Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật

Ngày 16/05/2018 05:54 AM (GMT+7)

Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức) sẽ chỉ ra những sai lầm trong việc kiêng khem khi mang bầu mà mẹ mang thai nên lưu ý.

Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật - 1

Tác giả bài viết:  Bác sĩ Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phụ nữ mang thai có lẽ là đối tượng “được” cho lời khuyên nhiều nhất. Cộng thêm sự trợ giúp của các công cụ tìm kiếm, báo chí, mạng xã hội, các trang web…, rồi đến gia đình, bạn bè, bạn sẽ có rất nhiều điều cần ghi nhớ khi có thai. Tuy nhiên, những thông tin được truyền nhau nhiều khi “người ta nói vậy” mà cũng không hiểu tại sao. 

Dưới đây chỉ là những góc nhỏ, chưa thể đáp ứng đủ vô số lời dặn dò cho bà mẹ mang thai, nhưng ít nhất đây là những việc được chứng minh rõ ràng.

Viên đa sinh tố

Đồn đoán: Thuốc bổ giúp con cao lớn khoẻ mạnh. Thuốc ngoại nhập là tốt nhất, uống nhiều nhiều cho tốt.

Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật - 2

Hàm lượng các chất trong viên đa sinh tố dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú được tính dựa trên nhu cầu vitamins và khoáng chất mỗi ngày. (ảnh minh họa)

Sự thật: Hàm lượng các chất trong viên đa sinh tố dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú được tính dựa trên nhu cầu vitamins và khoáng chất mỗi ngày. Ngoại trừ vitamin D, acid folic và chất sắt, cho đến nay thật sự vẫn chưa có công thức nào được cho là tối ưu.

Những phụ nữ có chế độ dinh dưỡng cân bằng thì nguồn dinh dưỡng trong thức ăn hàng ngày cũng có thể đủ, có thể không cần uống bổ sung. Không có loại thuốc nào thần kì giúp thai nhi thông minh, cao lớn, khoẻ mạnh chỉ bằng cách uống mỗi viên đa sinh tố hàng ngày. Và mẹ bầu cũng đừng hỏi “Cho em loại nào tốt nhất” vì… chưa có loại tốt nhất.

Cần nhớ: Phụ nữ mang thai mỗi ngày cần (tính cho cả viên uống bổ sung và thức ăn hàng ngày)

+ 400-800 microgram acid folic (dùng đến 3 tháng đầu thai kỳ). Riêng những bà mẹ từng có tiền sử thai bị dị tật ống thần kinh, liều khuyến cáo lên đến 4000mg (4g)/ngày.

+ 30mg sắt (hoặc được tầm soát thiếu máu khi có thai). Nếu bạn ăn đủ lượng này, được tầm soát thiếu máu thì không cần. Nếu không thiếu máu, uống viên sắt không mang lại lợi ích gì.

+ 600IU vitamin D, 1000 mg calcium. Calcium còn có khả năng giảm nguy cơ rối loạn huyết áp trong thai kỳ (không phải uống để em bé cao to), bạn nên đảm bảo lượng Calcium được khuyến cáo.

Hầu hết các viên đa sinh tố hiện nay chứa khoảng 200-300mg trong mỗi viên. Viên đa sinh tố gần như vô hại. Những phụ nữ không chắc mình ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết thì nên uống bổ sung.

Ăn uống và tăng cân

Đồn đoánNên ăn thật nhiều, ăn gấp đôi, ăn nhiều các chất bổ dưỡng, thức ăn đắt tiền.

Sự thật: Nên ăn uống đa dạng, đủ chất thì tốt hơn ăn nhiều về lượng. Khuyến cáo ăn nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc, sản phẩm từ sữa.

Lượng calories tăng hơn nhu cầu thường nhật chỉ khoảng 300-450 calories/ngày (một hũ sữa chua khoảng 250 - 300 calories) trong 6 tháng cuối thai kỳ. Thời gian 03 tháng đầu có thể ăn uống ít do nghén và đôi khi có sụt cân.

Mức tăng cân trong 06 tháng sau thai kỳ tuỳ thuộc vào cân nặng trước khi có thai, được tính dựa trên chỉ số BMI như sau: 

+ BMI <18,5: bạn cần tăng khoảng 13-18kg

+ BMI18,5 – 24,9: bạn cần tăng khoảng 11-16kg

+ BMI 25 -29,9: bạn cần tăng khoảng 7- 11kg

+ BMI ≥ 30: bạn cần tăng 5-9kg

Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật - 3

Ăn cá

Đồn đoán: Không ăn cá hay tôm, mực vì có hại cho thai nhi

Sự thậtCá rất tốt, nhất là các loại chứa DHA nhiều như cá hồi, cá thu. Nên ăn cá 2-3 lần/tuần. Nếu nguồn thực phẩm tại chỗ không có, cần bổ sung viên uống DHA.

Mẹ lưu ý không ăn các món cá sống, thịt tái, sữa chưa tiệt trùng.

Cà phê

Đồn đoán: Uống cà phê làm em bé bị đen.

Sự thật: Những lợi ích - bất lợi của cà phê trên thai nhi và khuyến cáo mức ảnh hưởng hiện vẫn còn tranh cãi. Rất khó kiểm soát lượng caffeine bạn tiêu thụ thật sự (ở Việt Nam), theo tài liệu mới nhất là <300mg/ngày (trước đây là <200mg/ngày). Bạn cần đọc thành phần của các thức uống vì caffein không chỉ có trong cà phê mà có trong các loại nước ngọt có ga, nước tăng lực...

Bạn nên hạn chế tối thiểu lượng cà phê tiêu thụ vì cà phê làm bạn khó ngủ, hồi hộp do tăng nhịp tim, kích thích làm mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn. Làn da của bé là do di truyền chứ không do bạn uống cái gì khi mang thai.

Hạn chế vận động

Đồn đoán: Bà mẹ mang thai cần nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, ngủ nhiều cho con khoẻ.

Sự thật: Hạn chế vận động, nằm tại giường hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho mẹ và thai. Nằm bất động không cải thiện kết cục thai kỳ, kể cả trong trường hợp doạ sẩy thai hay sinh non, ngược lại còn làm tăng một số nguy cơ bất lợi.

Thai phụ được khuyến khích tập thể dục thường xuyên mỗi ngày tập 20-30 phút, 4-5 lần/tuần.

Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật - 4

Thai phụ được khuyến khích tập thể dục thường xuyên mỗi ngày tập 20-30 phút, 4-5 lần/tuần. (ảnh minh họa)

Quan hệ tình dục

Đồn đoán: Không nên quan hệ vợ chồng khi có thai vì gây tổn thương thai nhi.

Sự thật: Bà mẹ mang thai vẫn có khả năng duy trì đời sống tình dục trừ một số trường hợp: ra huyết âm đạo, nhau tiền đạo, tiền căn vỡ ối non. Thật ra vẫn chưa có bằng chứng cho thấy giao hợp gây sinh non hay vỡ ối, chỉ có một số bằng chứng bất lợi như làm chảy máu trong trường hợp nhau tiền đạo.

Tư thế nằm ngủ

Đồn đoán: Nên nằm nghiêng bên trái để em bé dễ thở.

Sự thật: Lời khuyên nằm nghiêng trái thật sự là có căn cứ, do bớt chèn ép tĩnh mạch lớn, máu về tim tốt hơn. Lý thuyết sinh lý là vậy, nhưng khuyến cáo vẫn là “nằm bên nào bạn thấy dễ chịu”, đừng cố nằm nghiêng trái rồi thức trắng đêm. Mẹ ngủ được, khoẻ là con khoẻ.

Thuốc phòng hay trị côn trùng cắn (nhất là muỗi)

Bạn có thể sử dụng các loại thuốc hiện đang lưu hành, vì nó không liên quan dị tật thai. Một số tài liệu khuyên không sử dụng loại chứa DEET (N-diethyl-3-methylbanzamide) nhưng nếu thuộc vùng nguy cơ cao các bệnh lây truyền qua muỗi đốt (như Zika hay sốt xuất huyết) thì có thể sử dụng.

Đi du lịch

Lời đồn: đi máy bay làm sinh non; cổng quét an ninh có tia xạ ảnh hưởng thai nhi.

Sự thật: Đi máy bay được xem là an toàn cho thai phụ. Bạn nên tìm hiểu thông tin của địa điểm đến như thời tiết, dịch bệnh, cơ sở y tế…

Không có tuổi thai xác định khi nào hoàn toàn không được đi máy bay. Tuy nhiên cần cân nhắc những nguy cơ khi đi, chẳng hạn: chuyển dạ sinh trên hành trình; thuyên tắc mạch do ngồi lâu trên những chuyến dài.

Liều tia xạ ở các cửa kiểm tra an ninh rất thấp, dưới ngưỡng gây ảnh hưởng thai nhi, thai phụ vẫn có thể đi qua.

Nguồn tham khảo: Dos and Don`ts in pregnancy - Truths and Myths - ACOG (articles in press April 2018)

5 nỗi kinh hoàng của các mẹ khi đi sinh, mang thai lần đầu mẹ cần đọc ngay
Bên cạnh việc bị cơn đau chuyển dạ hành hạ liên tục suốt nhiều tiếng đồng hồ, sinh con còn bao gồm rất nhiều nỗi khổ khác.
Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia