Khó thở khi mang thai là một triệu chứng thường hay gặp phải ở các mẹ bầu. Nếu không có biện pháp khắc phục thì sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của bà bầu.
Khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều so với lúc bình thường. Có rất nhiều lý do khiến cho các bà bầu khó thở khi mang thai. Đôi khi những điều đơn giản như quần áo chật chội hoặc cố chống lại cơn buồn ngủ đang kéo đến cũng có thể khiến thai phụ có cảm giác khó thở. Vì vậy, các bà bầu đừng quá lo lắng. Khi hiểu và biết cách giải quyết như thế nào, người mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Trong mỗi một giai đoạn của thai kỳ, những nguyên nhân chính dẫn đến việc người phụ nữ cảm thấy khó thở khi mang thai như sau:
1. Khó thở khi mang thai 3 tháng đầu
- Tác động của hormone: Trong giai đoạn đầu khi mang thai, một loại hormone tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ là progesterone bắt đầu gia tăng rất mạnh. Sự gia tăng này hoàn toàn bình thường nhưng nó có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự khó thở của bạn trong thời gian mang thai.
Hiện tượng đầy hơi khó thở khi mang thai tháng 2,3 (Ảnh minh họa)
- Thay đổi ở cơ hoành: Cơ hoành là một dải mô cơ ngăn cách tim và phổi với bụng. Trong 3 tháng đầu tiên khi mang thai, nó sẽ tăng lên khoảng 4cm. Việc này gây ra sự thay đổi trong quá trình hô hấp của bà bầu. Một vài mẹ bầu cảm thấy rằng mình khó có thể thở sâu như trước lúc mang thai.
2. Khó thở khi mang thai tháng 4 ,5, 6
- Sự phát triển của tử cung: Tử cung của mẹ bầu sẽ dần lớn hơn trong thời gian mang thai để thích nghi được với sự phát triển của em bé. Khi tử cung càng lớn, nó có thể ép ngược lại phía dưới cơ hoành. Khi đó, khả năng mở rộng của cơ hoành sẽ bị hạn chế, gây nên khó thở.
- Tim hoạt động nhiều hơn: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể của người phụ nữ tăng lên. Vì vậy mà tim phải làm việc nhiều hơn để dẫn máu đến các cơ quan trong cơ thể và đến nhau thai. Điều này có thể khiến bà bầu cảm thấy khó thở.
Sự phát triển của tử cung cũng như việc tim hoạt động nhiều hơn gây ra hiện tượng bà bầu khó thở trong tam cá nguyệt thứ hai (Ảnh minh họa)
3. Khó thở khi mang thai tháng 7 ,8, 9
Theo Trung tâm Tài nguyên sức khỏe phụ nữ quốc gia Mỹ, tình trạng khó thở trong 3 tháng cuối của thai kỳ thường xảy ra khoảng từ tuần 31-34. Việc mẹ bầu có cảm thấy khó thở hay không còn phụ thuộc vào vị trí đầu của em bé. Trước thời điểm thai nhi quay đầu, đầu của bé có thể ở phía dưới xương sườn, ấn vào cơ hoành. Điều này sẽ làm người mẹ cảm thấy khó thở.
Một vài nguyên nhân khác cũng có thể gây ra khó thở trong thai kỳ là:
- Hen suyễn: Việc mang thai có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn, trong đó có khó thở trở nên tồi tệ hơn. Nếu mẹ bị hen suyễn thì cần phải đến thăm khám bác sĩ để được áp dụng các biện pháp điều trị an toàn trong thai kỳ.
- Bệnh cơ tim chu sản: Đây là một loại suy tim có thể xuất hiện trong khi mang thai hoặc sau khi sinh con. Một trong những triệu chứng thường gặp là khó thở, nhất là khi nằm xuống. Bệnh này cần phải được điều trị nếu không sẽ tiến triển thành suy tim nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người phụ nữ.
- Thuyên tắc phổi: Hiện tượng này xảy ra khi huyết khối từ hệ tĩnh mạch sâu ở chi dưới bị vỡ, trôi nổi tự do trong mạch máu. Vì thế nó có thể bị kẹt và gây tắc mạch máu tại phổi. Khi mắc bệnh này, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó thở, ho và đau ngực.
- Cơ thể giữ nước: Khi mang thai, có một số trường hợp mẹ bầu bị chứng phù nề. Tình trạng giữ nước này khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Nó sẽ gây ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi, làm cho việc thở trở nên khó khăn.
- Thiếu máu: Tình trạng thiếu máu thường xảy ra với các chị em trong quá trình mang thai. Thiếu máu có thể xảy ra do thiếu sắt gây nên. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng, khiến cho bạn cảm thấy khó thở.
4. Cách khắc đầy hơi, khó thở khi mang thai
Trong suốt quá trình mang thai, cảm giác khó thở này sẽ luôn đồng hành cùng hai mẹ con. Hay nói cách khác, khó thở là một phần của thai kỳ và rất ít người tránh được nó. Tuy nhiên, những khó chịu này sẽ hết và trở lại bình thường sau khi sinh xong. Còn tạm thời, trong 40 tuần “bầu bí”, mẹ bầu có thể khắc phục tình trạng này bằng một vài cách sau:
Tăng cường nghỉ ngơi
- Khi cảm thấy khó thở hay những lúc cần thiết, thai phụ nên nhanh chóng nghỉ ngơi, không nên tiếp tục thực hiện những hoạt động thể chất như bình thường.
- Vào ba tháng cuối của thai kỳ, bạn nên chọn một chiếc ghế dựa thật thoải mái để ngồi nghỉ ngơi. Giai đoạn này, việc nằm nhiều có thể khiến cho bạn cảm thấy khó thở hơn rất nhiều vì em bé chèn ép cơ hoành nhiều hơn vào giai đoạn này.
Khi cảm thấy khó thở, mẹ bầu cần tăng cường nghỉ ngơi (Ảnh minh họa)
Không hoạt động quá sức
- Bà bầu không nên làm việc vội vàng, hấp tấp để tránh gây căng thẳng cho cơ thể.
- Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho mẹ và thai nhi, mẹ bầu nên chú ý nhiều hơn trong sinh hoạt thường nhật của mình. Tránh không gắng sức khi mang vác đồ đạc, bà bầu sẽ thở được tốt hơn.
Ngồi đúng tư thế
Khi ngồi hãy cố gắng ngồi thẳng và đẩy vai của mình về phía sau để tạo điều kiện thuận lợi cho không khí vào phổi nhiều hơn. Ngồi ở vị trí này sẽ giúp phổi của bạn mở rộng và giảm đi áp lực cho cơ hoành.
Thay đổi tư thế khi ngủ
Vào ban đêm khi ngủ, bạn nên nâng cao đầu để mở đường thông thoáng cho đường hô hấp, chúng sẽ giúp bạn thở nhẹ nhàng hơn. Có nhiều trường hợp họ cần kê đến 2 chiếc gối để ngủ vào ban đêm để không phải ngủ ngồi. Cũng nên kê cao chân để máu lưu thông tốt. Làm như vậy bạn sẽ tránh được việc khó thở khi mang thai.
Vận động nhẹ nhàng
Trong thai kỳ, bà bầu nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga...sẽ giúp điều hòa nhịp tim và việc hô hấp được dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc tập luyện các bài tập thở được áp dụng trong lúc sinh cũng có tác dụng điều hòa nhịp thở của mẹ bầu. Tuy nhiên, trước khi thực hiện những điều này, mẹ bầu nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ.
Những hoạt động nhẹ nhàng như tập yoga sẽ giúp điều hòa nhịp tim và việc hô hấp của bà bầu sẽ trở nên dễ dàng hơn (Ảnh minh họa)
Tránh các yếu tố gây dị ứng
Một vài yếu tố dễ gây kích ứng cho đường hô hấp hoặc làm tái phát hen suyễn như: bụi bẩn, lông chó mèo, phấn hoa, nấm mốc...Vì thế, trong khi mang thai, chị em nên tránh các yếu tố này để giúp hít thở được nhẹ nhàng hơn.
Mặc trang phục thoải mái
Chọn những trang phục thoải mái giúp mẹ bầu cảm thấy dễ thở hơn. Quần áo chật ở phần giữa ngực có thể gây cản trở hệ hô hấp.
Ngoài những biện pháp nêu trên, trước khi mang thai, để phòng ngừa tốt cho sức khỏe, chị em nên có biện pháp phòng ngừa bằng cách không nên làm việc quá sức, kiểm tra sức khỏe định kỳ và luôn lắng nghe cơ thể của mình.
Khi nào cần đến bệnh viện - Phát hiện khó thở đi kèm với da chân chuyển sang màu đỏ hoặc sưng to. - Khó thở đi kèm với sốt hoặc ho có đờm xanh lá cây và màu vàng. - Tình trạng hen suyễn trở nên nghiêm trọng. - Nhịp tim nhanh hoặc tăng cao kéo dài, thở gấp. - Đau ngực hoặc khi thở bị đau. - Ho kéo dài và sốt, ớn lạnh, thở khò khè - Mẹ bầu mắc các bệnh mạn tính. |