Bất đồng nhóm máu với mẹ, bé sơ sinh phải thay máu: Mẹ bầu nên làm xét nghiệm gì để phòng tránh?

Thảo Nguyên - Ngày 10/08/2023 15:23 PM (GMT+7)

Bất đồng nhóm máu mẹ con là hiện tượng nhóm máu của thai không tương thích với nhóm máu người mẹ.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ đã tiếp nhận một bé gái sơ sinh 2 ngày tuổi, nặng 3,5 kg bị vàng da, thở co lõm ngực do mang máu nhóm A bất đồng với nhóm máu O của mẹ, có nguy cơ tử vong. 

Theo đó, các bác sĩ đã ghi nhận chỉ số bilirubin máu (một loại sắc tố mật có màu vàng do quá trình phá vỡ tự nhiên của hồng cầu sản sinh ra) của bé tăng cao. Bác sĩ chẩn đoán bé bị vàng da sơ sinh tán huyết do bất đồng nhóm máu ABO với mẹ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Bất đồng nhóm máu mẹ con là hiện tượng nhóm máu của thai không tương thích với nhóm máu người mẹ. Trong đó, bất đồng nhóm máu ABO thường gặp ở bà mẹ có nhóm máu O và trẻ có nhóm A hoặc B.

Nhiều bé bị vàng da sơ sinh tán huyết do bất đồng nhóm máu ABO với mẹ. (Ảnh minh họa)

Nhiều bé bị vàng da sơ sinh tán huyết do bất đồng nhóm máu ABO với mẹ. (Ảnh minh họa)

Được biết kháng thể 7S-IgG gây thiếu máu khiến bé bị vàng da nặng và nếu không được điều trị, lượng bilirubin tiếp tục tăng cao, ngấm vào máu não gây nhiễm độc não, dẫn đến biến chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí có thể tử vong.

Do đó, các bác sĩ thay máu toàn phần với lượng tương đối lớn, khoảng 560ml và được chiếu đèn vàng da liên tục, dùng thuốc kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch. Sau 16 ngày điều trị, tình trạng của bé cải thiện, ổn định sức khỏe, đã xuất viện.

Chia sẻ về trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con kể trên, Ths. Bác sĩ Châu Văn Nhịnh - Giảng viên Bộ môn Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM chỉ rõ nguyên nhân gây bất đồng nhóm máu ABO và Rh giữa mẹ và thai nhi là do mẹ bầu và thai nhi có nhóm máu khác nhau.

“Nhóm máu ABO được xác định bằng các kháng thể và kháng nguyên trên bề mặt tế bào máu. Trong khi nhóm máu Rh được xác định bằng sự có hay không có kháng thể và kháng nguyên Rh trên bề mặt tế bào máu.

Nếu mẹ bầu có nhóm máu khác với nhóm máu của thai nhi, cơ thể của mẹ bầu sẽ sản xuất kháng thể chống lại tế bào máu của thai nhi, gây ra sự rối loạn miễn dịch. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho thai nhi, bao gồm suy dinh dưỡng, thiếu máu, suy thận và tử vong thai nhi.

Nếu mẹ bầu có nhóm máu Rh âm và thai nhi có nhóm máu Rh dương, có thể xảy ra hiện tượng rối loạn miễn dịch Rh, gây ra các vấn đề sức khỏe cho thai nhi như bệnh hemolytic, suy dinh dưỡng, suy thận và tử vong thai nhi”, bác sĩ Nhịnh nói.

Nguyên nhân gây bất đồng nhóm máu ABO và Rh giữa mẹ và thai nhi là do mẹ bầu và thai nhi có nhóm máu khác nhau nên phải thăm khám cẩn thận trước và trong khi mang bầu. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây bất đồng nhóm máu ABO và Rh giữa mẹ và thai nhi là do mẹ bầu và thai nhi có nhóm máu khác nhau nên phải thăm khám cẩn thận trước và trong khi mang bầu. (Ảnh minh họa)

Khi bị bất đồng nhóm máu mẹ con, mẹ bầu có thể phải đối mặt với những nguy cơ nguy hiểm sau:

- Tình trạng huyết tán trong tử cung: Khi xảy ra trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con hệ ABO, đồng kháng thể trong nhóm máu O của người mẹ chiếm ưu thế có thể xuyên qua nhau thai và gây ra tình trạng huyết tán trong tử cung.

- Tình trạng sảy thai: Khi xảy ra trường hợp bất đồng nhóm máu hệ Rh, đối với lần đầu mang thai, hầu hết trẻ được sinh ra đều khỏe mạnh và bình thường vì lúc này bất đồng nhóm máu hệ Rh chưa gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi máu của người mẹ tiếp xúc với máu của thai nhi trong lúc chuyển dạ thì sẽ bắt đầu sản xuất kháng thể để chống lại yếu tố Rh. Hoặc trong quá trình mang thai, nếu người mẹ bị chấn thương, chảy máu trong bụng, khi đó, máu của người mẹ và thai nhi hòa lẫn vào nhau, cơ thể người mẹ bị kích thích để tạo ra kháng thể chống Rh, gây sảy thai.

- Vàng da, suy gan, suy tim ở trẻ sơ sinh: Bất đồng nhóm máu mẹ con hệ Rh sẽ nguy hiểm hơn đối với lần mang thai tiếp theo. Khi cơ thể người mẹ đã tạo kháng thể chống lại yếu tố Rh trong máu của con, nếu trẻ có nhóm máu Rh(+), cơ thể người mẹ tiếp tục sản xuất lượng lớn kháng thể có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu của thai nhi, gây ra bệnh thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh. Bệnh này khiến trẻ sinh ra bị vàng da, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy gan hoặc suy tim.

Tuy nhiên theo bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa này, hiện nay đã có các biện pháp phòng ngừa và điều trị để giảm thiểu nguy cơ này, bao gồm kiểm tra nhóm máu của mẹ bầu và thai nhi, tiêm phòng và truyền máu cẩn thận. Trong đó, việc theo dõi kỹ càng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị khi cần thiết là rất quan trọng.

Bà bầu cần làm xét nghiệm gì để phòng tránh bất đồng nhóm máu?

“Khi mang thai, mẹ bầu cần làm các xét nghiệm nhóm máu và thử Rh (Rh factor) trong thai kỳ đầu tiên để xác định nhóm máu và Rh của mẹ. Nếu mẹ có nhóm máu Rh âm (Rh-) và cha đứa bé có nhóm máu Rh dương (Rh+) thì có thể xảy ra hiện tượng bất đồng nhóm máu khi máu của thai nhi lọt vào hệ thống tuần hoàn của mẹ. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho thai nhi và cần được phòng ngừa.

Nếu xét nghiệm cho thấy mẹ bầu có Rh âm, bác sĩ sẽ khuyên mẹ tiêm thuốc kháng thể Rh trong thai kỳ để ngăn chặn sự phát triển của kháng thể Rh trong cơ thể của mẹ và giảm nguy cơ bất đồng nhóm máu”, bác sĩ Nhịnh khẳng định.

Ths. Bác sĩ Châu Văn Nhịnh - Giảng viên Bộ môn Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM. (Ảnh: )

Ths. Bác sĩ Châu Văn Nhịnh - Giảng viên Bộ môn Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM. (Ảnh: )

Bác sĩ Nhịnh cũng khuyên các mẹ bầu:

- Thực hiện xét nghiệm nhóm máu trước khi mang thai: Điều này giúp phát hiện sớm các trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con và đưa ra các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

- Tránh việc tiêm thuốc Anti –D: Đối với các trường hợp bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con, bác sĩ sẽ tiêm thuốc Anti - D để ngăn ngừa việc mẹ tạo ra kháng thể đối với nhóm máu của con. Tuy nhiên, tiêm thuốc này cũng có thể gây tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều hoặc không đúng cách.

- Điều trị các bệnh lý liên quan đến bất đồng nhóm máu: Nếu mẹ và con có bất đồng nhóm máu gây ra những vấn đề sức khỏe khác nhau, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể.

- Theo dõi thai kỳ: Các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ trong suốt quá trình mang thai.

Bất đồng nhóm máu với mẹ, bé sơ sinh phải thay máu: Mẹ bầu nên làm xét nghiệm gì để phòng tránh? - 4

Tại sao mũi tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh lại quan trọng?
Viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao, truyền từ người này sang người khác qua máu hoặc dịch cơ thể. Nếu một bà mẹ tương lai mang virus viêm gan B, thì có nguy cơ cao lây truyền sang con trong khi sinh...

Lịch tiêm chủng

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Nhiều cặp đôi mong có con và khi việc thụ thai có thể không như mong muốn, họ lo lắng về vấn đề vô sinh nhưng lại chần chừ về thời điểm đi...

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết