Bị xuống máu khi mang thai có đáng lo?

Ngày 09/05/2017 16:50 PM (GMT+7)

Sưng phù (còn gọi là xuống máu chân) là hiện tượng khá phổ biến khi mang bầu những tháng cuối nhưng đây cũng là dấu hiệu sớm báo mẹ có thể bị chứng tiền sản giật vô cùng nguy hiểm.

Sự thay đổi của các hormone khi mang bầu sẽ khiên cơ thể người phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi và đôi khi những sự thay đổi này lại khiến chị em khó chịu đặc biệt là hiện tượng sưng phù chân (xuống máu chân) phổ biến ở 3 tháng cuối.

Sưng phù chân (xuống máu chân) là một hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai nhưng cũng gây không ít khó khăn, bất tiện cho các bà mẹ. Ngoài ra, sưng phù còn có thể là dấu hiệu sớm của chứng tiền sản giật, một hội chứng cao huyết áp trong thai kỳ và rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Theo số liệu thống kê, có đến 75% phụ nữ khi mang thai, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ, bị phù chân. Và tùy theo độ lớn của thai, vị trí thai và cơ địa của sản phụ mà biểu hiện phù nhiều hay ít, sớm hay muộn và nặng hay nhẹ. Tuy đó là hiện tượng khá phổ biến khi mang thai của các mẹ ở giai đoạn cuối nhưng vẫn không ít các mẹ không khỏi băn khoăn về nguyên nhân từ đâu lại có hiện tượng này và liệu có nguy hiểm không?

Bị xuống máu khi mang thai có đáng lo? - 1

Sưng phù chân tay khi mang bầu là hiện tượng khá phổ biến ở 3 tháng cuối thai kỳ. (ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây phù chân ở bà bầu

Theo các chuyên gia, bàn chân là nơi thường bị sưng phù nhất vì chân ở khá xa trái tim, máu từ các động mạch quay trở lại tim cũng mất thời gian lâu nhất, dẫn đến tích tụ chất lỏng ở phần chân quá mức, hệ quả là xuất hiện chứng phù nề.

Phụ nữ có thai bị phù nề bởi 2 yếu tố chính là sự cản trở máu trở về tim do có thai, càng về những tháng cuối thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim được. 

Một yếu tố khác cũng khá quan trọng đó là sự rối loạn của các nội tiết tố trong thời kỳ mang thai cũng làm giãn thành tĩnh mạch, góp phần vào sự ứ trệ tuần hoàn và làm máu về tim khó khăn hơn.

Hai yếu tố này làm máu ứ trệ trong lòng của tĩnh mạch chân, tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch và thoát dịch ra ngoài gây phù. Nếu không được điều trị kịp thời càng gần đến ngày sinh thai phụ càng bị phù nhiều hơn và các van tĩnh mạch cũng như hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giãn ra và không hồi phục ngay cả sau khi sinh.

Bị xuống máu khi mang thai có đáng lo? - 2

Bàn chân là nơi thường bị sưng phù nhất vì chân ở khá xa trái tim. (ảnh minh họa)

Phòng ngừa phù nề khi mang bầu bằng cách nào?

Hạn chế thời gian đứng

Nếu công việc yêu cầu bạn phải đứng nhiều, đến cuối ngày, mẹ bầu có thể thấy mắt cá và chân lớn hơn so với lúc vừa ngủ dậy. Kết quả này là do lượng chất lỏng trong cơ thể được sản sinh ra nhiều hơn, để chuẩn bị cho quá trình lâm bồn. Khi đứng nhiều, nước sẽ dồn xuống chân.

Thêm vào đó, thai nhi đang lớn dần lên khiến cho việc lưu thông chất lỏng trong cơ thể không còn linh hoạt như trước kia. Do vậy, hạn chế áp lực dồn xuống mắt cá và chân là cách hữu hiệu giảm tình trạng phù nề.

Mẹ bầu hạn chế đứng quá lâu, chọn đôi giày đế mềm nếu bắt buộc phải đứng. Khi có thể, hãy nằm và gác chân lên cao hơn để máu và chất lỏng trong cơ thể được điều hòa đều đặn.

Uống nhiều nước hơn

Có thể mẹ bầu ngạc nhiên về lời khuyên này bởi lẽ khi cơ thể thừa lượng nước khiến phù chân. Trên thực tế, việc uống nhiều nước hơn giúp cơ thể đào thải được lượng nước dư thừa khi chưa cần thiết để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn. Vậy nên, hiện tượng xuống máu chân sẽ giảm bớt.

Mẹ bầu cần lưu ý lượng nước uống mỗi ngày để phù hợp với tình trạng thực tế của mình ví như vẫn bị nôn ói vì ghén, trong ngày mùa Hè nắng nóng hoặc đang trong chế độ tập luyện, mắc chứng đổ mồ hôi nhiều...

Bị xuống máu khi mang thai có đáng lo? - 3

Khi ngồi, nằm, phụ nữ mang thai nên kê chân lên cao. (ảnh minh họa)

Điều chỉnh chế độ ăn

Khi chế độ ăn của bạn quá nhiều muối, hiện tượng phù nề chân càng trở nên trầm trọng hơn. Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Hoa Kỳ, mỗi ngày chỉ nên bổ sung 1 thìa muối, tương đương với khoảng 6gr muối hoặc 2400mg natri. Cần hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều muối, như đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, cháo súp đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, mẹ bầu chú trọng đảm bảo cung cấp nguồn đạm cho cơ thể. Trong chế độ ăn mỗi ngày cần cung cấp đầy đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao, chẳng hạn như thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các thực phẩm động vật và các loại đậu…

Việc thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới phù. Do đó, để phòng tránh thiếu sắt, mẹ bầu nên chú ý ăn gan động vật từ 2 – 3 lần/ tuần để bổ sung sắt.

Phong Thư (Theo Boldsky)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh vùng kín khi mang thai