Bà mẹ người Úc đã rất vất vả để có được đứa con đầu lòng nhưng không ngờ phương pháp hỗ trợ sinh sản đơn giản lại giúp mình mang thai lần 2.
Đối với những người phụ nữ muộn con, những lần IVF liên tục thất bại chắc hẳn là tổn thương lớn nhất về cả sức khỏe và tinh thần. Vậy mà bà mẹ Marissa Laslett (sống tại Adelaide, Úc) đã phải trải qua tới 18 lần IVF mà chỉ có một lần duy nhất thành công. Đáng buồn hơn là sau quá nhiều mất mát về kinh tế, tinh thần, sức khỏe, cô mới biết mình hoàn toàn có thể có con nhờ một phương pháp đơn giản hơn rất nhiều.
Marissa bắt đầu kế hoạch sinh con ở tuổi 28 nhưng cô và chồng lại gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên. Hai lần mang thai thành công thì đều sảy sớm. Vì vậy, cô phải nhờ cậy đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Để có con, vợ chồng Marissa đã trải qua 18 lần IVF.
Sau 10 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), Marissa mới sinh được con gái đầu lòng tên Eliza. Sau đó, vì muốn sinh con thứ 2 nên vợ chồng cô lại chi tiền làm tiếp 8 lần IVF nữa. Nhưng đáng tiếc thay, tiền bạc, công sức, thời gian bỏ ra đều không mang đến "tin vui".
Lúc này, vì khao khát có con nên vợ chồng Marissa quyết định đổi sang một chuyên gia điều trị khác. Thay vì IVF, vị bác sĩ mới chỉ đề xuất Marissa thực hiện kích thích buồng trứng bằng cách uống và tiêm thuốc kích trứng. Đây là một trong những phương pháp điều trị hiếm muộn đơn giản nhất mà bà mẹ nào cũng trải qua, khi không thành mới chuyển sang IUI hay IVF.
Sau 10 lần IVF, vợ chồng cô có con gái đầu lòng.
Và thật bất ngờ, chỉ trong vòng 4 tháng, Marissa đã đậu thai. Cô sinh con trai thứ 2 suôn sẻ rồi lại mang bầu tiếp lần 3 sau đó không lâu.
Tính đến thời điểm trước khi mang thai đứa con thứ 2, Marissa đã trải qua 300 mũi tiêm, 60 xét nghiệm máu, 30 lần chụp scan, uống thuốc, châm cứu… và tiêu tốn 100 nghìn USD (hơn 2,3 tỷ đồng).
"Thật không thể tin được. Chúng tôi đã mải miết theo đuổi biện pháp tốn kém mà không ngờ rằng cuối cùng thứ đơn giản nhất lại giúp mình thành công", Marissa tâm sự.
Bà mẹ muộn con không ngờ mình lại mang bầu ngay sau khi thực hiện kích trứng.
Theo lời Tiến sĩ Michelle Wellman, chuyên gia thụ tinh nhân tạo, đôi khi các chuyên gia y tế cần phải quay lại vận dụng các phương pháp cơ bản và tìm hiểu xem nguyên nhân thực sự của bệnh nhân là gì để đưa ra cách thức điều trị hợp lý.