Sau khi nghe kết luận của bác sĩ cô đã rất choáng váng.
Lần mang thai thứ hai của La'Toya Sharp không diễn ra suôn sẻ như cô mong đợi. Người phụ nữ 42 tuổi khi đó mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và sau 17 giờ chuyển dạ, cô phải mổ lấy thai khẩn cấp.
Khi hồi phục trong bệnh viện, cô bắt đầu cảm thấy khó thở và huyết áp tăng vọt. Khi nằm xuống, cô cảm giác như thể mình đang "đuối nước", giống như ngày tận thế đang đến vậy. Người mẹ cho hay, cô đã bị tiền sản giật sau sinh.
"Tôi nghĩ rằng chứng bệnh này chỉ xảy ra trong thời kỳ mang thai. Lúc tôi có bầu, huyết áp của tôi vẫn ổn định. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng chứng bệnh này vẫn có thể xảy ra sau 48 giờ hoặc thậm chí là 6 tuần sau sinh. Tôi đã bị sốc khi biết được điều này", người mẹ 44 tuổi, đến từ Bắc Carolina, chia sẻ trên truyền thông.
Người mẹ sau khi sinh con xong đã gặp triệu chứng nguy hiểm.
Tiền sản giật khi mang thai và sau sinh
Mấy năm về trước, cô Sharp biết mình có thai lần nữa nhưng đó là thai ngoài tử cung và một trong những ống dẫn trứng của cô đã bị vỡ. Người phụ nữ đã phải trải qua ca phẫu thuật để đảm bảo sự an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc cô khó có thể mang thai.
Khi người phụ nữ bất ngờ có bầu tiếp đã khiến cô cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui. Người mẹ này cho biết: "Về cơ bản mọi người đều nói đây là một phép lạ nhưng tôi rất lo lắng khi mang thai lần này. Do tuổi tôi đã cao và còn mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Đến ngày vượt cạn, sau khi tôi chật vật suốt 17 tiếng đồng hồ, bác sĩ quyết định mổ đẻ khẩn cấp".
Lúc con gái Nova chào đời, người phụ nữ rất vui khi đứa trẻ khỏe mạnh. Các bác sĩ cũng tiết lộ lý do khiến cô không thể sinh thường đó là có một khối u xơ lớn đã ngăn cản bé Nova chào đời tự nhiên. Mọi thứ có vẻ như đã suôn sẻ nhưng hai ngày sau, huyết áp của Sharp tăng lên kèm theo đó là triệu chứng khó thở.
Bác sĩ điều trị cho cô Sharp nói rằng người phụ nữ phải ở lại viện để điều trị vì cô bị tiền sản giật. Điều này có nghĩa là người mẹ không thể ở bên con mình, cho đứa trẻ ti mẹ trực tiếp được. Nhưng để con gái vẫn được dùng sữa mẹ, trong quá trình điều trị, người mẹ vẫn hút sữa đều đặn. Về sau, cô may mắn được xuất viện khi tình hình sức khỏe đã ổn định.
Người mẹ và em bé hiện tại đã khỏe mạnh.
Được trở về nhà, người mẹ này bắt đầu hành trình luyện cho con ti mẹ và ngoài ra cô còn bị trầm cảm sau sinh. Cô tưởng chừng bản thân sẽ bị kiệt sức nhưng may mắn thay cô có gia đình và đội ngũ y tế tận tâm để giúp người phụ nữ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.
Em bé giờ đây đã khôn lớn, khỏe mạnh và cứng cáp. Sức khỏe của cô Sharp cũng đã ổn định. Người phụ nữ chia sẻ câu chuyện này để mong rằng nhiều bà mẹ sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề tiền sản giật sau sinh.
"Bạn phải xem xét mọi triệu chứng một cách nghiêm túc và không được bỏ qua nó. Chúng ta cần chăm sóc bản thân mình nếu như muốn chăm sóc em bé thật tốt", cô cho hay.
Theo tiến sĩ Catherine Weinberg, giám đốc khoa sản tim mạch có nguy cơ cao tại Bệnh viện Lenox Hill, ở New York (Mỹ), cho biết: "Tiền sản giật có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào sau 20 tuần mang thai và khoảng 6 tuần sau khi sinh".
Các dấu hiệu của tiền sản giật thường gặp là huyết áp cao; sưng tay hoặc khuôn mặt; tăng cân do cơ thể phù nề; đau bụng... Tiền sản giật là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị. Những người không được điều trị có thể bị co giật và thậm chí tử vong.