hình này, thì nó lại bị đóng cửa vào ngày 30/4/2010 vì lí do phá sản.

Cuộc khủng hoảng bà đỡ đã làm cho New York chỉ có 0,48% phụ nữ chọn cách sinh ở nhà, một số tiểu bang còn giảm xuống đến con số 0,1%, trong khi cả nước Mỹ tỉ lệ này chưa đến 1%.

Sinh con tại nhà: nên hay không nên?

Câu chuyện vượt cạn tại nhà của người phụ nữ có tên là Karen King, sống ở hạt Hertfordshire giáp phía nam thủ đô London của nước Anh, sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi rất thú vị ấy .

“Tôi đau lắm!”

Karen khóc. Từ sâu thẳm trong lòng, cùng với khuôn mặt méo mó và cơ thể vặn vẹo, cô cất lên những tiếng kêu rạn vỡ. Bà đỡ đã có mặt, nhưng cũng chỉ biết an ủi cô chịu đau và bình tĩnh.

Karen cố suy nghĩ, rằng mọi chuyện sẽ ổn. Chỉ một vài ngày nữa, em bé của vợ chồng cô sẽ được ngủ trong những chiếc giỏ hoa. Người chồng ngồi ngay bên cạnh. Anh vuốt tóc và thì thầm vào tai vợ: “Em yêu, nếu có thể anh sẽ đổi chỗ cho em và chịu hết mọi đau đớn”.

Karen rên rỉ: “Tôi đang nghĩ cái quái gì nhỉ? Tôi chỉ muốn được gây tê, hoặc được mổ lấy thai ngay lập tức”. Bà đỡ và chồng cô không nghĩ đó là câu nói nghiêm túc, bởi gây tê hay mổ đẻ là tình huống cấp cứu chỉ có thể thực hiện được ở bệnh viện.

Thời gian ngắn ngủi giữa những cơn đau, Karen lại cảm thấy dễ chịu; cô vẫn hướng dẫn chồng đi lấy thuốc, chuẩn bị sẵn cái khăn hay chiếc đệm. Trong nhà bếp, rượu sâm banh và bánh Pate đã được làm mát bằng tủ lạnh. Trên gác, nến thơm bao quanh giường, sẵn sàng đón nhận một gia đình hạnh phúc trọn vẹn lần đầu tiên cuộn tròn lấy nhau.

Đúng 1 tuần trước đó, Karen khẳng định rất rõ lí do tại sao cô lại chọn cách sinh con ở nhà: “Chúng tôi không phải là những người theo chủ nghĩa Hippie, tức là từ bỏ cách sống tiêu dùng của xã hội công nghiệp, để quay về với cuộc sống thiên nhiên.

Nhưng tôi mang thai bình thường. Bản thân tôi không bị bệnh, con tôi cũng khỏe mạnh. Vậy tại sao tôi phải vào bệnh viện, nơi mà tôi không quen thuộc, nơi mà tôi không được chăm sóc liên tục và có nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác như tụ cầu khuẩn Staphylococcus Aureus kháng Methicillin và cúm lợn?”

Karen nói thêm: “Điều tốt nhất là, ngay sau khi sinh tại nhà, tôi có thể tắm trong phòng tắm của riêng tôi, sau đó đi vào giường của tôi với đứa con tôi vừa sinh”.

Bà mụ cùng chồng giúp đỡ Karen nằm chổng mông trên chiếc ghế sofa, một chân treo trên chiếc đệm, chân kia để dưới nền nhà. “Bằng sự trung thực nhất có thể, hãy tự nói với bản thân mình, rằng tôi không căng thẳng và đang thư giãn vào lúc này” – tranh thủ giữa những cơn đau, bà mụ hướng dẫn Karen – “Và hãy hình dung, nếu bạn đang ở trong bệnh viện, sẽ có tiếng máy kêu bíp bíp, có những người lạ mặt, điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn rất nhiều.”

Sau 3 tiếng đồng hồ chật vật cùng chồng và bà đỡ, Karen sẵn sàng từ bỏ. Cô khẩn thiết cầu xin: “Tôi không thể tiếp tục chịu đựng nỗi đau này. Tôi xin lỗi, xin lỗi tất cả mọi người, nhưng tôi không nghĩ tôi sẽ làm được điều đó, tôi muốn đến bệnh viện để tiêm thuốc ngay bây giờ hơn là đẻ ở nhà.”

“Cô có thực sự muốn điều đó? Tại sao cô không nghe nhạc?” – câu hỏi của bà đỡ thay cho cách giải thích, đó có thể là sự bình tĩnh, hoặc không muốn chấp nhận sự thất bại.

Bác sĩ Trần Văn Phúc: amp;#34;Sinh con tại nhà không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sốngamp;#34; - 2

Đẻ tại nhà đôi khi có những nguy cơ mà bà đỡ cũng không xử lý được. (Ảnh minh họa)

Karen không còn hơi sức để tranh luận. Và họ đi đến thỏa hiệp: nếu sau 2 giờ nữa mà em bé không chịu ra, thì Karen sẽ được đưa đến bệnh viện.

Thật may mắn, ngay sau đó Karen được nhận thêm sự trợ giúp của 2 nữ hộ sinh, với đầy đủ thuốc men và máy hỗ trợ giảm đau.

“Bây giờ chúng ta có thể hát một bài” – sau khi tiêm thuốc giảm đau, bà đỡ động viên Karen cố gắng đẻ bằng một câu nói hài hước. Karen chỉ biết gầm gừ trong cổ họng với lời đề nghị ấy. Còn chồng cô chỉ biết cúi mặt xuống để che giấu một nụ cười.

Vào lúc 2 giờ 40 phút, gần như chính xác là sau 4 tiếng đồng hồ kể từ khi gọi bà đỡ, Karen nhổm người lên từ ghế sofa, giống hệt như nữ thần Gaia. Cô dạng rộng hai chân, ngồi xổm và hất mặt lên phía cao. Có một sự im lặng đột ngột trong căn phòng. Tất cả tập trung vào Karen, trong khi cô ấy toàn tâm toàn lực rặn và chống lại những cơn đau.

Lúc 3 giờ 12 phút, đầu em bé xuất hiện. Ngồi phủ phục bên cạnh, chồng Karen lấy tay xoa nhẹ hai bên đùi vợ, xoa cả lên vai và trán. “Này, em yêu! Xin chào, thật tuyệt!” – chồng cô òa khóc.

Cùng trên một chiếc ghế Sofa, có một ông bố và một bà mẹ mới, trông họ giống hệt những đứa trẻ con. Họ vui sướng, ngạc nhiên và kinh ngạc. “Ôi trời ơi,” – Karen thở hắt ra – “Tôi không nghĩ tôi có thể làm được điều đó. Xin chào, em bé xin chào! Mama đây con! Baba đây con!”.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Một tiếng sau khi sinh, bánh rau vẫn chưa chịu bong. Bà đỡ đã tiêm thuốc tăng co bóp tử cung nhưng không hiệu quả. Em bé đang bình thản bú mẹ. Nhưng bầu không khí đã thay đổi, mọi người không còn vui vẻ như khi em mới được sinh ra.

Cuối cùng, thêm 1 tiếng đồng hồ nữa, những nữ hộ sinh đã từ bỏ hi vọng. Họ hối hả gọi xe cứu thương và nhân viên y tế. Karen cố gắng chịu đựng những cơn đau, nhưng càng chịu đựng nó càng đau khủng khiếp, cô chỉ muốn được gây tê ngay lập tức.

Đúng 17 phút sau, xe cứu thương xuất hiện. Cửa trước nhà được mở, một luồng không khí lạnh toát cùng các nhân viên y tế ập vào. Họ ngay lập tức kiểm soát tình hình.

Karen phải giao em bé cho đội cấp cứu. Trong trường hợp này, cả bố và mẹ không được phép tiếp cận, cũng không được phép vận chuyển cấp cứu cùng nhau. Vì thế mà có một cuộc hoảng loạn thứ hai xảy ra.

Em bé đột ngột ngừng thở.

Trong phòng khách, ông bố trẻ đứng câm lặng nhìn chằm chằm vào đứa con gái đang chuyển dần sang màu xanh tím trên chiếc ghế sofa trước mặt anh. Đội cấp cứu nhanh chóng hồi sức cho em bé, họ quan tâm đến từng chi tiết màu sắc thay đổi trên khuôn mặt.

Một xe cứu thương thứ 2 được gọi, em bé vừa sinh đang trong tình trạng rất nguy hiểm, cần phải được cấp cứu và chăm sóc ở bệnh viện. Một nữ nhân viên y tế kéo bố của em bé ra ngoài, khéo léo giải thích tình trạng, nhưng không dám đề cập trực tiếp đến sự nguy hiểm cũng như khả năng an toàn cho cả mẹ và con.

Xe cứu thương lao đi trong đêm. Người bố trẻ cố gắng dán chặt đôi mắt vào đứa con gái của mình, trong một bó nhỏ, được bọc bằng chiếc chăn màu đỏ dày.

Chỉ còn lại một mình, người chồng chờ đợi một chiếc xe cứu thương thứ 3 đến đón anh. Chờ đợi và chờ đợi. Cho đến khi xe cứu thương đến, cửa xe chưa kịp mở, anh đã vội lao ra với những bước chạy vội vã.

Sinh con luôn là kẻ giết người số một với những phụ nữ khỏe mạnh

Philip Steer, giáo sư danh dự chuyên ngành phụ sản của trường Quốc học Imperial College London, người đã trợ giúp cho hơn 8.000 ca sinh nở và cố vấn cho Ủy ban Y tế Nicholas Winterton khi tiến hành điều tra sâu về các dịch vụ chăm sóc thai sản vào năm 1992; ông nhấn mạnh bản thân không phải là người chống lại phong trào sinh đẻ tự tại nhà. Nhưng ông thừa nhận cảm thấy thất vọng khi có những nhóm phụ nữ nói rằng hầu hết phụ nhữ nên sinh theo cách thuận tự nhiên.

Bác sĩ Trần Văn Phúc: amp;#34;Sinh con tại nhà không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sốngamp;#34; - 3

Quyết định sinh con tại nhà là hoàn toàn liều lĩnh, gây ra sự chậm trễ cho cơ hội được cứu sống khi xảy ra tai biến. (Ảnh minh họa)

Sự ra đời của một đứa trẻ không hề đơn giản như nhiều lời tuyên bố. Giáo sư Steer lập luận: “Trong hơn nửa triệu năm qua, xương chậu của phụ nữ đã nhỏ đi nhiều để thích ứng với dáng đi thẳng. Cùng với đó là trí tuệ phát triển, làm cho cái đầu trước kia bé thì nay to ra. Ở một số nước nghèo như châu Phi, sản phụ và thai nhi đã bị chết vì đầu thai tắc nghẽn khi phải sinh theo cách tự nhiên, ví dụ như ở Nigeria”.

Đồng ý rằng, mọi cặp vợ chồng đều có quyền quyết định việc sinh con ở đâu và cách sinh như thế nào. Nhưng rõ ràng, quyết định sinh con tại nhà là hoàn toàn liều lĩnh, gây ra sự chậm trễ cho cơ hội được cứu sống khi xảy ra tai biến.

Giáo sư Steer khẳng định, những phụ nữ đẻ con tại nhà đã phát sinh rất nhiều tình huống bất ngờ so với sinh ở bệnh viện. Theo ông, khoảng một nửa phụ nữ ở Anh sẽ hoặc có phát triển một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, như tăng huyết áp, tiểu đường, vì thế mà sinh đẻ ở bệnh viện cần phải được khuyến khích. Trong 50% còn lại, thì sẽ có tới một nửa phát sinh vấn đề trong và sau quá trình chuyển dạ, ngay cả khi cuộc đẻ đã kết thúc tốt đẹp, thì sau đó vẫn phải vận chyển cấp cứu đến bệnh viện Đó là một quyết định hoàn toàn liều lĩnh, gây ra sự chậm trễ cho cơ hội được cứu sống khi xảy ra tai biến.

Năm 2003, mẫu giấy khai sinh của Hoa Kỳ đã được điều chỉnh, theo đó giấy khai sinh phải ghi nơi sinh và người đỡ đẻ. Điều đó giúp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC tiến hành nghiên cứu, so sánh tỉ lệ trẻ tử vong khi sinh tại nhà và tại bệnh viện.

Số liệu được CDC thu tập từ năm 2008 đến năm 2012, được công bố vào năm 2013; theo đó tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong do các bà đỡ tại nhà gấp 3,5 lần so với đẻ tại bệnh viện. Riêng tiểu bang Oregon, số liệu thống kê năm 2012 cho thấy tỉ lệ tử vong sinh tại nhà tăng cao đột biến gấp 8 lần.

Tháng 2 năm 2014, Tạp chí Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu với cỡ mẫu đủ lớn, lên tới 10.453.778 trường hợp bà mẹ sinh con tại Mỹ, phát hiện ra rằng trẻ sinh tại nhà có tỉ lệ tử vong gấp 4 lần sinh ở bệnh viện.

Hiệp hội Phụ nữ Tự do của Bắc Mỹ thực hiện nghiên cứu độc lập, kết quả cho thấy trẻ sinh ở nhà chết gấp 5,5 lần so với số trẻ sơ sinh chết tại bệnh viện.

Còn có nhiều những biến chứng khác với trẻ sinh tại nhà mà các nghiên cứu đã chỉ ra:

- Afgar 0 điểm trong 5 phút gấp 10 lần.

- Thiếu Oxy gây thiếu máu não cục bộ tăng gấp 17 lần.

- Mắc chứng động kinh tăng gấp 3 lần.

Dựa trên hàng loạt những nghiên cứu uy tín, mùa hè năm 2010, tạp chí The Lancet đăng tải một bài xã luận vang dội khắp thế giới, cung cấp những bằng chứng mạnh mẽ về việc sinh con tại nhà có hại cho trẻ sơ sinh. Bài báo một lần nữa khẳng định: “Phụ nữ có quyền lựa chọn cách thức sinh con và chọn nơi sinh con, nhưng họ không có quyền đặt đứa con của họ vào nơi báo trước sự nguy hiểm”.

Hầu hết các chuyên gia y khoa đều cho rằng sinh tại nhà là nguy hiểm và vô trách nhiệm. Một số người cho rằng hành động đó là liều lĩnh, mà bản chất của nó là ngược đãi trẻ em. Sự can thiệp của y học hiện đại là cần thiết, nó an toàn cho các bà mẹ nhất là những người có nguy cơ, thời gian phục hồi ngắn, giảm tỉ lệ xuất huyết, khắc phục tình trạng rách tử cung âm đạo, giảm nhiễm trùng.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến phản đối từ chính cộng đồng y khoa. Ví dụ như bà Annie Francis, một nữ hộ sinh độc lập, bà cho rằng bức tranh tổng thể là đáng xấu hổ, đang có một “âm mưu toàn cầu chống lại phụ nữ sinh tại nhà”.

Cộng đồng nữ hộ sinh cũng có những phản ứng, như bà Cathy Warwick, Tổng Thư kí của Đại học Nữ hộ sinh Hoàng gia Anh, đã tố cáo những nghiên cứu được công bố là “thiếu sót”, đó là “những cố gắng có chủ ý nhằm phá hoại sinh đẻ tự nhiên”.

Ở Mỹ cũng vậy. Một số nhà chính trị cao cấp của thành phố New York, trong đó có Scott Stringer là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Manhattan. Ông nói: “Mỗi năm có khoảng 600 phụ nữ ở thành phố này sinh con, trong số đó có những phụ nữ muốn sinh con ở nhà, việc lấy đi quyền lựa chọn của họ thật là điều đáng xấu hổ”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc: amp;#34;Sinh con tại nhà không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sốngamp;#34; - 4

Sinh con tại nhà còn được cho là hành động xâm phạm quyền trẻ em. (Ảnh minh họa)

Trở lại với câu chuyện của Karen, sau một cuộc vượt cạn kinh hoàng, nhưng cô và chồng vẫn không hối tiếc về quyết định của họ. Karen nói: “Ít nhất chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm những gì đã có, cho chúng tôi, cho một đứa trẻ được ra đời hoàn hảo. Mặc dù mọi chuyện đã xảy ra, nhưng sau khi kết thúc ở bệnh viện, thì tôi vẫn muốn cố gắng để có thêm một lần sinh ở nhà nữa”.

Tâm sự của Karen, nó phản ánh một thực tế mà cộng đồng y khoa rất đáng phải suy ngẫm. Năm 1992, một cuộc khảo sát của Ủy ban Thai sản phát hiện rằng, có tới 72% phụ nữ muốn tìm một nơi sinh đẻ khác thay cho bệnh viện. Trong số đó, có 44% quan tâm đến việc sinh đẻ tại nhà.

Cá nhân tôi cho rằng, sinh con tại nhà trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam là không phù hợp. Điều đó không nên được khuyến khích, thậm chí có thể áp dụng những chế tài cấm hỗ trợ sinh sản, giống như Hungaria đang làm, để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là tính mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Sau câu chuyện của bà mẹ Hưng Yên tự đỡ đẻ tại nhà, tôi hi vọng mỗi bà mẹ sẽ có kiến thức để thực hiện quyền lựa chọn nơi sinh và cách thức sinh con. Nhưng điều tôi muốn cảnh báo, rằng cho đến khi nền văn hóa của chúng ta học được cách đối mặt với cái chết một cách chủ động, thì ở thời điểm hiện tại cách sinh ấy không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sống.

Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh bằng kết luận của CDC: “Sinh đẻ với một bà mụ tại nhà đã giết chết những đứa trẻ sơ sinh. Đã đến lúc những người Mỹ ủng hộ sinh đẻ theo phương pháp tự nhiên phải ngừng nói về sự an toàn và phải bắt đầu làm một điều gì đó để giảm bớt số ca tử vong có thể tránh được”.

TỔNG HỢP TỪ CÁC TÀI LIỆU

1. Amelia Hill. Home birth: 'What the hell was I thinking?'. The Guardian. First published on Sat 16 Apr 2011 00.04 BST.

2. Amos Grunebaum, Kate Sapra, Frank Chervenak. Term neonatal deaths resulting from home births: an increasing trend. American Jounal of Obstetrics Gynecology. January 2014 Volume 210, Issue 1, Supplement, Page S38.

3. Amos Grünebaum, MD, Laurence B. McCullough, PhD, Katherine J. Sapra, MPH, Robert L. Brent, MD, PhD, DSc (Hon), Malcolm I. Levene, MD, FRCP, FRCPH, FMedSc, Birgit Arabin, MD, Frank A. Chervenak, MD. Apgar score of 0 at 5 minutes and neonatal seizures or serious neurologic dysfunction in relation to birth setting. American Jounal of Obstetrics Gynecology. October 2013Volume 209, Issue 4, Pages 323.e1–323.e6.

4. Amy Tuteur. Homebirth midwives reveal death rate 450% higher than hospital birth, announce that it shows homebirth is safe. MANA Home Birth Births 2004-2009 January 30, 2014.

5. Amy Tuteur. New CDC statistics, same old increased homebirth death rate. January 22, 2013.

6. Editorial. Home birth—proceed with caution. The Lancet. Volume 376, No. 9738, p303, 31 July 2010

7. Shane Wasden, Jeffrey Perlman, Stephen Chasen, Heather Lipkind. Home birth and risk of neonatal hypoxic ischemic encephalopathy. American Jounal of Obstetrics Gynecology. January 2014Volume 210, Issue 1, Supplement, Page S251.

8. Yvonne W. Cheng, MD, PhD, Jonathan M. Snowden, PhD, Tekoa L. King, CNM, MPH, Aaron B. Caughey, MD, PhD. Selected perinatal outcomes associated with planned home births in the United States. American Jounal of Obstetrics Gynecology. October 2013Volume 209, Issue 4, Pages 325.e1–325.e8.

Bác sĩ Trần Văn Phúc: amp;#34;Sinh con tại nhà không giúp chúng ta nắm lấy được cuộc sốngamp;#34; - 5

Bác sĩ Trần Văn Phúc đang khám bệnh cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Văn Phúc hiện công tác tại bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Anh là người đặc biệt trăn trở về mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ trong thời đại này, và các câu hỏi của xã hội về vấn đề "y đức".

Xác định danh tính, địa chỉ của hai mẹ con tử vong vì sinh con thuận tự nhiên tại nhà
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định mẹ con sản phụ tử vong vì sinh con theo phương pháp "thuận tự nhiên" ở Thành phố Hồ Chí Minh.
BS. Trần Văn Phúc (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ Trần Văn Phúc