Thành phần dinh dưỡng của trứng ngỗng tương đương như trứng các loại gia cầm khác, thậm chí còn thấp hơn trứng gà.
Hỏi: Tôi đang mang bầu được 3 tháng, có nhiều người mách nên ăn nhiều trứng gà để bổ sung dưỡng chất và năng lượng. Vậy, tôi ăn mỗi ngày một quả trứng gà có nhiều quá không? Trứng gà liệu có tốt hơn trứng ngỗng không thưa bác sĩ? Và xin bác sĩ cho tôi lời khuyên về chế độ dinh dưỡng khoa học dành cho người mới mang thai?
Xin cảm ơn!
Độc giả Phạm Thị Hạnh (Hà Nội)
Trả lời:
Thành phần dinh dưỡng cao
Theo thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, trứng gà là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thành phần có đủ chất đạm, chất béo, vitamin và khoảng chất. Đạm của trứng có đầy đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối thích hợp nên hấp thu tốt.
Ngoài ra, trứng gà còn có nguồn chất béo quý là lecithin có tác dụng điều hòa cholesterol. “Trứng gà có nhiều vitamin và chất khoáng: vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo, nhất là omega 3. Với giá trị dinh dưỡng ưu việt đó, bổ sung thêm trứng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai vào khẩu phần ăn hàng ngày một lượng thích hợp rất tốt”, bác sĩ Tường Vi cho biết.
Bác sĩ Tường Vi khuyến cáo, các mẹ bầu nên bổ sung trứng trong khẩu phần ăn từ 3-4 quả/ tuần. Các trường hợp bà bầu có tăng huyết áp, rối loạn mỡ, đái tháo đường,…chỉ nên ăn 2 quả/tuần và có sự tư vấn của các chuyên gia để có chế độ ăn thích hợp.
Trứng ngỗng có tốt hơn trứng gà?
“Rất nhiều người quan niệm rằng: trứng ngỗng bổ hơn trứng gà. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh vấn đề này. Thành phần dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng tương đương như các loại trứng gia cầm khác, thậm chí còn thấp hơn trứng gà”, bác sĩ Tường Vi chỉ rõ.
Thành phần dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng tương đương như các loại trứng gia cầm khác, thậm chí còn thấp hơn trứng gà
Hàm lượng chất béo và cholesterol trong trứng ngỗng cao hơn trứng gà rất nhiều. Nếu lạm dụng trứng ngỗng sẽ không tốt cho các mẹ bầu thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu hay thái đường.
Bên cạnh đó, trứng ngỗng ăn có mùi vị nhạt nhẽo, không ngon bằng trứng gà. Do vậy, các mẹ bầu không nhất thiết phải tìm trứng ngỗng để tẩm bổ, vừa đắt và hiếm thấy và tác dụng không vượt trội so với trứng gà.
Chế độ dinh dưỡng khoa học dành cho mẹ bầu
Trong quá trình mang thai, bà bầu nên có chế độ dinh dưỡng khoa học để cần thiết cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con trong bào thai. Vì vậy, các bà bầu cần lưu ý đến chế độ ăn uống hợp lí:
Năng lượng
Bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi cho biết, trong 3 tháng giữa mang bầu cần tăng nhu cầu năng lượng thêm 360 kcal/ngày; trong ba tháng cuối cần thêm 475 kcal/ngày tương đương một bát cơm đầy.
Tốc độ tăng cân nên duy trì ở mức 0,4kg/tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai; tăng 0,5kg/tuần đối với phụ nữ có cân nặng thấp và 0,3kg/tuần đối với phụ nữ thừa cân.
Bà bầu nên có chế độ dinh dưỡng khoa học để cần thiết cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con trong bào thai
“Người có bầu nên ăn các thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Chất béo sẽ ăn ở mức cao hơn bình thường. Nên sử dụng cả axit béo no và không no”, bác sĩ cho hay.
Vitamin và các khoáng chất
- Canxi: Canxi cần cho thai nhi xây dựng bộ xương và tạo răng. Nhu cầu canxi cần tăng thêm 300mg/ngày đạt 1.000mg/ngày. Thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa và các sản phẩm từ sữa, cá, đậu, rau xanh. Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai, kem là nguồn cung cấp canxi tốt cho cơ thể
- Axit folic: Khi thiếu axit folic ở phụ nữ có thai dễ gây ra thiếu máu và gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Axit folic có nhiều trong các loại rau có lá, bắp cải, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, thận, trứng. Nhu cầu axit folic ở phụ nữ mang thai là 600µg/ngày.
- Vitamin A: Thai phụ cần có một lượng vitamin A dự trữ đủ để cung cấp cho con và tăng sức đề kháng cho mẹ. Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật: gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, thịt… rau quả có màu xanh, màu vàng, đỏ.
- Vitamin D: Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi và photpho, góp phần cấu tạo xương. Nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể (80%) là do sự tổng hợp trong da dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan cá, trứng, bơ, sữa, các loại cá béo.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết như sắt, kẽm, iốt để có một thai kỳ thật sự khoẻ mạnh. Đặc biệt, không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè,…; Giảm các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, dấm,…; Cân nhắc khi dùng kháng sinh vì có thể gây hại cho trẻ.
BÀI LIÊN QUAN Gặp mẹ mang thai 23 tuần vẫn đẹp như gái còn son Mẹ 9x với quan điểm 'sinh xong vẫn phải đẹp để giữ chồng' |