Để hạn chế cơn buồn nôn, thai phụ nên ăn thức ăn loãng dễ tiêu, chia làm nhiều bữa trong ngày.
Hỏi: Hiện tại vợ tôi đang mang thai tuần thứ 13. Cô ấy bị ốm nghén rất nặng, thường xuyên nôn ói là không ăn uống được nhiều. Cho tôi hỏi việc bổ sung dinh dưỡng không đầy đủ như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển trí não thai nhi không? Có cách nào khắc phục tình trạng ốm nghén không? Tôi xin cảm ơn.
Nguyễn Hoàng Minh (hoangminhnguyen…@gmail.com)
Trả lời:
Chào bạn,
Bạn cần biết rằng, có đến 70% thai phụ bị ốm nghén trong 3 tháng đầu mang thai (có sự khác nhau về mức độ) và đây là nguyên nhân khiến họ gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống. Vì nguyên nhân này mà dinh dưỡng dung nạp vào cơ thể mẹ bầu cũng bị hạn chế, đặc biệt với những người ốm nghén trầm trọng. Tuy nhiên, não bộ của bé lại phát triển rất sớm. Vì vậy, nếu không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết sẽ ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển trí não của bé sau này (trong trường hợp thai phụ ốm nghén quá nặng).
Để ăn uống được ngon miệng và góp phần cung cấp dưỡng chất cho thai nhi phát triển, mẹ bầu không nhất thiết phải ăn nhiều nhưng phải ăn đủ dưỡng chất, đặc biệt đừng quên cung cấp đạm, đường, chất béo, các vitamin, acid folic, DHA, cholin.
Để hạn chế cơn buồn nôn, thai phụ nên ăn thức ăn loãng dễ tiêu, chia làm nhiều bữa trong ngày. Vào mỗi sáng trước khi đánh răng có thể ăn nhẹ một mẫu bánh quy hoặc uống sữa nóng. Nếu có nôn ói thì hãy súc miệng bằng nước sạch và ăn nhẹ liền sau đó. Các loại nước ép hoa quả hoặc sinh tố có thể giúp thai phụ không bị mất nước. Gừng cũng có tác dụng chống nôn, vì vậy có thể uống nước gừng pha với đường hoặc ngậm mứt gừng.
Nếu bị nôn ói quá nặng nề có thể gây rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Lúc này cần đi khám thai ngay tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa.