"Mùa đông sản khoa" ở các bệnh viện Trung Quốc

Ngày 27/03/2024 21:57 PM (GMT+7)

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh khiến nhiều khoa phụ sản trên cả nước phải đóng cửa, chuyên gia dự đoán tình trạng này sẽ tiếp diễn.

Theo Reuters, kể từ tuần này, nhiều bệnh viện đã ngừng cung cấp dịch vụ sản khoa. Dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy hiện tượng này không xảy ra đột ngột. Kể từ năm 2020 đến năm 2021, số bệnh viện phụ sản cả nước đã giảm từ 807 xuống 793, bao gồm một số cơ sở ở Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Tây, Quảng Đông...

"Mùa đông sản khoa dường như kéo đến một cách lặng lẽ", tờ Daily Economic News nói hôm 23/3.

Bên cạnh việc đóng cửa khoa sản, nhiều cơ sở y tế giảm giờ làm cho bác sĩ, hộ sinh, y tá, cắt các ca trực đêm, giảm số lượng dịch vụ chăm sóc.

Giáo sư Deng Yong và Wang Chongyu, Đại học Y học Trung Quốc Bắc Kinh, cảnh báo về việc đóng cửa khoa nhi và sản. Theo cả hai, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản cho người dân, làm căng thẳng cho nguồn lực của bệnh viện và gây một loạt vấn đề xã hội.

"Nếu không có đủ bệnh viện sản nhi, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ không được điều trị một cách chuyên nghiệp, hậu quả vô cùng thảm khốc", hai giáo sư nhận định.

Em bé sơ sinh được cân sau khi chào đời tại tỉnh An Huy, tháng 10/2011. Ảnh: Reuters

Em bé sơ sinh được cân sau khi chào đời tại tỉnh An Huy, tháng 10/2011. Ảnh: Reuters

"Mùa đông sản khoa" kéo đến trong bối cảnh dân số Trung Quốc giảm hai năm liên tiếp.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 công bố số liệu cho thấy dân số tới cuối năm 2023 là 1,409 tỷ người, ít hơn hai triệu so với mốc cuối năm 2022. Cả nước ghi nhận 11 triệu ca tử vong so với 9 triệu ca sinh, giảm so với 9,6 triệu ca sinh năm 2022.

"Dân số tiếp tục suy giảm, thậm chí mức giảm cao gấp đôi so với năm trước", Wang Feng, chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California, Irvine, nói.

Đà suy giảm quy mô nhân khẩu học này được coi là hệ quả chính sách một con triển khai trong giai đoạn 1980-2015, khiến nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh một con, thậm chí không sinh con.

Từ năm 2021, giới chức Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân sinh con, như giảm thuế, chế độ nghỉ thai sản dài hơn và trợ giá nhà ở. Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Một số chuyên gia cho rằng thông điệp chính phủ đưa ra trong nhiều thập kỷ về lợi ích của việc sinh một con quá hiệu quả. Bên cạnh đó, những chi phí liên quan đến chăm sóc, giáo dục và y tế trẻ em ở nước này khá đắt đỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp và kinh tế của người trẻ.

"Tôi không muốn cuộc sống của mình chỉ quanh quẩn với việc chăm con, làm việc nhà và chăm sóc bố mẹ chồng khi họ già yếu. Tôi thấy nhiều gia đình mong đợi điều đó ở con dâu", Wenyi Hai, cư dân tại Thượng Hải, cho biết.

Cô gái 24 tuổi thường lảng tránh những lời thăm hỏi về tình trạng quan hệ của họ hàng mỗi dịp Tết Nguyên đán hoặc tụ họp gia đình.

Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa Xã hội học, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết tâm lý ngại đẻ của phụ nữ Trung Quốc cũng giống nhiều nơi trên thế giới.

"Những gì chúng ta cần là nhận ra thách thức cơ bản khi bắt đầu cuộc sống gia đình với giới trẻ ở Trung Quốc và nhiều khu vực khác, như chi phí nhà ở, việc làm ổn định và thu nhập cao", giáo sư Basten giải thích.

Vợ võ sĩ quyền Anh hàng đầu thế giới sinh 7 con vẫn có vóc dáng như siêu mẫu
Bà mẹ 7 con này làm bao người ngưỡng mộ khi vẫn có vóc dáng cân đối.

Giảm cân sau sinh

Thục Linh (Theo Reuters, Aljazeera)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu