5 giác quan của bé có những giai đoạn phát triển và hoàn thiện riêng biệt.
Sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng bầu có lẽ luôn là điều gì đó mơ hồ với các mẹ bầu. Từ một mầm sống nhỏ xíu chỉ bằng con nòng nọc mà sau 9 tháng, bé đã lớn với đủ các bộ phận như một con người thực thụ. Vậy trong 280 ngày nằm trong bụng mẹ, các giác quan của bé phát triển như thế nào, mời các mẹ cùng tìm hiểu.
Xúc giác
Ngay trước khi tuần thứ 8 của thai kỳ, phôi thai bắt đầu nhạy cảm khi được chạm hay sờ vào. Những bộ phận bị kích thích này trên cơ thể bào thai cũng là những bộ phận nhạy cảm nhất ở người lớn. Trước hết là từ gò má, sau đó đến vùng kín (tuần thứ 10), lòng bàn tay (tuần thứ 11), lòng bàn chân (tuần thứ 12), bụng và mông (khoảng tuần thứ 17).
Bé của bạn có thể thử nghiệm với khả năng xúc giác mà bé mới khám phá bằng cách tự sờ vào gương mặt mình hoặc mút ngón tay cái, cũng như cảm nhận được các bộ phận khác trên cơ thể và quan sát cách cơ thể mình chuyển động trong bụng mẹ.
Khoảng 32 tuần tuổi, hầu như toàn bộ cơ thể thai nhi đều cảm nhận được cảm giác nóng, lạnh, áp lực và cơn đau.
Những bộ phận bị kích thích này trên cơ thể bào thai cũng là những bộ phận nhạy cảm nhất ở người lớn. (ảnh minh họa)
Vị giác
Từ 13 đến 15 tuần tuổi, vị giác thai nhi đã hoàn thiện y như vị giác ở người trưởng thành, và nước ối xung quanh bào thai nồng mùi thức ăn và thực phẩm như: cà – ri, thì là, tỏi, hành, hay vị mạnh khác từ chế độ ăn uống của mẹ. Các cuộc nghiên cứu cho thấy bào thai có xu hướng nuốt nước ối có vị ngọt nhiều hơn là khi có vị đắng và chua.
Trong ba tháng cuối thai kỳ, mỗi ngày bé nuốt đến 1 lít nước ối – một ‘chiếc cầu’ trung gian để bé hấp thu được sữa mẹ và cả những mùi vị thơm ngon khác từ các bữa ăn của mẹ.
Khi ra đời, vị giác của bé rất nhạy cảm. Trẻ sơ sinh có thể phân biệt được nhiều vị khác nhau và biết biểu lộ sở thích với một khẩu vị nào đó.
Khứu giác
Từ 11 đến 15 tuần tuổi, mũi của thai nhi mới hình thành. Trước giờ, các nhà khoa học vẫn không tin bào thai có phát triển khứu giác, vì cho rằng để ngửi phải cần có không khí và hơi thở.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới nhất, hệ thống mũi bao gồm ít nhất bốn hệ thống phụ, và nước ối xung quanh bào thai có thể tràn qua khoang miệng và mũi của bé làm cho bé ngửi được những mùi vị có trong nước ối. Chính vì thế mà những đứa trẻ sơ sinh đều đánh hơi được mùi sữa mẹ, mặc dù trước đó trẻ chưa bao giờ được ngửi qua.
Từ 11 đến 15 tuần tuổi, mũi của thai nhi mới hình thành. (ảnh minh họa)
Thính giác
Tử cung chưa bao giờ là một thế giới tĩnh lặng, mà ở đó có tiếng mạch máu, tiếng dạ dày sôi ùng ục, giọng nói của mẹ và của cả những người khác.
Tai của bé bắt đầu hình thành khi được chừng tám tuần tuổi và hoàn chỉnh khi được khoảng 24 tuần tuổi. Nhưng độ khoảng tuần thứ 18, xương tai trong và đầu mút thần kinh não đã phát triển đầy đủ để bé có thể nghe thấy mọi âm thanh như tiếng tim mẹ đập nhịp nhàng hay tiếng máu chảy đều đặn qua cuống rốn.
Thậm chí bé có thể bị giật mình bởi tiếng động lớn! Từ đó trở đi, âm thanh có tác dụng như một kênh thông tin của bé với thế giới bên ngoài.
Vào khoảng tuần thứ 25, bé bắt đầu lắng nghe được giọng nói của mẹ và cả của bố còn có thể biết nhận ra giọng nói của bố mẹ khi được 27 tuần tuổi. Đôi khi các âm thanh có thể bị bóp nghẹt do tai bé vẫn còn bị phủ dày lớp bã nhờn – một chiếc áo choàng bảo vệ cho da không bị nứt nẻ vì nước ối.
Bé còn có thể cử động hay thay đổi tư thế trong bụng mẹ để phản ứng lại với âm thanh đột ngột như tiếng cửa đóng sầm hoặc còi xe… Nhịp tim của bé thường chậm lại khi mẹ đang trò chuyện, chứng tỏ bé không chỉ nghe và nhận ra được giọng nói của mẹ mà còn được xoa dịu bởi âm thanh thân thương này.
Thị giác
Trong 5 giác quan, thị giác phát triển sau cùng. Mí mắt của trẻ vẫn nhắm chặt để chờ cho võng mạc phát triển đầy đủ, mãi cho đến khi được 26 tuần tuổi, mắt bé mới mở ra và thậm chí còn bắt đầu biết chớp mắt! Lúc mới sinh, bé có thể nhìn tốt trong phạm vi từ 8 đến 12 inch (20-30 cm).
Tử cung người mẹ hoàn toàn không yên tĩnh cũng như không tối tăm như người ta vẫn nghĩ. Trước tuần thứ 18, khi mắt trẻ vẫn còn đóng, thì võng mạc trẻ vẫn có thể cảm nhận được ánh sáng nếu mẹ đang đứng dưới ánh nắng mặt trời hay có một vùng sáng mạnh quét qua người mẹ.
Vào khoảng tuần thứ 33, đồng tử của mắt trẻ có thể phát hiện được ánh sáng và biết co giãn, để giúp em nhìn thấy được những hình dáng lờ mờ. Các nghiên cứu cho thấy ở tuần thứ 37 nếu chiếu một nguồn sáng vào bụng mẹ thì nhịp tim của bé tăng nhanh hơn bình thường hoặc bé xoay đầu về hướng có ánh sáng, điều này chứng tỏ bé đã biết phản ứng lại với ánh sáng.