Nhau tiền đạo là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong vài tháng cuối của thai kỳ, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.
Nhau tiền đạo (hay còn gọi là rau tiền đạo) có nghĩa là bánh nhau nằm chắn ngang đường đi của thai nhi khi sinh qua ngã âm đạo. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong vài tháng cuối của thai kỳ, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ và bé.
Bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà (nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ) sẽ giúp chị em phụ nữ mang thai hiểu hơn các kiến thức về nhau tiền đạo.
Dấu hiệu và cách phát hiện nhau tiền đạo trước sinh
Dấu hiệu
Bác sĩ Song Hà cho biết: “Triệu chứng nhau tiền đạo thường xảy ra vào tam cá nguyệt cuối. Mẹ bầu có thể bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại và không kèm đau bụng. Đặc biệt, triệu chứng này có thể lặp lại nhiều lần và lần sau ra huyết nhiều hơn lần trước”.
Bác sĩ Song Hà nhấn mạnh thêm, thai phụ đi lại nhiều, làm việc nặng, bị căng thẳng,… sẽ dễ bị ra huyết nhiều hơn.
Các cách phát hiện
Khi khám thai định kỳ thường xuyên, bác sĩ sẽ chẩn đoán mẹ bầu có mắc nhau tiền đạo hay không thông qua siêu âm, từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Qua siêu âm, bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.
“Phát hiện có nhau tiền đạo, mẹ bầu nên đi khám thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ để có những tư vấn cụ thể, hướng dưỡng thai tốt nhất’, bác sĩ Song Hà khuyến cáo.
Phát hiện có nhau tiền đạo, mẹ bầu nên đi khám thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ để có những tư vấn cụ thể, hướng dưỡng thai tốt nhất (ảnh minh họa)
Ảnh hưởng của nhau tiền đạo đến mẹ và thai nhi
Đối với mẹ bầu
- Ra huyết âm đạo, ít thì gây thiếu máu. Nếu ra huyết quá nhiều, mẹ có nguy cơ tử vong.
- Thai phụ ra huyết âm đạo không được theo dõi và vệ sinh tốt, có thể dẫn đến nhiễm trùng,…
Đối với thai nhi
- Mẹ bị ra máu thường xuyên, bé dễ bị còi cọc, suy dinh dưỡng,…
- “Thai phụ ra huyết ít, không ảnh hưởng đến tổng trạng thì bác sĩ sẽ có chế độ dưỡng thai khoa học, kéo dài tuổi thai tối đa đến mức có thể. Đồng thời, trích hỗ trợ phổi cho em bé, nếu bé đủ tuần tuổi cho phép”, bác sĩ Song Hà cho hay.
- Trường hợp mẹ ra huyết nhiều, đe dọa tính mạng và để cứu mẹ, bác sĩ bắt buộc phải mổ lấy thai sớm. Khi đó, khả năng thai còn non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp hoặc tử vong.
- Thai thường khó xoay đầu xuống dưới do bánh nhau nằm ở đoạn dưới tử cung nên hay gặp ngôi ngược bất thường như ngôi mông, ngôi ngang,…
Nguyên nhân phụ nữ mang thai bị nhau tiền đạo
Bác sĩ Song Hà khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến nhau tiền đạo vẫn chưa được xác định. Theo các nghiên cứu thống kê, nhau thai tiền đạo hay gặp trong các trường hợp sau:
- Sinh đẻ nhiều lần.
- Từng mổ lấy thai trước đó.
- Nạo phá thai nhiều lần.
- Viêm nhiễm phụ khoa nhiều lần không được điều trị dứt điểm.
- Các lần mang thai trước đó có lần bị nhau tiền đạo.
- Chế độ dinh dưỡng kém, hút thuốc lá.
- Mẹ lớn tuổi cũng có thể là nguyên nhân góp phần.
Mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, chuẩn bị tốt cho sức khỏe trước khi mang thai (ảnh minh họa)
Cần làm gì khi được chẩn đoán nhau thai tiền đạo
- Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn tình huống có thể ra huyết vào bất kỳ lúc nào, nhất là những tháng cuối của thai kỳ.
- Thai phụ ra huyết âm đạo phải vào ngay bệnh viện sản khoa gần nhất để được theo dõi. “Tùy theo mức độ ra huyết ít hay nhiều và dựa vào tuần tuổi của thai nhi, bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm”, bác sĩ Song Hà cho biết.
- Thai phụ ra huyết ít và được dưỡng thai thêm cần nằm nghỉ ngơi nhiều tại giường, không lao động nặng, kiêng giao hợp. Ngoài ra, mẹ bầu phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để hỗ trợ thai phát triển tối đa.
- Dưỡng thai tới tuần thứ 37, bà bầu sẽ nhập viện sớm để bác sĩ theo dõi và có hướng tư vấn về các tình huống có thể xảy ra, vấn đề truyền máu trước hay sau mổ.
Mổ lấy thai cho tất cả các trường hợp nhau tiền đạo?
Theo bác sĩ Song Hà, mẹ bầu phải mổ lấy thai cho những trường hợp sau:
- Nhau tiền đạo ra huyết nhiều, đe dạo tính mạng mẹ và bé.
- Thai nhi đã đủ trưởng thành và nhau tiền đạo nằm ở vị trí trung tâm.
- Nhau tiền đạo bán trung tâm.
Tuy nhiên, trường hợp nhau bám thấp hay bám mép, mẹ bầu vẫn có thể sinh thường nếu không kèm 1 bất thường hay bệnh lý nào khác.