Mụn trứng cá, sạm da, rạn da... là vấn đề phổ biến khi mang thai khiến nhiều mẹ tự ti.
Trong quá trình mang thai, nội tiết tố hooc môn thay đổi làm cho bà bầu dễ mắc một số bệnh ngoài da như mụn trứng cá, nổi mề đay hay rạn da... gây cảm giác khó chịu, thậm chí còn khiến các mẹ tự ti không muốn đứng trước đám đông. Tin đáng buồn là những triệu chứng về da này khá phổ biến và mẹ bầu khó có thể chữa trị khỏi ngay. Không còn cách nào khác là chị em phải "sống chung với lũ". Những triệu chứng này sẽ mất đi sau khi mẹ sinh nở.
Mụn trứng cá
Hầu hết phụ nữ đều bị mọc mụn trứng cá trong thời gian mang thai và thường mọc ở mặt, lưng và ngực. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết tố gây ra, trong đó có thể do dùng thuốc tránh thai nội tiết tố trước khi quyết định có thai trở lại. Nếu có quá nhiều mụn và gây phát ban chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Vàng da
Xuất hiện ở một số phụ nữ mang thai vào 3 tháng cuối kèm ngứa toàn thân, ngứa ở ngực và hai chi trên, không đau, không buồn nôn. Sau đẻ khoảng 15 ngày, vàng da biến mất. Nếu vàng da xảy ra mỗi lần có thai hoặc thứ phát do bất thường về enzim thì có thể có nguồn gốc gia đình, trong trường hợp này thai có nguy cơ sinh non nhưng hiếm khi chết trong tử cung.
Mụn trứng cá, sạm da, rạn da... là vấn đề phổ biến khi mang thai khiến nhiều mẹ tự ti. (ảnh minh họa)
Giãn tĩnh mạch hình mạng nhện
Đây là hiện tượng những đường tĩnh mạch nhỏ xuất hiện ở chân, mặt hay các vùng da khác trên cơ thể. Nguyên nhân là do thay đổi lượng hormone trong thai kỳ và sự gia tăng vận chuyển máu sẽ gây áp lực lên thành mạch máu, khiến các mạch máu dưới da bị sưng nhẹ, nổi lên trên bề mặt của da. Hiện tượng này hơi mất thẩm mỹ với chị em nhưng nó vô hại và sẽ biến mất sau khi sinh.
Vết rạn da
Theo các chuyên gia thai sản thì có đến gần 90% phụ nữ bị rạn da khi mang thai. Các vết rạn nhiều nhất là ở bụng vì trong suốt thai kỳ phải thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, ngực, đùi, mông cũng bị rạn nhưng ít hơn bụng. Những vết rạn da là do các sợi đàn hồi collagen và elastin không đáp ứng kịp thời việc tăng kích thước của bụng và mông nên xảy ra tình trạng đứt, gãy các mô liên kết của da, để lại những vết sẹo màu trắng hoặc nâu.
Da sẫm màu ở ngực và bụng
Những hạt nhỏ có tên là hạt Montgomery thực chất là những tuyến bã quanh đầu vú. Những tuyến này to lên hay tăng thể tích khi có thai, tạo nên những hạt có bề mặt tròn nhô lên trên bề mặt da sẫm màu. Vì thế quầng vú cũng như đường giữa đi từ rốn đến xương vệ trở nên sẫm màu hơn khi có thai.
Phần da ở bụng chịu nhiều tổn thương nhất khi mang thai. (ảnh minh họa)
Sạm da
Nhiều phụ nữ cảm thấy mình như mang mặt nạ vì những thay đổi khi mang thai. Có khi phù nề nhưng nhiều nhất vẫn là sạm da do xuất hiện của các vết da sẫm màu hoặc nâu chủ yếu ở trên trán, má, thái dương. Bạn có thể dùng kem chống nắng trong thời gian này để hạn chế điều đó.
Ngứa
Chứng bệnh phổ biến của phụ nữ mang thai mà nguyên nhân chính là do sự giãn da quá mức và sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Thông thường, nhiều người bị ngứa ở bụng, đùi, ngực và đôi khi ngứa cả ở cơ quan sinh dục. Nhưng nếu ngứa quá nhiều được hãy hỏi ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý uống thuốc.
Mề đay
Thường xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ với các biểu hiện sẩn phù liên kết thành mảng rộng ở vùng bụng dưới, lan ra mông, bẹn, đùi, chân, tay. Phần trên ngực, mặt và niêm mạc hoàn toàn bình thường. Bệnh chỉ thấy ở lần có thai đầu tiên. Nhiều nghiên cứu cho thấy sẩn mề đay do thai nghén có liên quan đến tình trạng quá cân của người mẹ. Bệnh hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi.