Trong quá trình mổ lấy thai lần thứ nhất, chị Thư đau đến mức mê man bác sĩ phải “tát” nhẹ chị mới tỉnh lại. Thế nhưng, ở lần thứ hai phẫu thuật chị không ngờ lại có cảm giác như đi chơi.
Em bé thứ hai của chị Nguyễn Thị Thư (29 tuổi) ở huyện Quốc Oai, Hà Nội mới được hơn 10 ngày tuổi. Trải qua hai lần sinh mổ hoàn toàn khác nhau, đến giờ sau khi đã “vượt cạn” thành công ở lần hai, nhưng nhắc lại cảm giác “lâm bồn” lần một, chị vẫn nhớ nguyên si cảm giác như “hãi đến già”.
Đẻ con đầu lòng bất tỉnh trên giường mổ
Thú nhận là người mẹ nuôi con khá nhẹ nhàng, không phải chịu quá nhiều áp lực. Nhưng chị Thư cũng bày tỏ thẳng thắn về việc rất sợ mang bầu và sinh con. Khi mang bầu chị cũng giống như phần lớn các chị em khác là thai nghén nặng, đến mức không thể ăn uống, cơ thể mệt mỏi, chỉ biết nằm đếm từng ngày cho qua tam cá nguyệt đầu tiên.
Chị Nguyễn Thị Thư (29 tuổi) ở huyện Quốc Oai, Hà Nội đã từng trải qua hai lần sinh mổ
Sau thai nghén, chị Thư lại tiếp tục phải chiến đấu với sáu tháng vất vả còn lại. Suốt quãng ngày dài chị khó ăn khó ngủ và không thể làm gì ngoài việc nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù thể xác có đau nhức, mệt mỏi bao nhiêu mỗi khi nghĩ đến con chị lại cố gắng nhiều hơn.
Chị Thư kể lại chi tiết về những gì diễn ra khi con gái chào đời: Khi đến 40 tuần chị chưa thấy có dấu hiệu chuyển dạ, vẫn tiếp tục chờ đợi nhưng quá 3 ngày sau chị thấy có biểu hiện cạn ối nên đã tức tốc bảo người nhà chở đến bệnh viện để kiểm tra.
Hai lần mang bầu đều thai nghén rất nặng
Tại bệnh viện, chị được bác sĩ cho tiêm thuốc gây tê tủy sống. Thế nhưng, có thể do thuốc chưa kịp ngấm nên trong quá trình mổ bắt em bé, chị đau đến “chết đi sống lại”. Chứng kiến bệnh nhân quằn quại đau đớn, nên các bác sĩ đã tiếp tục tiêm thêm một liều thuốc gây mê. Khi em bé đã được đưa ra ngoài nhưng chị vẫn hôn mê sâu, chỉ đến khi khâu xong vết mổ các bác sĩ phải dùng tay “tát” nhẹ chị mới tỉnh lại và chuyển đến phòng hồi sức.
Quá trình chăm sóc sau sinh được chị Thư kể lại như sau: Ba ngày sau sinh mình không thể ngồi dậy được, cứ mỗi lần ngồi dậy định tập đi thì lại bị hoa mắt chóng mặt. Chỉ đến khi các bác sĩ phải đến tận giường giúp mình thay băng và được giải thích do bị tác dụng phụ của thuốc gây mê kéo dài nên sản phụ vẫn mệt.
Song mỗi lần mổ là một cảm giác hoàn toàn khác nhau
Mặc dù được các chị y tá liên tục trấn an hỏi thăm mình, nhưng lúc đó mình vẫn còn rất đau vết mổ, đau dạ con lại tắc sữa đến phát sốt và sưng. Những ngày sau đó, mình tập đi lại, mỗi lần bước vết mổ lại nhói lên đau khủng khiếp, rồi chuyện vệ sinh cá nhân cũng không thể tự làm được mà phải nhờ người thân, thật sự quá sợ hãi, cảm giác có một không hai! Nhưng đúng là nỗi đau nào rồi cũng qua, dần dần sức khỏe hồi phục, nhưng có lẽ đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong hành trình sinh nở của mình.
Mổ lần hai chưa kịp đau, con đã được “bắt” ra ngoài
Theo dự định sau khi bé gái đầu của gia đình được 3 tuổi, chị mới bắt đầu lên kế hoạch sinh tiếp bé sau. Bản thân đang làm cô giáo mầm non, công việc khá bận rộn nên việc để con cứng cáp rồi sinh tiếp sẽ thuận lợi hơn cho sự nghiệp. Một phần do vẫn còn ám ảnh lần mổ đầu đem lại quá nhiều cảm giác đau đớn nên chị xác định chưa muốn đẻ lại. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, hai vợ chồng chị lỡ kế hoạch nên mình đã mang bầu trở lại khi con gái đầu lòng mới được 33 tháng tuổi.
Theo dự định sau khi bé gái đầu của gia đình được 3 tuổi, chị mới bắt đầu lên kế hoạch sinh tiếp bé sau
Ở lần mang bầu em bé thứ hai này, chị tiếp tục thai nghén nặng. Mỗi đêm mất ngủ chị lại liên tưởng và bị ám ảnh bởi lần phẫu thuật 3 năm trước. Mang bầu bé trai này, chị Thư không còn gặp quá nhiều bỡ ngỡ như lần đầu, từ việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ đến chuẩn bị cho việc sinh nở, chị đều chủ động trong mọi giai đoạn.
Ngày 14/7/2019 chị Thư đi sinh bé thứ hai, bà mẹ trẻ vẫn nhớ đến cảm giác của ngày mổ con gái đầu lòng. Mười ngày sau sinh mổ “như đi chơi”, chị Thư chia sẻ cảm xúc hạnh phúc với các mẹ bỉm sữa: "Mọi việc trước và trong khi mổ khá ổn, mình được gây tê tủy sống và các bác sỹ tiến hành mổ để lấy em bé ra. Mọi thao tác rạch của bác sĩ mình vẫn cảm nhận được.
Tuy không đau và có một chiếc khung vải che trước mặt nhưng vẫn có cảm giác toát mồ hôi hột, tim đập nhanh hơn bình thường. Sau hơn chục phút bé Kent được đưa ra khỏi bụng mẹ trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người mẹ. Thật sự, trước mổ mình rất sợ nhưng không ngờ khi bản thân còn chưa kịp cảm nhận được thế nào là đau thì mọi “thủ tục” đã xong xuôi, ngoài sức tưởng tượng".
Nhưng duyên sớm đã đưa em bé - là con thứ hai của anh chị đến với gia đình
Nhìn lại hành trình hai lần “vượt cạn” với rất nhiều cảm xúc, chị Thư cho rằng, quá trình mang thai và sinh mổ là một trải nghiệm đáng nhớ mà chỉ những người phụ nữ mới được thực hiện thiên chức thiêng liêng. Nếu các mẹ đang và sắp sinh mổ vẫn còn ám ảnh bởi vết mổ hay những cơn gò bụng chuyển dạ thì hãy cố gắng hết mình vì con yêu, khoa học hiện đại và những bác sĩ giỏi chuyên môn, đặc biệt là tình mẫu tử cao cả sẽ giúp các mẹ vượt qua được tất cả.