Rất nhiều lần khi cầm ống tiêm trên tay, chị Huyền đã khóc vì thương con trong bụng.
Cưới nhau từ năm 2010 nhưng phải hơn 3 năm sau vợ chồng chị Huyền (đang sinh sống tại Hà Nội) mới có "tin vui". Niềm hạnh phúc tưởng chừng như vỡ òa nhưng lại không trọn vẹn khi đến tuần 28 chị bị đình chỉ thai kỳ. Thời gian đó chị đã như điên dại và suốt 2 tháng không ăn, không ngủ... Rồi hơn một năm sau chị mới có thai trở lại. Lần này ngay sau khi thử que lên hai vạch, chị đã đi khám thai rất cẩn thận và may mắn tìm ra được nguyên nhân bị đình chỉ thai kỳ lần trước là do chị mắc hội chứng anti-phospholipid.
Ngay sau đó, bác sĩ đã chỉ định chị mỗi ngày phải tiêm một mũi thuốc vào bụng để duy trì thai kỳ. Chị cũng phải uống rất nhiều loại thuốc. Cả thai kỳ, chị đã phải nén đau đớn để tự tiêm thuốc cho mình. Trước mỗi lần tiêm, chị đều nói với con: "Dũng cảm lên con nhé!". Thời gian đó, da bụng chị thâm tím lại vì những vết tiêm chi chít, có những khi máu bắn ra thành tia... May mắn chị Huyền đã giữ thai đến tuần thứ 39.
Ca sinh mổ của chị những tưởng sẽ diễn ra suôn sẻ nhưng lên bàn đẻ mà thuốc tê vẫn không phát huy hết tác dụng khiến chị cảm nhận rõ được sự đau đớn của vết dao rạch trên bụng. Sau khi được tiêm thêm thuốc gây tê, em bé đã chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,9kg.
Hiện tại, em bé nhà chị Huyền đã được hơn 2 tháng tuổi và trộm vía rất kháu khỉnh, cứng cáp. Chị đã quyết định chia sẻ câu chuyện sinh con đầy gian nan của mình với hy vọng tiếp thêm động lực cho các mẹ hiếm muộn, các mẹ mắc bệnh trong thai kỳ. "Chị em hãy giữ tinh thần lạc quan và quan trọng nhất là nên nghĩ thoáng, thoải mái đầu óc, nghĩ theo chiều hướng tích cực... thì chắc mọi việc sẽ ổn.", chị Huyền nói.
Rất nhiều lần khi cầm ống tiêm trên tay, chị Huyền đã khóc vì thương con trong bụng. (ảnh minh họa)
Cùng theo dõi câu chuyện mang thai đầy gian nan, thử thách của bà mẹ này:
"Vợ chồng mình lấy nhau được 5 năm, từ năm 2010 và đến năm 2013 mình có bầu. Nhưng em bé không hiểu lý do gì thai chậm phát triển trong tử cung. Mình đi khắp nơi, từ bác sĩ Danh Cường, bác sĩ Chương Liên Trì, bác sĩ Thuý (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đều ra về trong vô vọng.
Sau mình vật vã trên trung tâm chuẩn đoán trước sinh 2 tháng trời. Bác sĩ Cường nghi ngờ mình đủ thứ. Cuối cùng là một câu: Đình chỉ thai kỳ. Mình đã đau đớn vô cùng. Lúc đó con gần 28 tuần. Mình như điên dại. Hai tháng trời sau đó mình không ăn không ngủ chỉ khóc và niệm phật. Rồi cũng phải nói lời tạm biệt con. Mình đã tưởng không vượt qua được. Từ viện về, trong đầu lúc nào cũng văng vẳng tiếng trẻ con khóc. Sữa về ồ ạt. Hai bầu ngực mình căng cứng như núi đè. Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Mình không muốn đi đâu. Chỉ muốn trong nhà trốn mình khỏi mọi lời hỏi thăm. Những ngày tháng ấy, thật sự không thể quên được.
Rồi mình đi làm lại. Mong mỏi có em bé lại ngay. Mình kiêng 6 tuần rồi thả lại. Rồi lại bị viêm lộ tuyến kiêng 4-6 tuần sau đốt. Sau đó thì mua que thử rụng trứng, rồi đủ mọi thứ. Vẫn không có kết quả. Tháng nào cũng chờ đến ngày kinh. Chậm 1 ngày là đã tưởng tượng ra dấu hiệu có thai. Nhưng rồi, lại vừa đóng băng vệ sinh vừa khóc trong nhà tắm. Thật sự là những nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai.
Rồi sau bao nhiêu mệt mỏi, mình với chồng quyết định: Kệ. Để sang năm có cũng được, bao giờ ông trời cho thì mình nhận. Rồi mình chẳng quan tâm quan hệ hôm nào, hôm nào rụng trứng nữa. Chậm kinh nguyệt 4 ngày mình vẫn kệ (chu kỳ kinh nguyệt của mình rất đều). Đến ngày thứ 6, mình mua que thử thì lên 2 vạch. Ngồi khóc một mình trong nhà tắm. Cũng chưa dám khoe với chồng. Rồi mình đi khám bác sĩ Hiếu ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đến khám, mình nói tiền sử bị bệnh cho bác sĩ biết. Chị ấy cho mình làm một loạt xét nghiệm. Hết gần 4 triệu. Cuối cùng thì tìm được ra nguyên nhân cho lần trước, mình bị hội chứng anti-phospholipid. Tìm được nguyên nhân rồi, ngày nào mình cũng tự tiêm vào bụng một mũi thuốc, thuốc uống cũng nhiều. Nhiều lúc tiêm, khóc vì thương con. Thời gian đó, bụng mình chi chít vết thâm vì những mũi tiêm. Có khi mũi tiêm nọ chồng lên mũi kia, máu bắn thành tia. Mỗi lúc trước khi tiêm, mình đều nói với con: "Dũng cảm lên con nhé!" Sau này khi bụng bầu lớn, mỗi lần tiêm con đều đạp, trải nghiệm thực sự thú vị. Mình duy trì tiêm thuốc đến 36 tuần. Tháng nào đi siêu âm con cũng kém so với tiêu chuẩn 1-2 tuần, thế là về lại nhồi nhét. Nhưng mình không ăn được. Ngày nào cũng một chai sữa, hai quả dừa. Ăn cơm như người bình thường.
Đến 39 tuần đợi sinh thường thì siêu âm thai ngôi ngược. Thế là lên bàn mổ. Mình còn bị thalasami thể nhẹ. Bác sĩ sợ phải truyền máu. Nằm trên bàn mổ nghe các bác nói về mình, mình sợ dúm dó vào. Không phải sợ mổ mà sợ có gì bất trắc. Rồi bác sĩ rạch dao. Mình kêu oái. Bác sĩ hỏi: "Em biết hay em đau?". Mình bảo em đau. Bác sĩ lại bảo em giơ chân xem nào. Mình nhấc chân. Bác sĩ bảo: "Thất bại rồi!". Thế là thêm thuốc gây tê... Rồi con ra đời, nặng 2,9kg. Bác sĩ lôi từ bụng mình ra rồi giơ lên trước mặt: "Con em nhé!" Con khóc oa oa... Mình chẳng hiểu lúc đó không khóc được, chỉ cười rồi nhắm mắt. Vậy là mình đã là mẹ rồi...
Hiện tại, em bé nhà chị Huyền đã được hơn 2 tháng tuổi và trộm vía rất kháu khỉnh, cứng cáp. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đón con về, thấy nó lạ ghê, không tưởng tượng nó lại thế... Sáng hôm sau ngồi được dậy, mình cho con bú luôn. Rồi tự đi lại dù cơn đau dạ con hành hạ phát rồ cả người. Mọi thứ trở nên thật bình thường, khi mình đã làm mẹ. Về nhà con ăn ngủ bình thường. Chẳng hiểu sao tự nhiên hơn 1 tháng mình bị sốt gần 40 độ C. Đi khám và uống kháng sinh, tự nhiên sữa giảm hẳn. Mình bắt đầu stress. Nào là chè vằng, lá má, ngũ cốc, lợi sữa mế hà, lợi sữa của Mỹ... Chồng còn đầu tư cho cả máy hút sữa tới 9,7 triệu vẫn chẳng có kết quả khả quan. Và mình chấp nhận, con phải kết hợp thêm sữa công thức.
Lúc đầu thấy con uống sữa công thức mình giận bản thân ghê gớm. Rồi đọc trên mạng bảo sữa công thức thế này, thế kia, mình càng stress hơn. Nhưng rồi con vẫn lớn và cứng cáp, đêm thấy con no bụng ngủ ngon, tự nhiên mình nghĩ: "Uh kệ, bao nhiêu bé mẹ không có sữa, hoặc chê sữa mẹ, vẫn lớn, vẫn khôn mà mình biết đấy thôi." Chấp nhận hiện thực tự nhiên thấy thoải mái hẳn, sữa cũng cải thiện hơn.
Rồi đến giai đoạn con bỏ ti mẹ thích ti bình, lại rầu rĩ... Nhưng sau đó, lại tự động viên, thế mẹ càng nhàn. Rồi hẹn bạn đi ăn trưa, hút sữa để nhà cho con. Chiều về, đầu óc thông thoáng, nghĩ ra cách lừa con. Cứ tay cầm núm vú bình, dứ con rồi nhét ti mình vào. Lừa mãi cũng được. Bây giờ thì ngoan ngoãn ti cả hai dù vẫn thiên vị bạn ti bình hơn.
Hiện tại con được 2 tháng 10 ngày, nặng 6,055kg, đang đòi lẫy và thích bế dựng. Phía trước còn nhiều chông gai, nhiều giai đoạn, nhiều khó khăn. Nhưng mà mình nghĩ, quan trọng là tư tưởng, thoải mái đầu óc, nghĩ theo chiều hướng tích cực... chắc mọi việc sẽ ổn.
Các mẹ mong con, các mẹ bị bệnh khi mang bầu, các mẹ ít sữa, các mẹ có con bỏ ti cũng hãy nghĩ thoáng đầu nhé. Có con rồi, chúng mình là cả thế giới của con. Con là tất cả của chúng mình.
P/s: Một chút tâm sự và kinh nghiệm của mình. Chúc các mẹ vui khoẻ, con ngoan!"