Ngôi thai ngược cũng chưa chắc phải sinh mổ, hãy xem bác sĩ xoay bé lại ngay từ bên ngoài

Ngày 29/12/2017 12:59 PM (GMT+7)

Mẹ cũng có thể tự tập những bài tập ở nhà từ tuần thứ 30-37 của thai kì để bé xoay người vào đúng vị trí.

Cận cảnh một ca xoay ngôi thai bằng tay. 

Từ lúc thành hình đến khi phát triển đầy đủ các cơ quan, hầu hết thai nhi đều nằm hướng mông về phía tử cung của mẹ. Tuy nhiên, để có thể dễ dàng chui ra khỏi bụng mẹ, thai nhi sẽ quay đầu ngược lại ở những tháng cuối thai kỳ. 

Tư thế thuận lợi nhất để thai nhi dễ dàngchào đời là đầu hướng xuống phía xương chậu, quay gáy về phía bụng mẹ. Tuy nhiên, đến tuần thứ 30 của thai kỳ, vẫn có khoảng 25% thai nhi “ngoan cố” giữ nguyên tư thế mông hướng về tử cung mẹ. Thậm chí, tới tuần thai 36, vẫn có 6% trường hợp thai nhi không quay đầu và khoảng 3% trường hợp như vậy ở tuần 40. Nếu bé không chịu quay đầu thì mẹ sẽ phải sinh mổ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bác sĩ đã áp dụng phương pháp xoay ngôi thai từ bên ngoài để giúp bé vào đúng vị trí và mẹ có thể sinh thường. 

Xoay thai bên ngoài là gì?

Xoay thai bên ngoài (ECV - External Cephalic Version) là thủ thuật xoay thai, thường được áp dụng với ngôi mông, ở tuần 36-37.

Bác sĩ sẽ dùng một loại thuốc để làm giãn tử cung mẹ. Sau đó bác sĩ dùng tay nhẹ nhàng nhấn ngoài bụng bầu để biến bé đang nằm ngôi mông trở về ngôi thuận.

Ngôi thai ngược cũng chưa chắc phải sinh mổ, hãy xem bác sĩ xoay bé lại ngay từ bên ngoài - 1

Bác sĩ sẽ bôi một loại thuốc giúp làm giãn tử cung mẹ trước khi xoay ngôi thai. (Ảnh minh họa)

Trong khi bác sĩ thao tác, mẹ bầu sẽ cảm thấy hơi tức phần bụng dưới. Mức độ khó chịu tùy thuộc vào độ nhạy cảm của phần bụng dưới và lực ấn, đẩy và xoay của bác sĩ.

Nếu lần thứ nhất không thành công, các bác sĩ có thể gợi ý cho mẹ bầu tiếp tục thực hiện lần thứ 2. Và lần này, mẹ bầu thường sẽ gây tê ngoài màng cứng để giúp cơ thể thư giãn và giảm cơn đau trong quá trình làm thủ thuật. Tỷ lệ thành công là 58% nếu là ngôi mông và có thể lên tới 90% nếu là ngôi ngang.

Sau khi hoàn thành xong thủ thuật, ngôi thai quay theo chiều thuận, mẹ bầu sẽ được theo dõi thêm trong 1 thời gian ngắn và sau đó quay trở lại tiếp tục cuộc sống bình thường chờ ngày chuyển dạ.

Ngôi thai ngược cũng chưa chắc phải sinh mổ, hãy xem bác sĩ xoay bé lại ngay từ bên ngoài - 2

Quy trình xoay ngôi thai. (Ảnh minh họa)

Những mẹ bầu nào không được thực hiện xoay ngôi thai 

Vì sinh thường luôn được khuyến khích hơn sinh mổ nên nhiều mẹ bầu ngôi thai ngược mong muốn được thực hiện thủ thuật xoay ngôi thai. Tuy nhiên, nếu rơi vào những trường hợp dưới đây thì thủ thuật này sẽ không thể áp dụng: 

- Tử cung của mẹ có hình dạng bất thường. 

- Thai nhi được chẩn đoán có khuyết tật khi sinh hoặc có dấu hiệu bất thường.  

- Người mẹ có vấn đề về tim hoặc các vấn đề khác gây cản trở tiếp nhận các loại thuốc giảm đau ngừa các cơn co tử cung.

- Nhau thai bao phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, hoặc đã tách ra khỏi thành tử cung.

- Mẹ mang đa thai. 

- Đã vỡ ối. 

Đặc biệt, xoay thai bên ngoài không phải lúc nào cũng an toàn. Một vài nguy cơ nghiêm trọng, tuy hiếm nhưng vẫn liên quan đến xoay thai bên ngoài. Chẳng hạn, xoay thai làm nhau thai đứt khỏi thành tử cung; khi đó, em bé buộc phải chào đời ngay bằng phương pháp sinh mổ. Phương pháp này cũng ảnh hưởng đến nhịp tim của bé. Vì thế, nhiều trường hợp, người mẹ buộc phải sinh con ngay lập tức. Vì những lý do này, những chuẩn bị phòng khi phải mổ đẻ trong bệnh viện luôn được chuẩn bị sẵn.

Mẹ cũng có thể tự xoay ngôi thai 

Trong những tuần cuối thai kì, nếu bé chưa quay đầu vào vị trí thích hợp để sinh thường, mẹ cũng có thể tự xoay ngôi thai bằng cách áp dụng những phương pháp sau:

- Nằm ngửa và đẩy hông lên cao;

Ngôi thai ngược cũng chưa chắc phải sinh mổ, hãy xem bác sĩ xoay bé lại ngay từ bên ngoài - 3

Thực hiện tư thế "sắp trồng chuối" 30 giây mỗi ngày cũng giúp bé xoay về đúng vị trí. (Ảnh minh họa)

- Quỳ và chống tay chân trên sàn phẳng;

- Tư thế sắp “trồng cây chuối”;

- Tập yoga;

- Tập bơi; 

- Dùng khăn, túi lạnh đặt ở vị trí đầu em bé và khăn nóng đặt ở bụng dưới để bé xoay về nơi có nhiệt. 

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia.  

Minh An (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác khi mang thai