Thấy vợ vẫn vui vẻ bình thường, người chồng hoàn toàn không hề hay biết bệnh tình phía sau của vợ. Anh nô đua cùng con và đó là lần cuối cùng anh còn được gặp vợ.
Sinh con là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với tất cả những người mẹ. Khi chào đón một sinh linh mới, hầu như người mẹ nào cũng mong bản thân khỏe mạnh để có thể chăm sóc con yêu thật tốt. Nhưng không phải bà mẹ nào cũng trải qua hành trình nuôi con dễ dàng như thế. Đã có rất nhiều những câu chuyện đau lòng xảy ra để thấy rằng: làm mẹ là một điều không hề đơn giản. Người phụ nữ phải trải qua những áp lực rất lớn trong quá trình thực hiện thiên chức cao quý này.
Gia đình anh Xie ở Tín Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đang phải trải qua những ngày tột cùng đau khổ vì người vợ tự tử sau khi sinh con. Bi kịch đau lòng này bắt đầu chỉ vì cô đã bị trầm cảm sau sinh.
Vợ anh Xie là Tiantian, năm nay 29 tuổi. Đây là lần đầu tiên cô làm mẹ, với biết bao hồi hộp, mong đợi của cả gia đình. Ngày 10/12, cô hạ sinh 1 bé gái khỏe mạnh, xinh xắn. Sau khi xuất viện về nhà, Tian phải đối diện với một vấn đề là: không có sữa cho con bú. Nhìn cảnh con khóc lóc thèm bú, Tian rất lo lắng, đau khổ và dằn vặn. Gia đình cũng đã áp dụng những biện pháp dân gian để giúp cô có sữa nhưng đều không có tá dụng. Đứa trẻ phải tạm thời bú sữa công thức. Thế nhưng cả hai vợ chồng đều cảm thấy rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất và nếu không thể làm được điều đó thì thật là có lỗi với con.
Sinh con xong không có sữa, người mẹ trẻ vô cùng lo lắng, dằn vặt và tự trách bản thân mình rất nhiều (Ảnh minh họa)
Chính vì vậy, hai vợ chồng đã cố gắng làm mọi chuyện có thể để khắc phục tình trạng này. Anh Xie đã đưa vợ đến trung tâm can thiệp. Trong những năm gần đây, ở nhiều thành phố thường mở các trung tâm lưu trú, ở đó, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, y tá sẽ trực tiếp nuôi, cho trẻ bú một cách chuyên nghiệp và tư vấn, hỗ trợ người mẹ. Cặp vợ chồng này đã tìm đến một câu lạc bộ bà mẹ và trẻ em để được tư vấn.
Tại đây, các nhân viên đã lắng nghe tình trạng của vợ Xie. Họ nói không có vấn đề gì và gia đình hoàn toàn có thể yên tâm khi đến với trung tâm. Anh đã phải chi trả một khoản phí là 15.600 nhân dân tệ cho việc tư vấn và 2000 nhân dân tệ đặt cọc để đưa vợ con đến với trung tâm. Ngay ngày hôm đó, anh về nhà đưa vợ và con chuyển tới đây.
Sau khi tới câu lạc bộ này, trước vấn đề thiếu sữa của mẹ, các nhân viên cũng đã áp dụng một số biện pháp để giúp cô cải thiện tình hình. Tuy nhiên 2 ngày sau, mọi thứ vẫn không có tiến triển. Tâm trạng của người mẹ sau khi sinh thực sự có nhiều bất ổn, vợ của Xie lúc đó chỉ muốn về nhà. Tuy nhiên, nhân viên của trung tâm giữ cô lại với lý do: Cô không thể về nhà. Cô phải ở đây khoảng 10 ngày, mọi chuyện sẽ được khắc phục. Bệnh viện cũng không thể giải quyết được tình trạng thiếu sữa đâu, tốt nhất là cô nên ở đây.
Không còn cách nào khác, người mẹ ấy phải ở lại. 3 ngày sau, người chồng tới với trung tâm để thăm vợ và con. Lúc này đứa bé được đưa đi tắm. Anh Xie cho biết lúc đó tâm trạng của vợ vẫn rất bình thường. Anh nói chuyện, cười đùa với con nhưng anh không thể ngờ đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy vợ mình.
Vào giữa trưa, anh Xie bất ngờ nhận được một tin nhắn thông báo chuyển tiền vào tài khoản. Đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình mà trước đó vợ anh đang quản lý. Anh vội vã gọi cho vợ nhưng chỉ thấy nhân viên trung tâm nghe máy. Họ nói có thể cô ấy ra ngoài.
Sau đó, vợ của anh gọi cho chồng 1 cuộc gọi cuối cùng: “Em đi đây”. Anh Xie vội vã đến trung tâm cùng với gia đình. Nhưng khi họ đến đó, người vợ đã được xe cứu thương đưa đi và cô chết trên đường tới bệnh viện. Theo điều tra của cảnh sát, sản phụ này tự tử bằng cách nhảy khỏi tòa nhà.
Người mẹ trẻ đã tự tử, bỏ lại đứa con thơ khát sữa và nỗi đau vô hạn của gia đình
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, anh Xie yêu cầu trung tâm đưa ra lời giải thích nhưng phía trung tâm cho rằng tự tử là sự lựa chọn của Tiantian và họ không liên quan. Xie nói rằng các cửa sổ ở trung tâm không có bất cứ biện pháp bảo vệ nào và điều này gây nguy hiểm. Còn phía Trung tâm lại cho rằng, những người đến đây đều là người trưởng thành, có ý thức và hành vi của riêng mình, nếu họ đã muốn tự tử thì họ có thể mở cửa sổ và nhảy ra ngoài bằng mọi cách. Đó không phải là trách nhiệm của phía trung tâm.
Tiantian từ giã cõi đời, bỏ lại một đứa con thơ khát sữa. Và nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm ấy chính là việc cô đã bị chứng trầm cảm sau sinh. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người gặp phải tình trạng này. Trong hoàn cảnh như Tiantian, việc bắt ở lại trung tâm để điều trị theo một cách gượng ép như thế cũng có một phần tác nhân gây ra những ức chế về mặt tinh thần, liên quan tới chứng trầm cảm của cô. Do đó, mọi người cần phải chú ý đến sức khỏe tinh thần của sản phụ sau khi sinh con, mặc dù bề ngoài trông họ có vẻ như hoàn toàn bình thường.
Mọi người cần phải chú ý đến sức khỏe tinh thần của sản phụ sau khi sinh con, mặc dù bề ngoài trông họ có vẻ như hoàn toàn bình thường. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh hiện nay chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 25% trong vòng 12 tháng sau sinh. Đây là chứng bệnh rất phổ biến và nguy hiểm, người bệnh có thể bị trầm cảm nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài, dẫn đến những hành động tiêu cực cho bản thân.
Bệnh trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động dại dột, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Do đó, nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh con chính là cách để bảo vệ bản thân khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh trầm cảm.
Những dấu hiệu trầm cảm sau sinh - Vô cùng buồn chán, cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng - Dấu hiệu trầm cảm sau sinh: Khóc mọi lúc - Mất hứng thú hay không vui vẻ trong các hoạt động và sở thích thông thường - Khó ngủ vào ban đêm hoặc buồn ngủ vào ban ngày - Mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều, cân nặng tăng hoặc giảm không chủ định - Cảm giác là kẻ vô dụng hoặc cảm giác tội lỗi chế ngự cảm xúc - Biểu hiện trầm cảm sau sinh: Bồn chồn hoặc trì trệ - Khó tập trung hoặc đưa ra quyết định - Cảm thấy cuộc đời không đáng sống. Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh khác bao gồm: - Cáu kỉnh hay tức giận - Biểu hiện trầm cảm sau sinh: Tránh bạn bè và gia đình - Lo lắng quá nhiều cho con bạn - Không quan tâm đến hoặc không có khả năng chăm sóc con bạn - Cảm giác mệt mỏi đến mức bạn không thể ra khỏi giường trong nhiều giờ. - Trong các trường hợp hiếm hoi, một số phụ nữ trầm cảm sau khi sinh có những suy nghĩ ảo tưởng hoặc ảo giác và có thể gây hại cho con họ. Gia đình, người thân cần đặc biệt quan tâm tới người mẹ sau khi sinh để tránh việc họ cảm thấy cô đơn, một mình chiến đấu lại với căn bệnh đáng sợ này và gây ra những hậu quả đáng tiếc. |