Dây rau hay còn gọi là cuống nhau hoặc cuống rốn, là một dây mềm, màu trắng dài khoảng 45-60cm, nhẵn và trơn, một đầu bám vào bánh rau (thường là ở giữa bánh rau), đầu kia bám vào rốn thai nhi.
Thực chất dây rau là một ống dẫn hai đầu để đưa dưỡng chất và ôxy từ máu mẹ sang thai nhi, đồng thời cũng mang những sản phẩm chuyển hóa từ máu thai nhi sang máu mẹ để đào thải ra ngoài. Nhiệm vụ hàng đầu của dây rau là vận chuyển ôxy từ máu mẹ sang máu thai nhi. Vì một lý do nào đó làm ngăn cản sự vận chuyển này, thai nhi bị thiếu ôxy sẽ chết rất nhanh chóng.
Với chiều dài 45 - 60cm, dây rau đảm bảo cho thai nhi khi sổ ra khỏi cơ thể mẹ mà không bị ảnh hưởng gì. Nhưng cũng có khi bản thân dây rau ngắn hơn chiều dài trên (ví dụ toàn bộ chiều dài dây rau dưới 35cm thì gọi là dây rau ngắn tuyệt đối) hoặc là khi thai vận động trong buồng tử cung làm cho dây rau vốn có chiều dài bình thường nhưng lại bị quấn vào cổ, chân hay thân làm cho dây rau ngắn lại (lúc này gọi là ngắn tương đối). Trong các loại hình thái trên thì hình thái dây rau quấn cổ là nguy hiểm nhất.
Có thể phát hiện được rau quấn cổ bằng siêu âm thai.
Tại sao lại có hiện tượng dây rau quấn cổ (tràng hoa quấn cổ)?
Trong những tháng đầu, thai nhi như một cục nước đá nằm trong một bể nước lớn nên rất dễ dàng di chuyển lung tung trong buồng tử cung. Trong quá trình di chuyển đó, khi dây rốn còn dài, thai nhi đã làm rối dây rốn như cuộn chỉ bị rối và dây rau quấn vào thân hay cổ thai nhi. Cũng có trường hợp khi còn bé, thai di chuyển lung tung trong buồng tử cung đã làm cho dây rau bị thắt nút lại. Nếu dây rau bị thắt nút lại kèm theo quấn cổ thì rất nguy hiểm. Hoặc là ở 3 tháng cuối, khi thai quay đầu để xuống dưới (gọi là thai thuận), dây rau mềm trơn nên cũng dễ bị quấn vào thai nhi. Nếu dây rau quấn vào thân thai nhi thì có thể tự tháo được, còn khi bị quấn vào cổ là một khe hẹp giữa đầu và vai nên dây rau không thể tự tháo được mà ngày càng bị quấn chặt hơn.
Nói một cách đơn giản, dây rau là một ống thông nối hai bình máu mẹ và con. Nếu dây rau quấn cổ sẽ làm giảm máu mẹ đến máu con, mà thành phần quan trọng nhất là ôxy sẽ tác động rất mạnh đến tính mạng của thai nhi.
Nếu dây rau quấn cổ 2 hoặc 3 vòng sẽ làm cho thai không quay đầu xuống phía dưới tử cung được và thai sẽ là ngôi ngược nên phải mổ lấy thai.
Nếu dây rau quấn cổ ít thì thai vẫn có thể xuống phía dưới được, cuộc đẻ sẽ kéo dài và khó khăn nên nhiều khi phải dùng đến một dụng cụ là foóc-xép để lấy thai ra, có thể gây tai biến và sang chấn đường sinh sản cho mẹ.
Nếu dây rau quấn cổ vừa (thường 2 vòng quanh cổ), thai không lọt được, cuộc chuyển dạ sẽ bị kéo dài, thai thiếu ôxy sẽ bị suy, nếu không được mổ lấy thai thì thai sẽ chết.
Nếu dây rau bị quấn cổ, trong tháng cuối của thai nghén, đầu thai hướng dần và đi vào tiểu khung mà thường gọi là “ sụt bụng”, dây rau sẽ bị kéo căng, càng siết chặt ở cổ thai làm giảm lượng máu đến thai gây suy thai, thậm chí dẫn đến chết thai.
Dây rau quấn cổ hoặc dây rau ngắn có thể gây lộn cổ tử cung hoặc đứt dây rau khi thai sổ ra khỏi bụng mẹ.
Làm gì để chẩn đoán dây rau quấn cổ?
Trong khi có thai, rất khó chẩn đoán dây rau quấn cổ vì lúc này thai chưa vào tiểu khung, dây rau chưa bị co kéo, máu vẫn đến thai nhi bình thường nên không có biểu hiện gì. Có vài trường hợp do dây rau quấn cổ và bị thắt nút nên trước khi sinh 1-2 tuần, đầu thai hướng vào tiểu khung, dây rau bị kéo căng hoặc thắt nút, máu đến thai giảm rồi ngừng hẳn nên thai chết. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi chuyển dạ hoặc trước khi chuyển dạ vài ngày. Thai phụ thấy thai cử động nhiều hơn mọi ngày rồi không thấy thai đạp nữa (nghĩa là thai đã chết).
Người ta cũng có thể phát hiện được rau quấn cổ bằng siêu âm thai nhưng phải là người có kinh nghiệm mới chẩn đoán được. Dùng siêu âm Doppler cũng có thể phát hiện được bằng đo dòng máu của dây rau ở cổ thai nhi nhưng cần phân biệt với dòng máu của động tĩnh mạch cảnh cũng ở cổ thai.
Trong khi chuyển dạ, nếu dây rau quấn cổ thì khi có cơn co tử cung, nhịp tim thai bị chậm ngay và khi hết cơn co thì tim thai lại trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu chuyển dạ lâu cũng sẽ nhanh chóng dẫn đến suy thai và chết thai do thiếu ôxy.
Nếu theo dõi nhịp tim thai trên máy thì giấy ghi hình ảnh thấy nhịp tim thai chậm ngay khi có cơn co.
Phòng ngừa và xử trí dây rau quấn cổ như thế nào?
Thực tế, không có biện pháp nào để phòng ngừa dây rau quấn cổ vì thai nằm trong tử cung, tự nó vận động và gây nên. Chỉ đôi khi nghi ngờ khi siêu âm mà thôi.
Phần lớn chỉ phát hiện khi chuyển dạ, đó là:
- Khi có cơn co tử cung, nhịp thai chậm ngay.
- Khi theo dõi nhịp tim thai trên máy thấy tim thai chậm ngay khi có cơn co tử cung thì nghi ngờ dây rau quấn cổ.
- Nếu cổ tử cung mở hết 1 giờ mà ngôi thai vẫn chưa lọt thì có thể dây rau quấn cổ thì phải mổ lấy thai.
- Nếu khi người mẹ rặn, đầu thai nhi xuống thấp nhưng khi hết cơn rặn thì đầu thai lại lên cao thì chắc chắn dây rau quấn cổ.
Nói chung, chẩn đoán dây rau quấn cổ là không dễ, điều cơ bản là phải theo dõi tốt cuộc chuyển dạ thì mới có thể phát hiện được và tùy từng trượng hợp mà có cách giải quyết thích hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.