Căng tức sữa ở những bà mẹ đang cho trẻ bú là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu căng tức sữa cộng với núm vú bị nứt hoặc xước thì bạn tuyệt đối không cho trẻ bú vì có thể sữa bị lẫn mủ.
Để bầu vú mẹ ở tư thế tự nhiên, bé có thể cảm nhận vú mẹ bằng má, giúp bé có thể há rộng miệng và tìm cách ngậm núm vú. Ảnh: T.L
Sữa có mùi tanh
Chị Hà Thanh Huyền (ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) trong lúc vắt sữa ra cốc để dành cho bé ở nhà trước khi chị đi làm đã rất đau đớn bởi một bên núm vú bị nứt nẻ, sưng to. Ngoài ra, khi nâng cốc sữa lên ngang miệng, chị Huyền còn phát hiện thấy có mùi tanh tanh rất khó chịu. Vừa đau đớn, vừa lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé nên chị Huyền đành đến viện để được khám và tư vấn.
Ngồi chờ ở phòng khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chị Nguyễn Minh Hà (ở Thanh Trì, Hà Nội) cũng lo lắng khi một bên bầu sữa của chị cương tức vì sữa về đầy nhưng em bé toàn ưỡn người, khóc thét không chịu bú mỗi khi mẹ nhét ti vào miệng bởi núm vú của chị Hà bị sưng to, nứt nẻ.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện tượng của các trường hợp trên là do bị viêm tắc tia sữa. Nguyên nhân là do các bà mẹ đã không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh. Không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết. Sữa đọng lại lâu ngày gây ôi, tắc và ung nhũ. Nếu trong trường hợp bị viêm vú, áp xe vú do tắc ống dẫn sữa cộng với đầu núm vú bị nứt hoặc xước, các bà mẹ đặc biệt cẩn trọng vì lúc này trong sữa có thể có lẫn mủ. Vì vậy, không nên cho trẻ bú bên vú bị nứt, xước mà nên cho trẻ tiếp tục bú bên lành. Với bên vú bị nứt, xước núm vẫn cần vắt bỏ sữa đều đặn nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng tắc thêm nhiều ống dẫn sữa và chườm khăn ấm nhiều lần trong ngày lên vú để bớt đau. Nếu người mẹ bị sốt liên tục trong hai ngày trở lên thì cần đến cơ sở y tế để điều trị. Trong trường hợp bị áp xe vú, người mẹ sẽ được chỉ định trích áp xe và dẫn lưu mủ.
Các bà mẹ cần phân biệt căng tức sữa bình thường và tắc ống dẫn sữa vì nếu không được điều trị kịp thời, tắc ống dẫn sữa sẽ gây nên tình trạng viêm vú hoặc áp xe vú. Tắc ống dẫn sữa sẽ xảy ra khi sữa bị tắc không chảy ra được và tạo thành một khối trong vú gây đau nhức, tấy đỏ.
Làm sao để phòng tránh?
Cũng theo TS Nguyễn Thị Lâm, hiện tượng căng tức sữa sẽ ít xảy ra nếu con nằm cạnh mẹ suốt ngày đêm và cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và ngậm bắt vú đúng. Sở dĩ bạn cần cho trẻ bú sớm sẽ giúp việc học ngậm bắt vú của bé dễ dàng hơn khi bầu ngực của mẹ còn mềm mại và bầu vú cần được kích thích bằng động tác mút của bé để có thể sản xuất đủ sữa sau này.
Có một số trẻ không chịu bú mẹ do ngậm bắt vú sai cũng dễ khiến người mẹ bị căng tức sữa. Ngoài ra, khi bé ngậm bắt vú sai, mẹ có thể bị đau vì lưỡi và hàm của bé không xoa bóp bầu ngực mà lại cọ sát vào núm vú. Khi trẻ ngậm bắt vú đúng, người mẹ sẽ thấy cằm của bé chạm vú mẹ; miệng mở rộng, ngập vú sâu; môi dưới đưa ra ngoài; quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới. Khi rời khỏi miệng bé, núm vú trông phải tròn trịa và dài hoặc giữ nguyên hình dáng như trước khi bú. Bé ngậm bắt núm vú sai có thể khiến núm vú bị dẹt hoặc xẹp lại. Các bà mẹ có thể dùng những cách sau để giúp bé ngậm bắt vú tốt:
- Cho bé áp vào sát ngực mẹ.
- Dựng cao người bé sao cho đầu con thấp hơn cằm mẹ. Mẹ dùng một tay giữ cổ hoặc vai của bé, tay kia giữa hông của con. Bé có thể ngọ nguậy để tìm ti mẹ.
- Cho bé ngửa nhẹ đầu về phía sau để có thể hút và nuốt sữa dễ dàng hơn. Ở tư thế đầu ngả sau và miệng mở rộng, lưỡi bé sẽ tự động hạ thấp, sẵn sàng để bầu sữa mẹ áp vào đầu lưỡi.
- Để bầu bú mẹ ở tư thế tự nhiên. Khi cảm nhận được vú mẹ bằng má của mình, bé có thể há rộng miệng và tìm cách ngậm núm vú.
Ngoài ra, người mẹ cũng nên tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Cần mặc áo ngực vừa vặn, phù hợp với kích cỡ ngực, không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tổn thương vú do cọ xát.
Trước và sau mỗi lần cho con bú, cần sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và xung quanh bầu vú thật sạch sẽ, khô thoáng. Cho trẻ bú đều hai bên vú. Không nên cho bé vừa ngủ vừa ngậm vú. Khi trẻ vừa bú vừa ngủ thường nhay, cắn vào đầu vú, có thể gây tổn thương dẫn đến viêm nhiễm đầu vú.
Nếu vú có biểu hiện sưng đau, nhức bầu vú, nứt núm vú… bà mẹ cần tạm thời ngừng cho con bú và đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị.
Lưu ý khi sử dụng máy hút sữa Sử dụng máy hút sữa không đúng có thể làm đau hoặc tổn thương đầu ti và lạm dụng máy lâu dài như thế sẽ làm hại các mô và các cấu trúc nâng đỡ bên trong bầu ngực khiến bầu ngực sớm bị chảy xệ. Một vài mẹ nghĩ rằng phải mở máy hút chế độ mạnh nhất để hút được nhiều sữa nhất, cộng thêm vào đó, các mẹ dùng phễu không đúng kích thước, hoặc hút quá lâu. Do đó khi sử dụng máy hút sữa, mẹ phải đọc kỹ cẩm nang hướng dẫn để dùng đúng, làm đúng. Về mặt nguyên tắc, bé bú mẹ là “massage+vắt+hút” cùng một lúc, nên sữa về nhiều nhất. Khi hút sữa thì chỉ có động tác hút mà thôi, do đó phải áp dụng thêm phương pháp massage trước, trong và sau khi hút sữa để hút được nhiều sữa mà không cần hút lâu và mạnh. Phễu chỉ cần vừa kín phần trước ngực để kín hơi khi hút, không được ấn phễu quá mạnh ngược vào bầu ngực khiến một số tuyến sữa và ống dẫn sữa ở những nơi bị ép này không thoát được sữa, dễ gây tắc sữa. |