Dù sẩy thai một hay nhiều lần không có nghĩa là bạn mất hết cơ hội làm mẹ.
Sẩy thai là một trong những tình huống không may mắn và đau buồn nhất trong cuộc đời của người phụ nữ, nhưng đừng vì thế mà bạn vội buông xuôi hay tuyệt vọng với mong ước được thực hiện thiên chức làm mẹ của mình. Trong thực tế, có đến hơn 85% chị em sẽ đậu thai sau lần sẩy đầu tiên, 75% chị em đã sẩy thai lần 2 hoặc 3 sẽ có thai kỳ thành công ở lần kế tiếp. Vì vậy, thay vì lo lắng, hoang mang, bạn hãy tìm hiểu kỹ và chuẩn bị tinh thần, thể chất tốt nhất cho lần mang thai khỏe mạnh, an toàn tiếp theo bằng cách tham khảo các hướng dẫn khá bổ ích như sau:
Xác định nguyên nhân sẩy thai
Việc xác định nguyên nhân của lần sẩy thai trước cần được thực hiện ngay sau khi phát hiện thai bị sẩy, hoặc ngay khi bạn quyết định sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội làm mẹ lần nữa. Hiểu được nguyên nhân gây ra tình trạng này giúp bạn chủ động điều trị nếu có bệnh lý, hoặc biết cách giữ gìn sức khỏe tốt hơn, thăm khám cẩn thận và phòng tránh kỹ càng hơn cho lần mang thai sau này.
Quá béo phì cũng là một yếu tố liên quan gây nên tình trạng sẩy thai (hình minh họa)
Có một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng sẩy thai, bao gồm các bất thường về nhiễm sắc thể, tiền căn di truyền (người thân trong gia đình từng bị sẩy thai), tử cung và cổ tử cung có vấn đề, nhiễm trùng âm đạo, mất cân bằng về hormone, rối loạn đông máu, hệ miễn dịch yếu, người mẹ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh lupus, bệnh thận v.v… Ngoài ra, các yếu tố có liên quan đến nguy cơ sẩy thai như tuổi tác (người vợ trên 35 tuổi), bị béo phì, tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu axit folic hoặc cơ thể chứa nồng độ homocysteine cao, mẹ hút thuốc hoặc uống rượu, tiếp xúc thường xuyên với tia X-quang, người vợ hoặc chồng trong công việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất như thuốc trừ sâu, hóa chất từ dầu hỏa v.v…cũng cần được xem xét để tránh tuyệt đối cho lần bầu bí tiếp theo.Nếu bị sẩy thai nhiều lần thì việc hợp tác với bác sĩ để tìm ra căn nguyên của tình trạng này là rất quan trọng, từ đó giúp ngăn chặn tốt hơn sự cố trong các lần sau.
Một khi đã xác định được lý do sẩy thai, bác sĩ sẽ có nhiều biện pháp khắc phục giúp tăng cơ hội làm mẹ cho bạn trong tương lai, như dùng thuốc với các trường hợp liên quan đến vấn đề rối loạn nội tiết tố (mất cân bằng về hormone), sử dụng chất làm loãng máu trong trường hợp rối loạn đông máu, chữa các bệnh mãn tính như bệnh tuyến giáp, thận v.v… trước khi để đậu thai ….
Chọn thời điểm thụ thai tiếp theo
Nhiều quan niệm cho rằng phụ nữ dễ có thai sau khi bị sẩy, có thể do tại thời điểm sẩy thai (xảy ra trong vòng 24 tuần đầu của thai kỳ), hàm lượng hormone trong cơ thể sẽ rất cao, do đó dễ làm cho chị em thụ thai ngay sau khi bị sẩy. Mặc dù vậy, việc có em bé ngay sau khi bị sẩy thai không phải là một lựa chọn tốt cho các chị em vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân đầu tiên là do sau khi bị sẩy thai, tử cung cần một thời gian để phục hồi lại như trước. Nội mạc tử cung khi đó còn rất mỏng, sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai lần nữa nếu bạn cố gắng để thụ thai ngay. Đồng thời, sẩy thai là một sang chấn tâm lý rất lớn, do đó, chờ một thời gian nhất định trước khi mang thai lại lần nữa sẽ cho phép bạn ổn định cả tinh thần và thể chất để nuôi dưỡng thai nhi tốt hơn.
Thông thường, bác sĩ hay khuyên chị em nên có thai lại sau 2 – 3 tháng bị sẩy, hoặc sau 2 – 3 kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên thời điểm được cho là an toàn nhất để bạn quyết định tiếp tục có em bé là khoảng 6 tháng sau, vì khoảng thời gian này giúp cho tử cung có điều kiện phục hồi trọn vẹn sau lần sẩy thai trước đó.
Tăng cường thể chất
Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin thiết yếu và bổ sung axit folic
giúp gia tăng cơ hội thụ thai (hình minh họa)
Một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng có thể làm tăng cơ hội thụ thai thành công cho bạn. Ngoài chế độ ăn lành mạnh, nhiều chất xơ với rau, trái cây, các thực phẩm giàu dưỡng chất và vitamin thiết yếu, bạn cũng cần bổ sung thêm các thực phẩm giàu axit folic như cải bruxel, thịt bò, thận, cải bó xôi, cơm gạo lức, bông cải xanh, đậu xanh, đậu nành, xà lách, khoai tây, cam, sữa chua, bánh mì, trứng v.v… Ngoài việc giúp sản xuất tế bào hồng cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng thai nhi, đặc biệt trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, axit folic còn giúp ngăn chặn sự cố khuyết tật ở hệ thần kinh của bé.
Ngoài ra, các hoạt động thể dục thể thao, tập yoga, chạy bộ v.v… sẽ giúp cơ thể bạn có đủ sức khỏe, tăng cường đề kháng để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh trong tương lai. Một lối sống lành mạnh, tránh xa rượu, thuốc lá, giảm cân tích cực nếu bị béo phì v.v… cũng sẽ giúp tăng cơ hội làm mẹ cho bạn.
Vượt qua nỗi sợ hãi
Hầu hết chị em sau khi trải qua một lần sẩy thai đều cảm thấy lo âu, căng thẳng, đôi khi bị ám ảnh rằng tình trạng tồi tệ này sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Việc ôm mãi nỗi đau mất mát về đứa con đầu lòng sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn, làm bạn bị căng thẳng, trầm cảm, cuối cùng là ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ thai tiếp theo. Không những vậy, ám ảnh sẩy thai còn ảnh hưởng đến thai nhi nếu bạn may mắn đậu thai ngay sau đó, vì bạn sẽ rơi vào trạng thái lo âu quá mức mỗi khi thấy bé không máy, trong khi có thể đây là khoảng thời gian bé đang ngủ hoặc nghỉ ngơi v.v…
Để vượt qua nỗi sợ hãi đầy ám ảnh này, bạn nên tâm sự hay dành thời gian ở bên cạnh chồng và những người thân trong gia đình. Tập yoga hoặc thiền định cũng có thể giúp xoa dịu và làm thư giãn tâm trí, kể cả cơ thể của bạn. Tuy nhiên, nếu vẫn không cân bằng được cảm xúc, bạn nên đến gặp các chuyên gia tư vấn để mau chóng hồi phục sau vết thương tâm lý, giúp tăng cơ hội có được thiên chức làm mẹ trong tương lai. Cũng nên nhớ rằng, tỷ lệ sẩy thai lần hai không tăng nhiều, nếu từng 2 lần sẩy thì cơ hội làm mẹ của bạn vẫn còn đến 80%, nếu sau 3 lần thì bạn vẫn còn 70% cơ hội có con sau đó…
Tập yoga hay thiền định sẽ giúp tâm trí bạn vững vàng và ổn định, từ đó dễ vượt qua
nỗi đau mất mát để đón chờ tin vui mới (hình minh họa)
Kiểm tra chu kỳ rụng trứng và tái khám ngay khi có dấu hiệu đậu thai
Khi đã chuẩn bị đủ thời gian, thể chất và tinh thần cho lần đậu thai kế tiếp, cũng là lúc bạn cần theo dõi thời điểm rụng trứng để tăng cơ hội thụ thai. Có thể tự nhận biết thời điểm rụng trứng của cơ thể qua việc theo dõi lượng chất nhầy tiết ra từ âm đạo, thường lượng chất nhầy âm đạo nhiều nhất trong kỳ thì xác suất rụng trứng là cao nhất; hoặc dùng phương pháp đau trung gian, theo đó 97% các cơn đau được cảm nhận trước khi rụng trứng, do đó, nếu xảy ra cơn đau giữa chu kỳ, bạn có thể tin rằng sự rụng trứng sẽ xảy ra trong vòng 24 giờ sau đó. Đồng thời, trong vòng 2 ngày trước khi trứng rụng, thân nhiệt sẽ tụt xuống thêm 0,1 – 0,2 độ C, ngày rụng trứng thân nhiệt lại đột ngột tăng lên 0,3 – 0,5 độ C. Đơn giản hơn, bạn có thể dùng que thử nước tiểu để đo sự biến đổi nồng độ LH trong chu kỳ kinh nguyệt, thường thử 2 ngày trước ngày nghi sẽ rụng trứng…
Và thật may mắn nếu phát hiện mình lại đậu thai. Tuy nhiên, đây là lúc bạn cần thăm khám cẩn thận và tham khảo ý kiến của bác sĩ để thực hiện những biện pháp cần thiết giúp ngăn ngừa sẩy thai lần nữa. Nên thận trọng tối đa trong lần có thai này, đôi lúc bạn cần phải nằm nghỉ ngơi hoàn toàn nếu có tiền sử sẩy thai do tử cung yếu hoặc các vấn đề liên quan...
Nếu may mắn phát hiện lại đậu thai, bạn cần thăm khám cẩn thận để thực hiện những biện pháp cần thiết giúp ngăn ngừa sẩy thai lần nữa (hình minh họa)
Tóm lại, bị sẩy thai là một biến chứng không mong muốn. Tuy nhiên, tình trạng này chắn chắn không phải là một dấu hiệu cảnh báo bạn sẽ vô sinh sau đó, vì vậy, tâm lý bình tĩnh, thư giãn, tránh lo âu căng thẳng là rất quan trọng để giữ thai kỳ tiếp theo an toàn, khỏe mạnh. Nhiều phụ nữ từng bị sẩy thai liên tiếp cũng đã tìm được cơ hội làm mẹ nhờ sự chăm sóc và giám sát chặt chẽ của bác sĩ.