Khi mang thai, ban ngày chị Tuyến vẫn cười nói vui vẻ, nhưng đêm xuống lại vùi mình trong đau xót, không thể chợp mắt trước 4 giờ sáng.
"Đến bây giờ cuộc sống đã an yên nên mình không muốn nhắc đến khổ đau trước kia nữa", đó là câu trả lời của chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (36 tuổi, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh) khi được đề nghị chia sẻ câu chuyện về chứng trầm cảm khi mang bầu và sau sinh dai dẳng của mình.
Vậy nhưng sau đó, chị lại quyết định kể hết. Bởi chị nghĩ rằng có thể đâu đó ngoài kia có những người phụ nữ đang phải đối mặt với thử thách như chị trước đây. Và có thể cái kết của câu chuyện về những tháng ngày "cơm chan nước mắt" của chị sẽ giúp chị em có thêm động lực vươn lên.
9 tháng mang thai sống trong nước mắt, chưa bao giờ ngủ trước 4 giờ sáng
Đôi lúc, chị Tuyến vẫn luôn tự hỏi tại sao ông trời lại đặt ra cho cuộc sống của chị nhiều thử thách đến vậy. Từ việc làm ăn đến tình duyên, con đường chị đi chưa bao giờ bằng phẳng. Và khi đã chạm mốc 30 tuổi, sau khi trải qua vài lần đổ vỡ, "cưới hụt" thì chị gặp anh, người mà chị tin rằng sẽ cùng mình đi đến trọn cuộc đời. Anh chị quyết định về sống với nhau như vợ chồng.
Khi chị Tuyến phát hiện mang bầu sau 3 năm hiếm muộn thì cũng là lúc gia đình chị đổ vỡ.
Sau 1 thời gian làm lụng vất vả để ổn định kinh tế, chị Tuyến quyết định sinh con thì đáng buồn thay "tin vui" chị chờ mãi lại không đến. Suốt 3 năm, chị theo bác sĩ chạy chữa, khám hiếm muộn nhưng không thành. Rồi đến khi chị muốn buông bỏ vì cuộc sống và tình yêu không suôn sẻ thì con lại bất ngờ đến.
"Con đến với mình khi công ty ở trên bờ vực phá sản, tình cảm của mình và ba của con đang có nhiều mâu thuẫn, trong người mình tài chính chỉ còn là con số 0 tròn trĩnh. Ngày thai vừa được 2 tháng, mình buộc phải rời công ty, chuyển chỗ ở đến 1 nơi cách xa trung tâm 15km để đỡ chi phí. Rồi ba của con mình cũng bỏ hai mẹ con đi biệt tăm khi mình mang thai chưa được 3 tháng", chị Tuyến tâm sự.
Đây cũng là lúc chị Tuyến bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm mà chị không hề hay biết.
Chị bộc bạch: "Khi mang thai, ban ngày mình vẫn vui vẻ, cười nói với mọi người nhưng đêm về sau cánh cửa phòng, một mình với em bé đang còn trong bụng, mình lại không thể chợp mắt trước 4 giờ sáng. Hầu như đêm nào mình cũng chỉ ngủ được 2-3 tiếng, mắt thao láo và suy nghĩ ngổn ngang. Mình thậm chí còn khó chịu và nổi nóng với tất cả mọi người, kể cả mẹ mình. Mỗi khi mẹ điện thoại nhắc nhở ăn uống, mình lại gào lên.
Những ngày tháng mang bầu con trai, chị Tuyến dường như sống trong nước mắt.
Ra đường thấy người phụ nữ nào có chồng bên cạnh, mình lại lấy tay xoa bụng và khóc. Đi khám thai một mình, ra xe về cũng khóc, nước mắt nước mũi ướt hết cả khẩu trang, khóc không thấy đường đi thì dừng lại lau nước mắt rồi đi tiếp. Nghe bản nhạc buồn cũng khóc. Ngồi ăn cơm một mình cũng khóc. Cuộc sống của mình lúc đó chỉ toàn là nước mắt chan cơm, thật không hiểu nước mắt đâu ra mà nhiều thế".
Không chỉ dừng lại ở tinh thần, thể chất của chị Tuyến cũng suy kiệt trong thời gian mang thai. Mang thai suốt 5 tháng, chị không tăng được cân nào, xương khớp lúc nào cũng đau đớn đến mức đứng lên ngồi xuống cũng khó khăn. Bên cạnh đó, chị còn bị tụt huyết áp liên tục cộng thêm chứng đau dạ dày hành hạ. Rồi mỗi khi xúc động hay hắt xì là máu mũi chị ra từng cục nhưng sau bao nhiêu xét nghiệm, hội chẩn các bác sĩ cũng không tìm ra bệnh. Vì chị đang mang thai nên cũng khó can thiệp bệnh mà chỉ có thể theo dõi thường xuyên và dùng thuốc cầm chừng.
Những ngày tháng sau sinh khổ "cùng cực", chỉ nghĩ đến cái chết
Dù cuộc sống nhiều cay đắng nhưng chị Tuyến vẫn cố gắng vượt qua, ăn uống không ngon những vẫn cố nuốt vì nghĩ đến con. Và 9 tháng thai kỳ cũng qua.
"Ngày đi đẻ của mình cũng chẳng suôn sẻ gì. Khi bị rỉ ối ngày đầu tiên, mình đi khám thì bác sĩ bảo yên tâm chưa có dấu hiệu sinh, về khi nào ối ra nhiều thì gọi bác sĩ. Rồi ngày nào mình cũng gọi nhưng chưa được sinh. Đến ngày thứ 13 mình sốt ruột quá mới đến khám thì bác sĩ chỉ định nhập viện gấp. Mình tự đi bộ sang đường vào viện luôn rồi mới gọi người nhà lên, trong người có đúng hơn 5 triệu.
Ngày đi sinh của chị cũng không hề suôn sẻ.
Đến 12 giờ đêm thì mình được tiêm thuốc kích đẻ, cổ tử cung mở được 5cm. Đến 4 giờ thì mình được tiêm thuốc gây tê tủy sống rồi nằm thiếp đi. Vậy nhưng khi tỉnh lại thì lại thấy mình đang được đẩy vào phòng mổ vì cổ tử cung không mở thêm. Khi dao kéo chuẩn bị cho ca mổ, vệ sinh khử trùng vùng bụng mình nghe và thấy hết. Cả người lành lạnh rờn rợn, chân tay lạnh cóng co quắp, miệng run răng va vào nhau lập cập nhưng vẫn cố nói chuyện với bác sĩ. 9 giờ 30 phút thì con trai mình được bắt ra khỏi bụng mẹ nhưng đến gần 3 giờ chiều mới tỉnh lại được thấy con", chị Tuyến nhớ lại ngày mình sinh con.
Sau những tháng ngày mang thai đầy vất vả, chị Tuyến nghĩ rằng cuối cùng cuộc sống đã được bình yên. Vậy nhưng, không ai ngờ sau sinh chị vẫn bị căn bệnh trầm cảm dai dẳng.
"Vết mổ mãi không lành và chảy nước, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, thèm một giấc ngủ ngon nhưng không được, thèm cuộc sống có người đàn ông làm chỗ dựa, để mình không phải gồng mình lên đảm đương tất cả. Thằng bé không biết có cảm nhận được không, nhưng mỗi khi con khóc, mình nói con nín đi lát ba về thăm con là nó nín. Đêm về suốt 4 tháng mình không ngủ được một phút giây nào nhưng tuyệt đối ngày không buồn ngủ. Có những đêm thằng bé khóc hoài, làm đủ mọi cách nó vẫn không nín, ôm con, 2 mẹ con khóc. Mình lại dỗ dành nghĩ sao con không biết thương mẹ, con ngoan sáng mai ba về thăm con...”, chị xót xa chia sẻ.
Bị trầm cảm sau sinh, nhiều lúc chị Tuyến đã nghĩ đến cái chết.
Thậm chí đã có những lúc quá mệt mỏi, chị Tuyến lại nghĩ thôi uống liều thuốc kết liễu cuộc đời sẽ không đau đớn và khổ sở nữa rồi gửi con lại cho ba nó. Và rồi ngày con đầy tháng cũng là ngày chị nhận ra mình đang mắc căn bệnh trầm cảm.
"Hôm đó mình tự tay nấu ăn, mời chị em bạn bè đến vui cùng hai mẹ con. Vậy nhưng khi có vài chị bạn nhắc nhở chuyện kiêng cữ, ăn uống, ngủ nghỉ, mình lại như người điên gào lên rồi đuổi họ về. Sau bữa tiệc đó, đêm mình nằm bình tâm nghĩ lại mới thấy sao mình lại trở nên cọc cằn bẩn tính như thế. Mình lên mạng tìm kiếm thì mới biết, họ gọi những triệu chứng đó là trầm cảm", chị Tuyến nói.
Thời gian đối phó với trầm cảm của chị không phải một vài ngày mà là cả thời gian dài. Động lực để chị vượt qua chính là bà mẹ, anh chị em và con trai chị.
Gia đình và con trai chính là động lực để chị Tuyến vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
"Mạng sống của mình là ba mẹ cho, tình yêu tình thương của ba mẹ còn chưa báo đáp nên mình tự nhủ phải mạnh mẽ sống để đền đáp công ơn. Nụ cười, tương lai của con trai mình còn chưa vẹn tròn nên mình sao dám hèn kém bỏ đi mạng sống? Đó chính là những động lực để mình vượt qua tất cả", chị Tuyến tâm sự.
Đến bây giờ, con trai chị Tuyến đã gần 3 tuổi. Chị tự ví cuộc sống hiện tại của mình "như một bản nhạc vàng, có lúc trầm lúc bổng nhưng chắc chắn là một tuyệt phẩm". Khi đã tìm được bình yên bên con trai, chị Tuyến cũng muốn nhắn nhớ đến những người phụ nữ khác rằng: "Thiên chức của chúng ta là được làm mẹ. Làm mẹ từ khi thai nghén đến lúc con trưởng thành là điều vĩ đại nhất. Cho dù bất cứ lí do hoàn cảnh nào thì bản thân ta mới là thứ quý giá nhất. Hãy yêu mạng sống và bản thân mình, từ đó ta tự cân bằng biết yêu con, yêu gia đình và yêu mọi người. Có ai nhìn và nếm biết được nước mắt ai mặn hơn nhưng nụ cười thì chúng ta có thể biết được nụ cười ai rạng rỡ hơn đấy. Vậy nên chúng ta hãy luôn cười".