Dù rất muốn đồng hành cùng chồng trên con đường "tìm con", nhưng nghĩ đến chuyện cha mẹ chồng quá kiêng cữ trong tháng 7 âm lịch, chị Đoan vô cùng buồn.
Nhà chồng quá mê tín, con dâu chỉ biết lắc đầu
Đến nay, chị Vương Linh Đoan (35 tuổi) là điều dưỡng tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ và chồng cưới nhau đã hơn 8 năm nhưng chưa có con. Nguyên nhân được bác sĩ xác định là do người chồng, chị Đoan hoàn toàn bình thường. Mới đây, chị chia sẻ sự chán nản, áp lực trong việc điều trị hiếm muộn của hai vợ chồng khi tháng 7 âm lịch đến.
Chị kể, những năm qua, hai vợ chồng đã điều trị với nhiều biện pháp khác nhau, từ đông y đến tây y, kể cả các kinh nghiệm dân gian mà cha mẹ chồng chị nghe được cũng không có kết quả. Hiện, vợ chồng chị đang tiếp tục điều trị tại một bệnh viện phụ sản gần nhà để mong có thể sinh con tự nhiên. Vị bác sĩ trực tiếp điều trị khuyên, cả hai vợ chồng chị cần kiên trì và không nên ngưng điều trị như trước để có thể sớm nhận tin vui.
Dù yêu chồng, muốn cùng anh tiếp tục đi "tìm con" bằng phương pháp tự nhiên, nhưng chị Đoan lại quá buồn vì nhà chồng. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, cũng như tháng 7 âm lịch các năm trước, cha mẹ chồng của chị Đoan lại muốn vợ chồng con trai ngưng đến bệnh viện, mà hãy đến các thầy lang cúng vái, xin “bề trên ban phước”.
“Bản thân tôi là điều dưỡng nên rất hiểu về tình trạng bệnh và quá trình khám chữa bệnh của hai vợ chồng. Cha mẹ chồng tôi lại quá mê tín, tháng 7 âm lịch năm nào cũng tìm đủ mọi cách để can thiệp vào chuyện riêng của vợ chồng tôi. Tôi phản ứng, cả nhà chồng ai cũng khó chịu, nói “tháng cô hồn”, làm việc gì ma quỷ cũng sẽ đi theo phá, kiêng sẽ tốt hơn. Ông bà còn nói, cũng vì các năm trước tôi “cãi lại” bề trên mới không được ban phước”, chị Đoan nói, giọng rầu rĩ. Chị cho biết, vì điều này khiến chị mấy năm qua rất mệt mỏi, muốn "dứt áo ra đi" nhưng lại thương chồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vô sinh hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng chung sống, có quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng sau 1 năm (với người vợ trên 35 tuổi) và sau 6 tháng (với người vợ dưới 35 tuổi) vẫn chưa có thai tự nhiên.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%.
BS.CKI Phạm Văn Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn (Hà Nội) cho biết, các trường hợp vợ chồng bị tình trạng này đa dạng, với nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ, nguyên nhân hay gặp nhất là tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung… Với người chồng, nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh, hoặc không có “con giống” do tắc ống dẫn tinh, “xuất binh” ngược.
Một cặp vợ chồng đang đi điều trị hiếm muộn, mong sớm "tìm" được con. Ảnh: BVCC.
Đừng bỏ lỡ thời gian vàng điều trị vô sinh, hiếm muộn
Tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, BS.CKI Trần Ngọc Thảo, Phó trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, cho biết trung bình mỗi ngày nơi đây tư vấn, chăm sóc cho khoảng 10 trường hợp có liên quan đến vô sinh hiếm muộn. Điều bác sĩ Thảo nhận thấy, cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, có nhiều cặp vợ chồng chần chừ đi khám hoặc ngưng điều trị như vợ chồng chị Đoan.
Khi gọi điện thoại hỏi nguyên nhân, bác sĩ Thảo biết được, nhiều cặp vợ chồng còn nấn ná, kéo dài thời gian đến bệnh viện vì có tâm lý e ngại đang là tháng 7 âm lịch, mà dân gian cho là không tốt, không nên làm điều gì. Bác sĩ Thảo kể về trường hợp của vợ chồng chị Quỳnh Trang (ở Hậu Giang) cũng cưới nhau nhiều năm nhưng chưa thể sinh con.
Dù rất khao khát có con, tuy nhiên hai vợ chồng vẫn sợ yếu tố tâm linh nên nhiều lần tháng 7 âm lịch không đi điều trị. Chính vì điều này, vợ chồng chị đã bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị.“Khi hai vợ chồng còn trẻ, tôi cũng nghe theo quan niệm xưa là đừng làm gì vào “tháng cô hồn”, năm tam tai, năm tuổi. Bây giờ lớn tuổi, tôi mới nhận ra thì việc điều trị trở nên khó hơn”, chị Quỳnh Trang chia sẻ về hối hận của mình với bác sĩ Thảo.
Theo các bác sĩ, việc điều trị vô sinh - hiếm muộn cần phải theo đúng phác đồ của bác sĩ. Ảnh: BVCC.
Theo bác sĩ Thảo, trong điều trị vô sinh hiếm muộn, việc chậm trễ sẽ làm giảm tỷ lệ thành công cao. Cũng vì sự chậm trễ, chần chừ, e ngại yếu tố tâm linh mà nhiều người sau đó đi điều trị lại đã bị giảm chất lượng trứng, tinh trùng dẫn đến không thể có con tự nhiên, mà phải can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ.“Liên quan đến sức khoẻ thì sự trì hoãn, kéo dài có thể bỏ qua những “thời điểm vàng” trong điều trị”, bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Bác sĩ Hưởng cũng khuyến cáo, các cặp vợ chồng không may gặp tình trạng trên cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tìm nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp, đừng nên để bất cứ lý do gì ảnh hưởng.
Theo bác sĩ Hưởng, để điều trị vô sinh, hiếm muộn thành công, cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kiên trì, tin tưởng nơi mình đang điều trị sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành công. Việc điều trị gián đoạn hay bỏ điều trị vì một lý do nào đó không có căn cứ sẽ vô tình tự mình làm mất đi “thời gian vàng” trong điều trị thành công, kéo theo nhiều yếu cố bất lợi cho chính mình.
Ngoài ra, các cặp vợ chồng cần có lối sống lành mạnh, khoa học, tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, tránh căng thẳng, làm việc trong môi trường độc hại để hạn chế tình trạng vô sinh, hiếm muộn.
* Tên nhân vật đã thay đổi.