Theo bác sĩ Lê Tiểu My, lần mang thai sau thường sẽ mệt hơn lần mang thai trước nên người mẹ cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định có bầu.
Khi đứa con đầu của bạn đã bắt đầu lớn dần, khi ở nhà bắt đầu râm ran câu chuyện về một em bé nữa, bạn sẽ tự hỏi “đây là lúc thích hợp chưa?”. Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ trả lời câu hỏi này, về những gì liên quan đến y khoa.
Khoảng cách giữa lần sinh trước đến lần có thai sau 18 tháng là tốt nhất cho mẹ và con. (ảnh minh họa)
Khoảng cách giữa 2 lần sinh bao lâu là lý tưởng?
Nhiều tài liệu khuyến cáo, khoảng cách giữa lần sinh trước đến lần có thai sau 18 tháng là tốt nhất cho mẹ và con. Khi khoảng cách này dưới 18 tháng, nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân tăng lên. Mặt khác, cơ thể người mẹ cần thời gian bình phục về dinh dưỡng, về thể chất nên nếu có thai quá sớm, có thể cơ thể mẹ chưa sẵn sàng, đặc biệt trong trường hợp mổ lấy thai. Khoảng cách 18 tháng đương nhiên không phải lý tưởng cho tất cả. Nếu mẹ trên 35 tuổi, khoảng cách này được đề nghị giảm xuống còn 12 tháng. Tốt nhất, trong mọi trường hợp, khi suy nghĩ có thêm con, bạn cần quan tâm:
- Bạn đã thật sự sẵn sàng. Chỉ có bạn và bạn đời của bạn mới hiểu rõ, hai bạn đã đủ sức khoẻ, tâm sinh lý, thời gian, tài chính để có thêm con.
- Tư vấn với bác sĩ của bạn về tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh lý bản thân và gia đình để quyết định khoản thời gian thích hợp.
- Tốt nhất nên chờ có kinh nguyệt trở lại mới dừng các biện pháp ngừa thai, vì khi chu kỳ kinh nguyệt hoạt động lại, việc có thai chủ động hơn, tính tuổi thai tương đối chính xác hơn.
Cơ thể bạn đã sẵn sàng chưa?
Nếu bạn thấy đã đủ “năng lượng” thì việc này đã ổn một nửa. Có một sự thật là “lần mang thai sau sẽ mệt hơn lần mang thai trước”, nguyên nhân là do bạn nhiều tuổi hơn, việc chăm sóc một/ hay nhiều đứa bé trước chắc cũng đủ mệt dù không có thai. Vì vậy, bạn cần nhớ những điều này khi quyết định có thai lần nữa:
- Khám sức khoẻ trước khi mang thai
- Điều chỉnh cân nặng trong khoảng lý tưởng (dựa trên BMI)
- Uống bổ sung Vitamin, và đừng quên 400 microgram acid folic mỗi ngày trước khi có thai ít nhất 1 tháng.
- Nếu đã mổ lấy thai, nên cân nhắc khi bé dưới 9 tháng tuổi.
Thai kỳ sau có gì khác thai kỳ đầu?
- Ra dáng “bà bầu” sớm hơn, bụng to nhanh hơn, do cơ bụng đã quen với chuyện căng giãn nên “thích nghi” nhanh hơn.
- Bạn cảm nhận bé máy đạp sớm hơn, và hình như bé đạp nhiều hơn, Chắc chắn là hiếm khi bé cử động nhiều hơn thật sự, là do bạn quen với việc này nên cảm giác tốt hơn.
- Cơn gò sinh lý sớm hơn
- Cảm giác ngực ít căng đau hơn lần mang thai đầu.
Lần mang thai sau thường sẽ mệt hơn lần mang thai trước nên người mẹ cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định có bầu. (ảnh minh họa)
Những điều cần lưu tâm là gì?
- Nếu lần mang thai trước xảy ra vấn đề sức khoẻ, như sinh non, tiểu đường thai kỳ, trẻ nhẹ cân, trầm cảm sau sinh,.. thì nguy cơ xảy ra cho lần mang thai này sẽ tăng lên, nghĩa là nhiều khả năng sẽ lặp lại.
- Về sinh non, trẻ nhẹ cân: tầm soát những nguyên nhân có thể để dự phòng. Ví dụ: đo chiều dài kênh tử cung để xem nguy cơ sinh non khi cổ tử cung ngắn, khâu cổ tử cung, sử dụng thuốc…
- Về tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật: hãy chắc chắn rằng bác sĩ theo dõi thai cho bạn biết điều này để có kế hoạch theo dõi thai thích hợp. Sau sinh 6 tuần, bạn cần xét nghiệm đường huyết, kiểm tra huyết áp để xem xét khả năng sử dụng thuốc liên tục hay không, các chế độ ăn uống và luyện tập thích hợp.
Đừng quên chuẩn bị cho đứa lớn
Khi nào thì nói cho con biết rằng con sắp làm anh/chị? Nếu trẻ đủ lớn để hiểu, bạn nên thông báo một cách vui vẻ khi thai khoảng 11-12 tuần, vì sau khoảng thời gian này, nguy cơ sẩy thai đã giảm thấp. Đối với trẻ nhỏ hơn, có thể nói nhiều lần, và khi bụng bạn to dần, bạn giải thích tương đối dễ về sự hiện diện của một em bé khác trong thời gian sắp tới. Các chuyên gia cho rằng, mỗi người mẹ đều có khả năng nhận ra thời điểm thích hợp, vì chỉ có mẹ mới hiểu rõ con mình nhất.
Trong mọi trường hợp, khi nói với con điều này, bạn cần nhấn mạnh rằng bạn vẫn yêu thương con, và không có gì thay đổi được điều đó. Để trẻ cảm thấy bạn vẫn quan tâm bé, hãy “lôi kéo” bé tham gia theo dõi sự phát triển của thai, như em bé đạp, hình ảnh bé trên siêu âm…Việc xây dựng mối quan hệ anh/chị em ngay từ lúc bạn có thai sẽ giúp bé nhận ra đây là điều hạnh phúc, và em bé trong bụng mẹ là người sẽ yêu thương, gắn kết với bé trong suốt cuộc đời. Hãy bắt đầu bằng một số việc:
- Tham gia đặt tên cho em
- Nói cho bé biết một số “quyền lợi” khi có em: dạy em học, dạy em chơi, bảo vệ em…
- Đọc những quyển sách thể loại “làm thế nào để trở thành một người anh/chị “xịn”
- Cùng mua sắm vật dụng cho em, cho bé chọn một số món.
Một em bé sắp chào đời, nghĩa là sẽ xuất hiện cùng lúc hạnh phúc mới “tặng kèm” những lo âu và gánh nặng mới. Ngay cả khi bạn hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần, thai kỳ trước tốt đẹp suôn sẻ, cũng đừng quá chủ quan mà bỏ qua những xét nghiệm và thăm khám cần thiết trước và trong khi mang thai.